Nga đang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria nhằm thiết lập vùng giảm căng thẳng tại đây một cách hiệu quả nhất có thể. Song, Mátxcơva và Washington không có kế hoạch hợp tác tại Idlib.
Ưu tiên giải pháp chính trị
Ngoại trưởng Lavrov lý giải nguyên nhân hiện Nga chưa có kế hoạch nào với Mỹ về khu vực đặc biệt này của Syria là lo ngại có thể gây ra tác dụng ngược.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định, IS đã bị “nghiền nát” trên cả hai bờ sông Euphrates của Syria. Nỗ lực chấm dứt chiến sự tại quốc gia đầy bất ổn này đang bước vào giai đoạn mới khi trọng tâm chuyển từ can thiệp quân sự sang tiến trình chính trị. Trong giai đoạn cuối cùng giải phóng Syria khỏi IS, Nga đã sử dụng lực lượng không quân ở quy mô chưa từng có, với việc huy động các máy bay chiến đấu mỗi ngày thực hiện không dưới 100 chuyến cất cánh, và chỉ trong 5 ngày gần đây đã tiêu diệt hơn 550 tay súng.
Sau khi quét sạch IS ở Syria, quân đội Nga sẽ tập trung vào nhiệm vụ khôi phục đời sống hòa bình và đảm bảo các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn. Hoạt động quân sự sẽ được cắt giảm, thay vào đó là tập trung vào hoạt động viện trợ cho người dân Syria. Theo Tổng thống Putin, mặc dù có thể vẫn còn những căn cứ quân sự của IS bị cô lập, nhưng nhìn chung, cuộc chiến đấu vũ trang chống IS trong giai đoạn này ở Syria đang đi đến hồi kết và cho rằng tiến trình hòa bình bằng các giải pháp chính trị sẽ được ưu tiên hơn cả.
Cùng ngày, Hãng thông tấn Sana của Syria dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, phái đoàn đàm phán Chính phủ Syria sẽ trở lại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10-12 để tham gia vào tiến trình đàm phán với phe đối lập do Liên hiệp quốc bảo trợ. Việc trở lại vòng đàm phán lần này của phái đoàn Chính phủ Syria được xem là cơ hội cho các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Hy vọng hồi sinh
Theo Tân Hoa xã, cuộc sống đang dần hồi sinh tại TP Aleppo - nơi từng được xem là TP chết ở Syria do nội chiến. Trong nỗ lực xây dựng lại TP, các hàng quán đang dần mở cửa trở lại. Anh Ali Alattar, chủ một quán cà phê ở Aleppo, cho biết khi lực lượng Chính phủ Syria giải phóng Aleppo, nhiều người đã bắt đầu lại công việc của mình, tuy điều kiện vật chất thiếu thốn, nhưng ai cũng hy vọng là mọi thứ sẽ được cải thiện theo thời gian.
Do xung đột kéo dài, cộng thêm trang thiết bị hạ tầng cơ bản như điện, nước vẫn chưa được khôi phục đầy đủ nên TP Aleppo vẫn còn thưa thớt người. Nhiều người dân vẫn còn e ngại chưa dám trở về nhà. Chính quyền TP mới đây đã phải dựng lên một biển hiệu với lời hiệu triệu “Hãy tin vào Aleppo” để khuyến khích người dân tin vào tương lai.
Cùng với nhiều TP khác, Aleppo trở thành đống đổ nát và hoang tàn sau cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Với sự hỗ trợ từ Nga, trong 2 năm trở lại đây, chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad đã giành lại hầu hết các TP chính, trong đó có Aleppo. Những thắng lợi quan trọng trên thực địa sẽ góp phần mang lại hòa bình thực sự cho không chỉ người dân TP Aleppo mà còn cho cả người dân trên khắp đất nước Syria.