Ngay khi có kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi, ngành thú y và chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy đàn heo theo quy định, với tổng trọng lượng tiêu hủy trên 2.350kg.
Nguyên nhân ban đầu được cho là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng chưa tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, con giống được mua từ nhiều nguồn khác nhau, chủ hộ có sử dụng thức ăn viên và thức ăn thừa, chưa qua xử lý để cho heo ăn.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc họp khẩn tìm biện pháp phòng chống dịch. Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, một trong những giải pháp cấp bách hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền để cảnh báo tình hình dịch bệnh cho hộ kinh doanh, hộ chăn nuôi nhằm nâng cao ý thức phòng chống và tạm ngưng việc phát triển đàn heo. Bên cạnh đó, kêu gọi các hộ chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống dịch bệnh trên heo, bảo vệ tốt đàn heo tại hộ. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành lập thêm 4 chốt kiểm soát trên các tuyến đường vào tỉnh nhằm tăng cường giám sát nguồn gốc heo nhập vào tỉnh. Đồng thời, thống kê toàn bộ các đàn gia súc từ trang trại cho tới các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, để có biện pháp phòng chống tốt hơn.
Tại Cà Mau, trước tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi đang gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước; UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định thành lập thêm chốt kiểm dịch động vật tạm thời đặt trên tuyến đường bộ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu (thuộc xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình). Thời gian hoạt động của chốt kiểm dịch động vật từ nay cho đến khi hết dịch bệnh và hoạt động 24/24 giờ các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.
Nhiệm vụ của chốt kiểm dịch động vật tạm thời là kiểm tra các thủ tục kiểm dịch và kiểm tra lâm sàng đối với động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra, vào địa bàn tỉnh Cà Mau. Trường hợp phát hiện heo nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi hoặc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm theo quy định.
Bên canh đó, để công tác tuyên truyền được tốt hơn, đến với người dân, Sở TT-TT tỉnh Cà Mau đã làm việc với các nhà mạng và nhận được sự đồng ý thực hiện tin nhắn đến tất cả số thuê bao di động trên địa bàn tỉnh Cà Mau, về phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Trước đó, ngày 25-5, ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, các ngành chức năng của thị xã và chính quyền phường Điện Ngọc vừa tiêu hủy khẩn cấp 51 con heo thịt của hộ dân Phan Anh Tuấn ở khối phố Viêm Minh vì bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi.
Tại 2 huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, đến thời điểm này đã có ít nhất 115 con heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Chi cục Chăn nuôi - thú y Quảng Nam cũng vừa tiếp tục chi viện thêm cho huyện Duy Xuyên 1.000 lít hóa chất từ nguồn dự trữ của tỉnh để duy trì thường xuyên việc sát trùng, tiêu độc môi trường nhằm hạn chế nguy cơ virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi phát tán.