Đó là nhận định của PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
* PHÓNG VIÊN: Cả nước đã có khoảng 16.000 người được tiêm vaccine AstraZeneca. Ông đánh giá thế nào về công tác tiêm chủng trong 1 tuần triển khai?
- PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU: Công tác tiêm chủng được thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ là ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và vùng dịch. Đồng thời, việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ tiêm chủng, bảo quản vaccine, khám sàng lọc, giám sát phản ứng sau tiêm, cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng… cũng được các địa phương chuẩn bị rất cẩn thận để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả và an toàn.
Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu một số địa phương tổ chức họp hội đồng tư vấn chuyên môn, làm rõ nguyên nhân những trường hợp bị phản ứng nặng sau tiêm. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, các phản ứng sau tiêm này đã được lường trước nên không có gì bất thường, hay bị động. Hơn nữa, vaccine Covid-19 cũng như nhiều loại vaccine khác đều có thể gây ra những tác dụng không mong muốn nhưng là những phản ứng thông thường, vì vậy, người dân không cần phải quá lo lắng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau tiêm vaccine AstraZeneca, các phản ứng thường gặp với tỷ lệ trên 10% như: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38oC; phản ứng như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1%-10%. Những phản ứng trên là hoàn toàn bình thường nhưng chúng ta luôn có dự phòng cho các tình huống nguy hiểm nhất.
* Hiện nhiều quốc gia châu Âu đang tạm dừng tiêm vaccine AstraZeneca vì xảy ra một số tai biến nghiêm trọng. Ông đánh giá sao về điều này?
- Theo thông tin từ WHO, tới thời điểm này, vaccine Covid-19 vẫn an toàn và chưa có những bằng chứng rõ ràng về một số trường hợp bị tai biến nghiêm trọng có liên quan tới vaccine. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm nên chúng ta cũng cần theo dõi sát sao những phản ứng từ phía cơ quan y tế của EU, cũng như các kết quả nghiên cứu, bằng chứng khoa học cụ thể, không thể đưa ra những nhận định vội vàng.
* Trên thế giới có nhiều loại vaccine Covid-19, tại sao chúng ta lại lựa chọn vaccine của AstraZeneca, thưa ông?
- Việc lựa chọn vaccine AstraZeneca có nhiều lý do. Trước hết, đây là tình huống khẩn cấp khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, vaccine AstraZeneca đã trải qua đầy đủ 3 giai đoạn thử nghiệm, được WHO chứng nhận và cho phép lưu hành. Đồng thời, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ và châu Âu cũng đã cấp phép cho vaccine này được sử dụng rộng rãi. Đến nay, khoảng 50 nước trên thế giới đã đặt hàng mua vaccine AstraZeneca. Cùng với đó, để đảm bảo có đủ vaccine Covid-19 phòng chống dịch, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc cũng đã đề nghị Bộ Y tế cho nhập cả vaccine Pfizer của Mỹ và Sputnik V của Nga - là những vaccine đã được cấp phép sử dụng tại nhiều nước và đã qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầy đủ.
Hơn nữa, việc nhập và sử dụng vaccine Covid-19 còn phụ thuộc vào việc đàm phán với nhà cung cấp, cho tới khả năng bảo quản. Ví dụ như vaccine của Pfizer ngoài việc đàm phán nhập của họ, chúng ta còn cần phải có hệ thống bảo quản đặc chủng mới có thể đảm bảo chất lượng và an toàn khi tiêm chủng.
* Vaccine Covid-19 đã được triển khai tiêm chủng, nhưng dịch bệnh vẫn phức tạp. Ông có khuyến cáo gì?
- Muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải bao phủ vaccine trên 70% dân số. Nhưng, do số lượng vaccine còn ít nên phải ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao trước. Hơn nữa, sau tiêm vaccine, chưa hẳn đã có miễn dịch ngay trong khi virus SARS-CoV-2 đang có nhiều biến thể. Chúng ta cũng không thể chắc chắn rằng mầm bệnh đã sạch hoàn toàn trong cộng đồng nên để phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn cần phải thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K”: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”.
* Xin cảm ơn ông!