“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sụt lún đất là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL. Số liệu từ Bộ TN-MT, ĐBSCL đang sụt lún 1cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7cm/năm tại một số địa điểm. Sụt lún gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL chỉ ra trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo chia sẻ thông tin về dự án Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL, tổ chức trực tuyến sáng 26-11.
Dự án do Chính phủ Hà Lan (thông qua đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam) và Bộ TN-MT hợp tác thực hiện.
Dự án đã chọn 4 tỉnh thành trọng điểm là Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang để thực hiện. Trong năm 2020-2021, dự án đã tiến hành những chuyến thực địa, tổ chức các hội thảo cấp tỉnh tại 4 tỉnh thành nêu trên.
Mục tiêu của dự án nhằm tư vấn quản trị về quản lý nước ngầm và sụt lún đất tại các tỉnh. Mỗi tỉnh thành ở ĐBSCL đều phải đối mặt với những vấn đề riêng biệt liên quan đến sụt lún đất và nước ngầm.
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ các kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án. Trong đó bao gồm thông tin hiện trạng nước ngầm và sụt lún đất của vùng đồng bằng, các khuyến nghị chiến lược và cơ chế điều phối vùng cho khu vực trong việc quản trị nước ngầm và sụt lún đất.
Các nhà khoa học đã chỉ ra: Hậu quả của sụt lún có thể gây ra nhiều thách thức khác nhau. Thứ nhất, sụt lún có thể dẫn đến hư hỏng cơ sở hạ tầng và các tòa nhà, đặc biệt khi tốc độ lún chênh lệch cục bộ lớn.
Thứ hai, ở quy mô khu vực, sụt lún nhìn chung làm hạ thấp cao trình bề mặt, dẫn đến tốc độ nước biển dâng tương đối cao hơn. Sụt lún sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng đối với việc quản lý nước cho nông nghiệp.
ĐBSCL đang mất dần độ cao trong những thập kỷ qua. Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, với lượng phù sa hạn chế do việc xây dựng đập ở thượng nguồn, không bù lại được với tốc độ sụt lún, mức độ và tần suất lũ (mang theo trầm tích); tình trạng khai thác cát dọc theo các con sông gia tăng…
Các nguyên nhân này dẫn đến tốc độ sụt lún lên đến 5,7cm/năm, cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối 3-5mm/năm… càng làm khu vực đồng bằng bằng dễ bị tổn thương. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.
“Nếu sụt lún không được kiểm soát có thể khiến các đồng bằng chìm xuống dưới mực nước biển, làm tăng theo cấp số nhân những thách thức và chi phí bảo vệ đất đai khỏi tình trạng ngập lụt thường xuyên”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định.