Trong khi đó, Mỹ, Anh và Pháp đang lập liên minh chống Syria. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Quốc hội Anh đang gây sức ép để Thủ tướng Theresa May cùng Mỹ không kích Syria.
Nga cảnh báo sẽ bắn hạ tên lửa nhằm vào Syria
Theo Sputnik, ông Serebrennikov cho biết căn cứ không quân Hymymim và căn cứ hải quân Tartus của Nga tại Syria cũng như các quân nhân người Nga được triển khai tại Syria đang được bảo vệ vững chắc vì Mỹ dự kiến sẽ tiến hành các cuộc không kích ở Syria để phản ứng lại vụ tấn công vũ khí hóa học ở thành phố Douma.
Theo Reuters, Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin ngày 11-4 cho rằng bất cứ tên lửa nào của Mỹ nhằm vào Syria đều sẽ bị bắn hạ. Khi đề cập tới tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại sứ Zasypkin khẳng định trên truyền hình al-Mannar của phong trào vũ trang Hezbollah rằng: “Nếu có một cuộc tấn công của Mỹ, thì những tên lửa này sẽ bị bắn hạ và thậm chí cả những nơi phóng những tên lửa này cũng là mục tiêu tấn công”.
Trong khi đó, rạng sáng 11-4 (giờ Việt Nam), cuộc bỏ phiếu lần thứ ba trong ngày, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu chống lại dự thảo nghị quyết của Nga nhằm hỗ trợ cho sứ mệnh của các chuyên gia thuộc Tổ chức chống phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) đến tìm hiểu thực tế tại Douma, Syria.
Trước đó cùng ngày, 2 nghị quyết (1 do Mỹ soạn, 1 do Nga soạn) nhằm thiết lập cơ chế HĐBA LHQ điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria cũng đã không được thông qua. Mặc dù vậy, OPCW đang trên đường đến khu vực có liên quan của Syria theo sự hỗ trợ của Anh và Nga. Phái đoàn Nga đã đề nghị các lực lượng Syria và Nga hộ tống các điều tra viên đến khu vực này.
Theo báo The Guardian, Thủ tướng Anh Theresa May cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng đưa ra cảnh báo họ sẽ đáp lại cuộc tấn công hóa học tại Syria nhằm duy trì lệnh cấm toàn cầu đối với việc sử dụng vũ khí hóa học.
Trong các cuộc điện đàm, 3 đồng minh này đồng ý rằng cộng đồng quốc tế nên phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo rằng Chính phủ Syria và những bên ủng hộ họ phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công này.
Thủ tướng Anh còn đang phải đối mặt với áp lực từ các nghị sĩ của đảng Bảo thủ tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu không kích Syria chống lại chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad, sau vụ tấn công hóa học ở Douma làm hàng chục người thiệt mạng. Trước đó, bà đã chủ trì cuộc họp các quan chức tình báo cao cấp và các bộ trưởng thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận khả năng Anh tham chiến.
Các nguồn tin của Chính phủ Anh đã bày tỏ mối quan ngại rằng nếu Anh tham gia bất kỳ hành động nào nhằm trừng phạt Tổng thống Assad sẽ phải được Quốc hội thông qua. Hồi năm 2013, Thủ tướng David Cameron đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thua trong cuộc bỏ phiếu lịch sử về việc tham gia không kích Libya.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Tweeter rằng: “Nga tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào bắn vào Syria. Hãy sẵn sàng. Tên lửa sắp đến Syria, đẹp, mới và thông minh”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố trong một bài đăng trên Facebook rằng “Tên lửa thông minh nên bắn về phía những kẻ khủng bố chứ không phải là chính phủ hợp pháp (ý nói đến Chính phủ Syria)”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào của Mỹ có thể là một nỗ lực nhằm huỷ bỏ bằng chứng về vụ tấn công vũ khí hoá học tại thị trấn Douma của Syria, mà Damascus và Moscow đã bác bỏ bất kỳ trách nhiệm nào.