Tác động từ IPO của Vietcombank

Tác động từ IPO của Vietcombank

Ngay sau khi những thông tin cho biết về lộ trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) xuất hiện trên các mặt báo, chứng khoán lập tức lên điểm trong phiên giao dịch đầu tuần. VN-Index tăng mức kỷ lục sau một thời gian trầm lắng khá dài, thêm 15,61 điểm, gần lấy lại được cột mốc 1.000 điểm.

Tác động từ IPO của Vietcombank ảnh 1
Nhà đầu tư đặt lệnh mua cổ phiếu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong đó, nhiều cổ phiếu thuộc hàng “blue chips” có mức giá tăng đáng kể trong phiên giao dịch ngày 3-12. Chẳng hạn như SSI tăng kịch trần, lên đến 8.000 đồng; Ree, FPT, Sam… cũng lên giá.

Đáng chú ý là giá cổ phiếu của hai nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM và Hà Nội là STB của Sacombank và ACB của Ngân hàng Á Châu đều tăng mạnh về khối lượng và giá trị giao dịch. STB đạt 70.000 đồng/cổ phiếu. ACB duy trì trên mức 175.000 đồng/cổ phiếu.

Theo kế hoạch, phiên đấu giá cổ phần lần đầu của Vietcombank sẽ diễn ra tại Sở GDCK TPHCM vào ngày 26-12 tới. Tuy nhiên, đến nay Vietcombank vẫn chưa cho biết cụ thể giá trị cũng như giá khởi điểm cho phiên đấu giá.

Trong phương án phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng của Vietcombank đệ trình lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì giá khởi điểm dự kiến là 90.000 -120.000 đồng, gấp 9-12 lần mệnh giá. Với mức giá dự kiến, đợt phát hành cổ phiếu của Vietcombank sẽ hút một lượng vốn khổng lồ, tương đương hơn nhiều phiên giao dịch chính thức ở sàn TPHCM.

Trong đợt IPO này, Vietcombank sẽ chào bán rộng rãi một khối lượng cổ phiếu tương đương 975 tỷ đồng mệnh giá, bằng 6,5% vốn điều lệ. Tất cả các nhà đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước đều được tham gia đấu giá. Thông tin trên đã làm cho không chỉ có cổ phiếu trên sàn mà cả cổ phiếu của các nhà băng đang giao dịch trên thị trường tự do (OTC) đã dần hồi phục, ấm trở lại trong hai ngày đầu tuần.

Tuy mức tăng của cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên thị trường OTC chưa đáng kể khoảng 5% so với hai tháng trước, nhưng theo đánh giá của các nhà phân tích thị trường, nếu mức giá khởi điểm dự kiến của cổ phiếu VCB là 90.000 – 120.000 đồng, thì nhiều khả năng giá cổ phiếu ngân hàng sẽ được tác động tích cực từ việc quan tâm trở lại của nhà đầu tư.

Hiện giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm xuống mức rất thấp so với đầu năm 2007. Hầu hết các nhà đầu tư đều ngại bỏ thêm vốn vào cổ phiếu của một ngành vốn được xem là màu mỡ này, vì họ cho rằng nếu giá cổ phiếu của Vietcombank dưới 10 chấm (100.000 đồng) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu các ngân hàng. Thị trường OTC nói chung và cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng vẫn đang chịu tình cảnh về tính thanh khoản thấp.

Ngoài việc trông ngóng thông tin IPO của Vietcombank, các nhà đầu tư vừa và nhỏ chủ yếu của thị trường đã phần nào cạn vốn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng vốn để bảo đảm kế hoạch thực hiện như đã đề ra đầu năm. Lượng cầu gia tăng, trong khi cung ngày càng bó hẹp nên khó vực mạnh được giá. Thực tế, không chỉ với cổ phiếu ngân hàng, mà ngay cả các mã chứng khoán khác trên thị trường chính thức cũng bị ảnh hưởng từ những thông tin IPO của Vietcombank.

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành chứng khoán, IPO Vietcombank vẫn là sự kiện được quan tâm nhiều nhất của giới đầu tư trong thời điểm hiện nay. Nó sẽ tác động mạnh đến cổ phiếu các ngân hàng và cả các cổ phiếu khác trên thị trường niêm yết.

Trước đây có dư luận đồn đoán rằng giá khởi điểm của Vietcombank là 60.000 – 70.000 đồng, nhiều người lo ngại giá cổ phiếu ngân hàng sẽ còn suy yếu tiếp. Đặc biệt là cổ phiếu của những nhà băng quy mô nhỏ, đồng thời khả năng thị trường cổ phiếu ngân hàng sẽ lập lại mặt bằng giá mới.

Tuy nhiên, thông tin mức giá khởi điểm của Vietcombank là 100.000 đồng được xem là khá tốt. Vì thế, theo giới phân tích thị trường, nó không những chỉ tốt cho Vietcombank mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của cổ phiếu các ngân hàng nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.

NGUYÊN THƯ

Tin cùng chuyên mục