Điêu đứng vì… cỏ lạ
Đại diện Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, vào cuối năm 2018, hàng trăm doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nhập khẩu, chế biến lương thực, thực phẩm, kinh doanh khách sạn, nhà hàng… đã điêu đứng vì sự bất hợp lý của QCVN 01-163: 2014/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình giám định, cây kê đồng (cỏ Cirsium Arvense (L.) Scop). Theo đó, với lý do là cỏ Cirsium Arvense có thể gây hại cho hệ thực vật nước ta nên Cục Bảo vệ thực vật buộc những lô hàng bột mì nhập khẩu sẽ phải tái xuất nếu phát hiện có lẫn hạt cỏ trên.
Trong khi đó, các chuyên gia và Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM đều khẳng định chưa có cơ sở khoa học chính xác cũng như thực tế cần thiết để chứng minh loại hạt cỏ này đang gây hại đến hệ thực vật nước ta - đủ để ban hành lệnh cấm nhập khẩu, hoặc buộc phải tái xuất lô hàng bột mì nhập khẩu. Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang, khẳng định loại hạt cỏ này là một loại thực vật sống cộng sinh trong lúa mạch thuộc vùng ôn đới. Khi thu hoạch lúa mạch sẽ khó tránh khỏi tình trạng lẫn hạt cỏ này. Tuy nhiên, với lúa mạch ở dạng bột mì (đã qua xử lý nhiệt và nghiền nhuyễn) thì không thể nào còn hạt cỏ có thể gây xâm hại hệ thực vật nước ta. Mặt khác, đây là loại cỏ sống vùng ôn đới, rất khó có khả năng sinh trưởng tại vùng nhiệt đới như Việt Nam.
Dù đã viện dẫn nhiều chứng minh tính bất hợp lý của quy định này nhưng cho đến nay, quy định trên vẫn tồn tại. Chỉ có điều, thời gian áp dụng đang được cơ quan quản lý chuyên ngành cho kéo dài hơn so với dự kiến là ngày 1-11-2018. Nhiều DN cho rằng, sự tồn tại một quy định được đánh giá là bất hợp lý nhưng lại không bị gỡ bỏ, thời gian áp dụng lại không rõ ràng càng khiến các DN khó khăn hơn. Vì các DN không dám nhập khẩu đơn hàng lớn do không biết bộ sẽ áp dụng quy định này lúc nào. Trường hợp áp dụng đột ngột khi mà DN đã đặt hàng, tàu đang trên đường vận chuyển thì thiệt hại là khôn lường. Còn nếu đặt đơn hàng nhỏ thì bị động sản xuất, do thiếu hụt thường xuyên nguồn nguyên liệu và giá thành vận chuyển cao, giảm năng lực cạnh tranh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, ước tính sơ bộ nếu quy định này không được bỏ, hàng loạt DN sản xuất các mặt hàng mì gói, bánh kẹo, bánh mì sẽ phải đóng cửa. Ngành thức ăn gia súc phải tìm nguồn cung thay thế 70% nguyên liệu sản xuất. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thức ăn nhanh… sẽ có nguy cơ thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí là phá sản.
Rối rắm rào cản
Ở lĩnh vực khác, DN chế biến lương thực lại đang vướng phải quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng do Bộ Y tế ban hành. Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, thị phần của công ty không chỉ trong nội địa mà còn có mặt ở 40 nước trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu của công ty chiếm khoảng 10% tổng sản lượng sản xuất của công ty tại Việt Nam. Tuy nhiên, với quy định mới về bổ sung vi chất dinh dưỡng, công ty buộc phải tách dây chuyền sản xuất. Theo đó, với sản phẩm xuất khẩu thì không bổ sung vi chất dinh dưỡng do các nước nhập khẩu cấm. Trong khi sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước phải làm trên dây chuyền riêng do phải bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng (theo quy định tại Việt Nam). Thực tế này vừa gây khó, vừa tăng chi phí sản xuất của DN.
Trường hợp các DN sản xuất nước uống có gas “bỗng nhiên” bị buộc ngưng cung cấp cho hệ thống trường học. Nguyên nhân do Bộ Y tế ban hành quy định việc không cho phép tiêu thụ nước ngọt có gas trong hệ thống trường học trên toàn quốc. Hầu hết các công ty đều không nhận được bất kỳ thông báo nào về vấn đề này trước đó nên cũng không có sự chủ động cần thiết để chuyển đổi sản phẩm phù hợp. Mặt khác, các DN cho rằng việc cấm học sinh sử dụng nước ngọt có gas là không hợp lý. Các cơ quan chức năng có thể yêu cầu các công ty sản xuất sản phẩm có gas phải ghi rõ các khuyến cáo về việc sử dụng sản phẩm có gas ở mức nào là vừa đủ, an toàn cho sức khỏe của từng lứa tuổi. Nếu nói rằng béo phì là do uống nước ngọt có đường nhiều thì một số loại bánh kẹo có hàm lượng đường còn cao hơn nữa vẫn được bán trong các trường học; các loại nước không gas vẫn có hàm lượng đường khá cao. Bộ Y tế, Ban An toàn thực phẩm có thể quy định hàm lượng đường trong thức ăn, nước uống hơn là cấm tiêu dùng. Các thành phần khác trong thực phẩm cũng cần quy định như vậy.
Trong khi những gút mắc trên chưa được cơ quan chức năng tháo gỡ dù doanh nghiệp đã rất nhiều lần kiến nghị, thì câu chuyện nước mắm truyền thống đang bị đánh lận với nước mắm công nghiệp và bị ép phải theo tiêu chuẩn mà không cơ sở sản xuất truyền thống nào có thể đáp ứng được đã như “giọt nước tràn ly”. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, bức xúc: “Từ 10 năm trước, sự kiện hàng loạt DN sản xuất nước tương thành phố này phải đóng cửa, ngưng sản xuất đã ghi trong “lịch sử doanh thương Sài Gòn” qua vụ 3 MCPD. Họ chết hết rồi. Còn bây giờ, gần 3.000 doanh nghiệp làm nước mắm, hơn 10 làng nghề đang tiếp tục lụi tàn dần với những tiêu chuẩn liên quan đến chất arsenic, histamine và có lẽ sẽ còn nhiều chất cấm, quy trình và tiêu chuẩn sản xuất khác trong tương lai gần.
Có thể nói, việc ban hành những tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, rào cản kỹ thuật sản xuất sản phẩm... của các cơ quan chức năng trong thời gian qua không những không giúp được DN trong nước chống lại cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh của doanh nghiệp nước ngoài mà còn gây khó cho doanh nghiệp nội ngay tại thị trường nội địa lẫn thị trường nước ngoài. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới và mở toang cửa thị trường nội địa. Một câu hỏi cũng được nhiều doanh nghiệp đặt ra, đó là các cơ quan chức năng đặt ra các rào cản để bảo vệ ai? Hay chính ta đang làm khó… ta?