Tác động từ chính sách thuế

Trong gần 100 sắc lệnh hành pháp liên quan tới hàng loạt lĩnh vực từ đối nội đến đối ngoại vừa được tân Tổng thống Donald Trump thông qua, các sắc lệnh về thuế quan được đặc biệt quan tâm.

Tổng thống Donald Trump đã ký các sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ Canada và Mexico, áp dụng từ ngày 1-2, và áp thêm 10% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc; chỉ đạo các cơ quan liên bang khởi động điều tra các hoạt động thương mại như thâm hụt thương mại, các hoạt động tiền tệ bất bình đẳng, hàng giả và quy định đặc biệt cho phép các mặt hàng có giá trị thấp xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới mà không bị đánh thuế.

Theo nhận định của tờ Foreign Policy, khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, các nhà lãnh đạo thế giới và giám đốc điều hành công ty đã chuẩn bị tốt hơn so với năm 2017. Họ không chỉ học được bài học từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông tại Nhà Trắng mà còn nghiên cứu rất nhiều về phong cách lãnh đạo phi truyền thống của ông.

Theo ghi nhận xuyên suốt từ nhiều năm, sự trỗi dậy chưa từng có của Trung Quốc, cùng với sự thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ đã khiến ông Donald Trump hướng tới chủ nghĩa bảo hộ. Lần này, thế giới sẽ có những điều chỉnh nhằm thích nghi với tư duy của ông Donald Trump theo nhiều cách khác nhau.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã lên kế hoạch khuyến khích châu Âu nên tăng cường mua hàng xuất khẩu của Mỹ. Tương tự, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất trao cho các công ty Mỹ quyền tiếp cận đặc biệt với các khoáng sản quý hiếm của nước này để thu hút tâm lý có đi có lại của ông Donald Trump. Theo các chuyên gia kinh tế châu Âu, nền kinh tế càng lớn, càng có nhiều thứ để trao đổi với Mỹ theo đúng tính thực dụng của tân Tổng thống Mỹ.

Các đồng minh của Mỹ và các thị trường mới nổi có một chiến lược tương đối rõ ràng để thu hút sự chú ý cũng như cơ hội từ tân Tổng thống Mỹ, như: khen ngợi chính sách của ông Donald Trump để đạt thỏa thuận có lợi nhất, tăng cường mua hàng Mỹ và tận dụng các mối quan hệ gia đình của ông Donald Trump.

Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia có khả năng mất mát nhiều nhất khi ông Donald Trump chủ trương tránh xa chủ nghĩa đa phương và ưu tiên các giao dịch song phương. Đó là hơn 100 quốc gia có dân số dưới 10 triệu người.

Các quốc gia từ Maldives đến Mauritania không đủ quy mô, sức mạnh hoặc sự nổi bật để vận động hành lang nhằm được đối xử ưu đãi, trong trường hợp áp dụng thuế quan toàn cầu hoặc nhóm của ông Donald Trump tìm kiếm các thỏa thuận có lợi trên trường quốc tế. Phần lớn các quốc gia này trải rộng khắp Nam Bán cầu, thường nằm ngoài tầm ngắm của các cường quốc.

Một thế giới trở nên bảo hộ hơn, ưu tiên chính sách công nghiệp quy mô lớn và sản xuất trong nước chính là cách gây tổn hại đến các nước nhỏ này. Hơn nữa, xung đột toàn cầu ngày càng gia tăng, dẫn đến di cư hàng loạt và bất ổn trên thị trường thực phẩm và hàng hóa sẽ có xu hướng tạo ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, gây tác động mạnh lên các quốc gia nhỏ nhất.

Tin cùng chuyên mục