Trình độ và thái độ
Một vòng mạng xã hội không khó để bắt gặp những dòng ngắn dài than vãn hay trách móc về công ty, doanh nghiệp của một bạn trẻ nào đó. Nghỉ việc và “tế” công ty cũ, đăng đàn nói xấu đồng nghiệp trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Điều này, khiến nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm về thái độ đi làm của một số người trẻ.
Rời khỏi công ty sau 1 tháng thử việc và 2 tháng làm nhân viên chính thức, dòng chia sẻ “Xin kiếu! Công ty mà tưởng cung đấu” trên trang cá nhân của Mộng Trang (25 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận 7) khiến nhiều bạn bè của cô ngao ngán, khuyên bằng những dòng bình luận: “Thôi xóa đi, bỏ đi”, “Nghỉ rồi thì thôi, hằn học nhau chi”, “Xóa stt đi, không nên viết vậy”… Tuy nhiên, cô nàng vẫn giữ nguyên ý kiến. Trang cho biết: “Có nhiều lý do để nghỉ việc, nhưng nếu lý do vì bức xúc, mâu thuẫn thì việc mình viết lên trang cá nhân một chút đâu có gì là quá đáng. Điều đó cũng giải tỏa được một chút tâm lý khó chịu khi phải nghỉ việc”.
Nghỉ việc gần một năm và quay lại công ty cũ làm việc, Hồng Hạnh (28 tuổi, nhân viên thiết kế nội thất, ngụ quận Tân Phú) kể lại câu chuyện của bản thân: “Sau khi nghỉ, tôi vẫn giữ liên lạc, thường nói chuyện với đồng nghiệp cũ ở phòng thiết kế trên mạng xã hội. Khi công ty thay đổi quản lý cho dự án mới, tuyển dụng thêm nhân sự, tôi ứng tuyển lại và được ưu ái khá nhiều vì đã từng là nhân viên của họ, có kinh nghiệm. Bắt đầu lại nhưng tôi làm việc nhóm rất thuận lợi, vì mối quan hệ với đồng nghiệp cũ vẫn tốt, hiểu nhau nên làm việc cùng nhau rất hiệu quả. Tôi nghĩ thái độ khi đi làm rất quan trọng, nó giúp chúng ta có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ công việc tốt hơn”.
Sau hai lần chuyển chỗ làm, bạn trẻ Hoàng Trang (26 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ quận 12) chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi từng nghỉ việc vì mâu thuẫn với đồng nghiệp. Sau lần đó, bắt đầu rút ra kinh nghiệm cho bản thân, thái độ cũng quan trọng như trình độ, vì ở công ty mình phải làm việc trong môi trường tập thể, chuyện học cách ứng xử với nhau rất cần thiết. Và nếu mâu thuẫn, nên giải quyết trực tiếp cùng nhau, hoặc tệ hơn là phải nghỉ việc thì nên chọn cách ra đi trong lịch sự. Tránh đem chuyện công việc hay xích mích với đồng nghiệp lên mạng xã hội, vì ở đó có nhiều người tham gia, lời qua tiếng lại rất có thể thành chuyện bé xé ra to”.
Cân bằng tâm lý trong mọi hoàn cảnh
Đối mặt với giai đoạn bước vào đời và lập nghiệp, không ít bạn trẻ gặp nhiều khó khăn như công việc không như ý; tiền lương bấp bênh; kỳ vọng của gia đình, bạn bè hay chuyện tình cảm… Những áp lực vô hình nhưng hậu quả lại hữu hình, khiến một số bạn bất chấp sức khỏe cày ngày cày đêm, hay những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động nông nổi.
Tập luyện để giữ tâm thái bình tĩnh, tích cực để cân bằng tâm lý, các môn tập luyện tĩnh như: yoga, thiền, thiền trị liệu tâm lý… dần thu hút các bạn trẻ. Sau thất bại của công việc, số tiền dành dụm 300 triệu đồng mất trắng, khiến Thành An (28 tuổi, nhân viên tổ chức sự kiện, ngụ quận 7) gần như không dám đối mặt với gia đình. An chọn cách ra ở trọ, tìm việc văn phòng và kiếm thêm tiền từ việc chạy xe ôm công nghệ vào buổi tối.
“Lúc đó lao vào công việc, đi làm kiếm tiền nhưng đầu óc vẫn căng thẳng và áp lực, một phần tiền thua lỗ là của ba mẹ cho mượn nên lúc nào cũng muốn tìm cách để gây dựng lại công việc như cũ”, An nói.
Bắt đầu tìm đến lớp thiền để giảm căng thẳng, giải tỏa áp lực tâm lý, An kể: “Thấy tôi cứ căng thẳng rồi đâm ra nghĩ quẫn nên một người bạn giới thiệu đến lớp này, tôi tham gia thử. Vài ngày đầu cảm thấy giảm được một chút nhức đầu, rồi tập luyện và làm việc mỗi ngày, từ từ tôi lấy lại cân bằng, nói chuyện với ba mẹ và dọn về nhà ở. Bây giờ, công việc tốt hơn, đầu óc tôi không còn suy nghĩ lung tung như trước”.
Thất bại trong công việc lẫn tình cảm, Thanh Hùng (25 tuổi, nhân viên kỹ thuật, ngụ huyện Nhà Bè) cũng tìm đến với lớp thiền trị liệu tâm lý: “Ban đầu, tôi chỉ tham gia thử chứ không chắc cải thiện được gì, nhưng hơn một tháng, rồi một năm theo lớp, tôi bắt đầu thấy suy nghĩ của mình thay đổi tích cực lên. Bây giờ, gặp khó khăn hay thất bại cũng không còn nghĩ tiêu cực, bi quan nữa mà bình tĩnh xử lý từng vấn đề một”, Hùng cho biết.
Có thể thấy, cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề hay thái độ của chúng ta đối với mọi chuyện trong cuộc sống rất quan trọng. Bởi khó khăn hay áp lực là chuyện không thể tránh khỏi trong cuộc đời, nhất là ở giai đoạn lập nghiệp, trưởng thành càng khó gấp bội. Tập cho mình một lối sống và suy nghĩ tích cực, bên cạnh kỹ năng chuyên môn vững vàng sẽ giúp bạn giải quyết những khó khăn một cách hiệu quả hơn.