![Sưu tầm và xuất bản sử thi Tây Nguyên: Còn đó nỗi trăn trở](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/nkdkswkqoc/original/2008/6/images250254_6c.jpg.webp)
Lần đầu tiên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận, dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” được tiến hành một cách quy mô, đồng bộ và bài bản. Tuy nhiên, việc phiên âm, biên dịch và bảo tồn kho tàng văn hóa dân gian quý báu này không phải chỉ là công việc của một số nhà sưu tầm và nghiên cứu của một thế hệ trong một thời gian ngắn.
Bộ sử thi đồ sộ
Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận thực hiện từ tháng 10-2001 đến hết năm 2007 đã sưu tầm được 801 tác phẩm với tổng số 5.679 băng ghi âm; điều tra và lập danh sách 388 nghệ nhân hát kể sử thi và văn nghệ dân gian.
Cho đến nay, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã tiến hành dịch nghĩa được 115 tác phẩm thuộc 7 dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên; công bố 75 tác phẩm sử thi của 6 dân tộc, trong đó gồm 30 tác phẩm của dân tộc Bana, 26 tác phẩm của dân tộc M’nông, 10 tác phẩm của dân tộc Ê Đê, 4 tác phẩm của dân tộc Xê Đăng, 3 tác phẩm của dân tộc Gia Rai và 2 tác phẩm của dân tộc Chăm. Bình quân mỗi tác phẩm có độ dày 1.000 trang khổ lớn và được in song ngữ.
![Sưu tầm và xuất bản sử thi Tây Nguyên: Còn đó nỗi trăn trở ảnh 1 Sưu tầm và xuất bản sử thi Tây Nguyên: Còn đó nỗi trăn trở ảnh 1](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/nkdkswkqoc/original/2008/6/images250254_6c.jpg.webp)
Một phần sử thi Tây Nguyên đã được chuyển thành sách. Ảnh: T.V.
Các nhà điều tra chuyên môn đã tiến hành khảo sát thực địa ở hàng nghìn, buôn, làng thuộc 530 xã, phường, thị trấn của 56 huyện, thành phố khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận như Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam… Qua đó, các nhà nghiên cứu đã gặp được gần 400 nghệ nhân còn nhớ, biết hát và kể sử thi của các dân tộc tại chỗ.
Quý giá nhất là có ít nhất 3 bộ sử thi liên hoàn (sử thi chuỗi, sử thi phổ hệ) đồ sộ được phát hiện. Đó là các sử thi như Ốt Drông của người M’nông, Dông của người Ba Na và Dăm Diông của người Xê Đăng.
Đặc biệt mỗi bộ sử thi liên hoàn này có khoảng 100 tác phẩm có sự liên kết khá hoàn chỉnh và theo đánh giá của các chuyên gia là những sử thi có độ dài lớn nhất thế giới. Trước khi có dự án, tỉnh Kon Tum được xem như vùng không có sử thi, nhưng qua điều tra, sưu tầm vừa qua đã thu được 2 bộ sử thi liên hoàn của người Ba Na và Xê Đăng.
Đường dài còn ở phía trước
Theo báo cáo của GS-TS Nguyễn Xuân Kính - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa-Giám đốc điều hành dự án: “Hiện mới có 62 tập sách với 60.000 trang in chứa 75 tác phẩm sử thi của 6 dân tộc: Ba Na, Xê Đăng, M’nông, Ê Đê, Chăm và Ra Glâi được phiên âm, biên dịch, xuất bản bằng song ngữ. Và chừng đó chỉ như “muối bỏ bể” so với khối lượng đã sưu tầm 801 tác phẩm”.
Còn GS-TS Ngô Đức Thịnh- cho biết: “Tình trạng thưa thớt và tuổi tác của các nghệ nhân, khiến công tác phiên âm, biên dịch trở thành khâu khó khăn nhất hiện nay”. Công tác phiên âm và biên dịch chủ yếu dựa vào các nghệ nhân và trí thức người dân tộc thiểu số, trong khi đó một thực tế lực lượng này quá mỏng.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Văn hóa thì số lượng nghệ nhân, trí thức có khả năng phiên âm dịch nghĩa trong quá trình thực hiện dự án chỉ có 35 người, gồm: dân tộc Ê Đê có 13 người, Ra Glâi có 13 người, Ba Na 6 người, các dân tộc: Chăm, M’nông, Xê Đăng mỗi dân tộc có 1 người. Riêng dân tộc Gia Rai hiện chưa tìm được người nào có khả năng biên dịch sử thi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tỉnh Kon Tum chỉ có 2 người có khả năng phiên âm và biên dịch sử thi là A Ja (cả Xê Đăng và Ba Na) và A Thút (Xê Đăng), trong khi số lượng sưu tầm sử thi lên đến hàng trăm tác phẩm. Về chất lượng, mặc dù được đánh giá là người khá giỏi như ông A Ja thì mới dịch chính xác được khoảng 70% nội dung của tác phẩm.
Với sử thi M’nông, trong khi sưu tầm được hàng trăm tác phẩm nhưng lâu nay chỉ trông chờ vào mỗi nghệ nhân Điểu Kâu ở xã Đắc Rung (H.Đắc Song, Đắc Nông), trong khi đó nghệ nhân này lại đang bị ung thư phổi nặng nằm điều trị ở TP Hồ Chí Minh, có nhiều tác phẩm mà nghệ nhân Điểu Kâu đang thực hiện đành phải gác lại.
Từ khi triển khai dự án đến nay, gần 10 nghệ nhân biết hát kể, phiên âm và biên dịch do tuổi cao sức yếu đã từ giã cõi đời. Qua đó cho thấy, nếu không làm khẩn trương, chẳng bao lâu nữa, những pho sử thi sống về với tổ tiên ông bà, đó là tổn thất rất lớn không thể bù đắp được. Điểu Klung ở buôn Tul A ở xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc là người thuộc nhiều và có khả năng diễn xướng được sử thi khi ông có thể hát kể được hơn 100 sử thi.
Hơn 10 năm qua, Điểu Klung đã hát kể, ghi băng cung cấp cho các nhà nghiên cứu hơn 90 sử thi. Trong số sử thi nghệ nhân Điểu Klung sưu tầm có những tác phẩm đặc sắc về mặt nội dung và nghệ thuật đã và đang được biên dịch, biên soạn, xuất bản như: “Cướp chiêng cổ bon Tiăng” dài 12.983 câu văn vần, “Cướp ché quý bon Tiăng”, “Cướp vợ của Tiăng”… Giờ thì Điểu Klung đã bước vào tuổi cao, sức yếu, trí nhớ đã mai một.
Liệu các tác phẩm sử thi đã được phiên âm, biên dịch và in thành sách có sống lại được, trở về được với buôn làng hay không? Các lớp truyền dạy sử thi hiện đang tồn tại khá èo uột, bởi việc học hát kể sử thi không đơn giản chỉ là việc học thuộc lòng. Thanh niên dân tộc thiểu số bây giờ ít người thích nghe Khan, Hmon mà chỉ thích nhạc trẻ… Thậm chí có nhiều thanh niên dân tộc còn không biết tiếng mẹ đẻ.
Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” đã khẳng định sự phong phú, giá trị to lớn của kho tàng sử thi Tây Nguyên. Nhưng để sử thi Tây Nguyên mãi mãi trường tồn thì cần phải thực hiện các dự án về biên dịch, xuất bản và nghiên cứu sử thi Tây Nguyên; đưa sử thi vào cuộc sống, cũng như mở các lớp truyền dạy sử thi vào trong các trường dân tộc nội trú, cao đẳng và đại học ở Tây Nguyên...
Gia Bảo