Câu chuyện doanh nghiệp (DN) Cỏ May (Đồng Tháp) phải lập công ty con ở Singapore để mua lại hàng nông sản (gạo) của chính mình tại Việt Nam sau khi phải nhờ xuất khẩu ủy thác qua một công ty lương thực ở Cần Thơ, trở thành câu chuyện điển hình về những bất cập của Nghị định (NĐ) 109 ban hành năm 2010, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu như hiện nay.
Giảm sức cạnh tranh vì đường vòng
Theo lãnh đạo DN Cỏ May, đơn vị buộc phải đi đường vòng, chấp nhận trả thêm chi phí vận hành công ty tại Singapore, phí ủy thác xuất khẩu (khoảng 40 đồng/kg gạo) để đảm bảo gạo có chất lượng và thương hiệu đến tay người tiêu dùng nước ngoài. Đây cũng là cách để hạn chế nguy cơ bị lộ thông tin kinh doanh trong hợp đồng và điều quan ngại nhất là nguy cơ bị mất khách hàng, mất cả thị trường mà DN tốn bao công sức khai phá. Thực tế, từ khi NĐ 109 có hiệu lực vào năm 2010, không ít DN nhờ xuất khẩu ủy thác đã bị mất khách hàng vì nhiều lý do, phải co cụm, thậm chí phải bỏ luôn khách hàng và thị trường nước ngoài. Chẳng hạn như Công ty Lương thực Tấn Tài 3, do không thể đầu tư số tiền lớn xây kho chứa, phải chuyển hướng tập trung thị trường trong nước.
Gạo Cỏ May tại siêu thị Singapore (Nguồn: Theo BSA)
Xuất khẩu ủy thác là hình thức khá phổ biến trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với mặt hàng gạo - là ngành kinh doanh có điều kiện, hình thức này lại khá giống tình trạng mua bán quota xuất khẩu như đã từng xảy ra trước đây. Không ít trường hợp khi khách hàng biết DN không có giấy phép xuất khẩu, lo ngại rủi ro nên không tiếp tục mua nữa. Đây là điều quan ngại của DN. Khi đó, nhiều khả năng khách hàng của mình bỗng trở thành khách hàng của DN nhận ủy thác. NĐ 109 đang “trói tay” nhiều DN chưa có điều kiện được cấp giấy phép xuất khẩu, dù làm ăn đàng hoàng, đầu tư sản xuất gạo sạch và có thương hiệu. DN không chỉ chạy đôn đáo tìm khách hàng mua gạo, mà còn phải tìm DN đứng tên xuất khẩu giùm. Việc phải phụ thuộc vào bên thứ ba làm mất thêm thời gian, đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh giảm xuống. Từ câu chuyện tìm đường xuất khẩu của gạo DN Cỏ May, tại hội thảo về xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh do Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương tổ chức vừa qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đây là một trong những lý do làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Chính sách cần phù hợp
NĐ 109 ra đời trong bối cảnh có trên 260 DN xuất khẩu gạo (ở Thái Lan cùng thời điểm chỉ hơn 10 đầu mối), trong đó, đa phần là DN thương mại (khi thấy mặt hàng gạo, nhất là giai đoạn 2008-2009, giá tăng rất cao khi thế giới gặp khủng hoảng về lương thực, lợi nhuận từ mặt hàng này quá hấp dẫn nên có nhiều DN cùng nhảy vào kiếm phần). Vì từ lĩnh vực khác nên phần lớn DN này chủ yếu tìm cơ hội “lướt sóng” hơn là có ý định làm ăn lâu dài với mặt hàng gạo, những DN này sẵn sàng phá giá để cạnh tranh, gây khó khăn cho các DN làm ăn bài bản. Năm 2010, NĐ 109 có hiệu lực nhằm hạn chế bất cập này. Theo đó, để được cấp phép xuất khẩu gạo, DN phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. Với điều kiện khá cao này sẽ không có nhiều DN đáp ứng, hy vọng của Nhà nước lúc đó là sẽ giảm đầu mối xuống dưới 100. Ngay trước khi NĐ 109 được ban hành, qua nhiều lần họp lấy ý kiến, đã có không ít DN cảnh báo sự nóng vội hay quá cứng nhắt trong quy định sẽ làm triệt tiêu những DN vừa và nhỏ, không đủ điều kiện đáp ứng nhưng có sẵn thị trường và khách hàng ổn định với mặt hàng gạo thơm cao cấp, giá trị cao.
Một lo ngại khác mà trước đó không ít ý kiến đã cảnh báo, quy định của NĐ 109 sẽ dẫn đến việc các DN đua nhau đầu tư nhà kho, thiết bị xay xát vượt quá nhu cầu. Thực tế có nhiều DN đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đầu tư nhà máy, kho bãi, kể cả DN trước nay chỉ cung ứng. Tình trạng DN đua nhau xây nhà máy, kho chứa để đủ điều kiện cấp phép xuất khẩu diễn ra trong những năm qua, dù theo quy hoạch chỉ cần 4 triệu tấn/kho, nhưng thực tế đã có hơn 5 triệu tấn, gây lãng phí nguồn lực. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến cuối tháng 3-2016, có 141 DN được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Con số này vượt ra ngoài dự kiến ban đầu. Giờ đây, bối cảnh nhiều đổi thay so với thời điểm trước năm 2010, nhất là Nhà nước nóng lòng với việc DN xây dựng thương hiệu gạo để có giá trị cao, do đó, cần phải có những sửa đổi hay bổ sung cho phù hợp thực tế, nhất là những DN vừa và nhỏ làm ăn bài bản, có vùng nguyên liệu hay có khách hàng, bán thẳng sản phẩm vào hệ thống siêu thị...
Với những bất cập trên cho thấy, đã đến lúc cấp bách rà soát lại những quy định không phù hợp, “trói tay” các DN xuất khẩu gạo giá trị cao. Chuyên gia nông nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng cần có chính sách phù hợp cho những công ty vừa và nhỏ xuất khẩu những loại gạo thơm, gạo đặc sản nếu đáp ứng được điều kiện về vùng nguyên liệu, có thương hiệu, có thị trường…
| |
ĐĂNG LÃM