Giữ nếp Vân Kiều
Mặc dù bản Cây Cà giữa đại ngàn núi thẳm bên Tây Trường Sơn, xa trung tâm huyện lỵ Quảng Ninh nhưng ông Lê Hồng Na vẫn có đơn hàng đặt đan lát từ dự án sông Mê Công. Vừa đan ông vừa kể: “Chắc nhà báo ngạc nhiên mình người Vân Kiều mà có họ Lê. Thật ra, ông tổ của mình trước đây từ Quảng Trị, theo xa giá vua Hàm Nghi phất cờ Cần Vương rồi ở lại đây lập nghiệp, ở giữa bà con Vân Kiều nên bây giờ mình là người Vân Kiều. Còn về tuổi, mình đã 62 mùa lúa rẫy. 22 năm trước, mình thấy nghề tà anh dần mai một, từ chỗ bản nào cũng có nhiều nóc nhà đàn ông ngồi đan, đàn bà đi lấy mây, buôn bán trong bản, rồi qua xã khác, qua Lào cũng giữ được nghề. Lúc đó, mình học bằng cách ngồi xem các ông cụ trong bản đan…”.
Tự mày mò học hỏi với mục đích giữ nghề, ông Na biết đan pa điền xang (mâm mây đựng cơm), a Chói (gùi), a dăng (gùi đeo nhỏ), ưk khău (đồ dùng bỏ cơm nếp), a đư (dụng cụ để đựng dao đi rừng), tà ving (mẹt sàng sảy), a điền (típ đựng cơm đi rừng)… Với ông Na, nghề tà anh là truyền thống nếp xưa Vân Kiều chảy mãi bên trong con người, giữ lại tà anh là giữ lại mỹ tục, văn hóa, cội nguồn tổ tiên. Vậy nên 22 năm qua, chưa một ngày nào ông ngơi nghỉ đan lát. “Mỗi pa điền xang, a chói, a dăng, xàng… là một câu chuyện, hoàn thiện được mỗi thứ thì tay nghề của mình được nâng cao”, ông Na kể.
Nghề của già Na khó nhất là tạo hoa văn khi đan lát, nhất là hoa văn chữ V. “Hoa văn này không chỉ đẹp mà nó còn làm cho sản phẩm chắc chắn, dùng lâu hơn các sản phẩm không có hoa văn”, già Na giải thích. Nhìn vào hoa văn chữ V ở a điền thấy như sự luân chuyển của đất trời trong quan niệm người Vân Kiều. Các vật dụng có bóng dáng của tự nhiên nằm bên trong đường đan và lọn mây chuốt mượt. Hoa văn tạo sự luân chuyển không ngừng trong từng sản phẩm. Một vật dụng có thể chuyển nhiều hoa văn với nhau. Kỹ thuật vót mây, ngâm tẩm từng loại phải tốt mới cho ra sản phẩm đẹp, chặt chẽ, tiện dụng.
Nhà nghiên cứu bảo tồn văn hóa Trần Thị Diệu Hồng của Bảo tàng Quảng Bình, nói: “Một cụm hoa văn được trình bày, trang trí hợp lý, không chỉ có ý nghĩa thẩm mỹ - thực dụng mà còn mang dấu ấn tín ngưỡng nguyên sơ trong nghề tà anh. Đó là thờ vạn vật hiển linh theo dạng tín ngưỡng Tô tem giáo, thờ thần linh và mong muốn các vị thần giúp cho con người yên ổn làm ăn, sinh sống, cho vạn vật sinh sôi, nảy nở, mùa màng tươi tốt, sự sống con người cũng được bảo vệ. Có thể thấy điều này qua kết cấu của các a điền đựng thức ăn. Ở đáy xuất hiện 5 đường hoa văn chân rết kép, được nổi cao, chạy tới hết phần thân của a điền. Đó là tượng trưng cho hiện thân của thần Mặt Trời. Đáy tượng trưng cho nguồn sống thiêng liêng, 5 hoa văn của chân rết kép là ngọn lửa xua đuổi tà ma, thế lực âm và cũng là tượng trưng cho 5 vị thần cai quản, trông coi, bảo vệ cho sản phẩm được chế biến từ ngũ cốc không bị hư hỏng”.
Già Na cũng có cách lý giải tương tự, bởi giữa núi rừng, lấy một ngọn mây hay bất cứ thứ gì đều phải xin thần rừng, nhằm thể hiện sự tôn trọng. Ông xin mây về làm, trở thành nghệ nhân, nhưng nay nghề tà anh đang khuất dần trên đỉnh núi bởi truyền nhân ngày mỗi bặt tăm.
Không tìm được truyền nhân
Bản Cây Cà ai cũng quý già Na làm tà anh giỏi. Không chỉ dân bản Cây Cà mà dân của 18 bản làng xã Trường Sơn cũng phục tài nghệ đan lát của già. 10 năm trước, một tổ chức phi chính phủ tài trợ cuộc thi tà anh của người Vân Kiều. Bên thác Tam Lu, già Na đã đoạt giải nhất vì đan được tất thảy những vật dụng của người Vân Kiều thường dùng trong sinh hoạt thường ngày. Hàng chục nghệ nhân Vân Kiều về dự, có người chỉ đan được một vài vật dụng, có người chỉ đan được a chói, a dăng, có người chỉ làm được tà ving. Riêng già Na, đan được mọi thứ cho bản làng nên được nể trọng, được xem là nghệ nhân cuối cùng thuần thục tất cả các ngón nghề đan lát theo nếp Vân Kiều.
Từ đó, già đã được Dự án sông Mê Công về bảo tồn, phát triển văn hóa, bản sắc đồng bào dân tộc ít người đặt hàng các sản phẩm. Hàng của già được xuất đi châu Âu với thương hiệu handmade (thủ công). “Mình có giải nhất là 1,1 triệu đồng, về mua mây để tiếp tục nuôi nghề tà anh vì đam mê. Chứ nghề này không đủ sống. Dân bản đi làm thuê một ngày công gần 300.000 đồng, mình ngồi đan một ngày chỉ 85.000 đồng. Mỗi sản phẩm bán ra được dự án đặt 500.000 đồng/cái pa điền xang, mấy thứ khác nhỏ hơn, ít tiền hơn. Còn bán cho dân bản thì giá rẻ hơn. Vì rất kỳ công, nên mỗi cái phải mất mấy ngày mới làm xong. Cứ 6 tháng mình đi bán một lần ở Quảng Trị, hoặc vùng Vân Kiều ở miền Tây huyện Lệ Thủy, có khi sang cả Lào. Mỗi chuyến được không quá 5 triệu đồng, chia cho 6 tháng thì rất ít”, già Na trầm lắng.
Do thu nhập quá thấp từ nghề đan lát, già Na tìm truyền nhân trong bản Cây Cà, hay bất cứ bản nào có người có năng khiếu tà anh đều khó: “Mình tìm mấy người, bày họ học, nhưng có 1 người học 1 tuần rồi bỏ, 1 người từ chối ngay ban đầu. Một số thanh niên khác thì nói, bữa nay mấy ai dùng cái tà anh thủ công thô sơ nữa. Vậy nên giờ không ai theo mình giữ gìn nếp truyền thống tà anh bản làng”, cụ Na buồn rầu nói.
Cuộc sống hiện đại len về bản làng, nồi cơm điện ủ cơm cả ngày, cái mâm nhôm tiện dụng đã chiếm lĩnh chỗ của pa điền xang nên những thứ gia Na làm ra chỉ người già Vân Kiều dùng. Thành ra, tà anh cứ thế mai một. “Mình có 4 người con gái, cũng muốn truyền dạy cho chúng khi trai bản không ai muốn học tà anh, nhưng rồi con gái mình cũng nói đi làm thuê hơn việc này. Kiếm người theo mình thật khó khăn”, già Na tâm sự.