Thế nhưng, sau hơn nửa thế kỷ, lùi xa sự kiện để trải nghiệm và suy tư, nhà văn Hữu Ước đã đưa đến cho người đọc những góc nhìn khác về chiến tranh và người lính. Hữu Ước không né tránh mất mát hy sinh, nhưng cái nhìn về chiến tranh của ông không còn đơn giản rạch ròi trắng - đen, ta - địch.
Ngòi bút của ông không dừng lại ở các sự kiện khách quan mà luôn đi sâu vào cõi thầm kín của con người. Số phận con người mới được xem là chính yếu để khám phá, còn các sự kiện lịch sử chỉ được soi chiếu thông qua đó. Vì thế, mọi nhân vật (dù ta hay địch) đều được miêu tả đa diện, nhân văn và người hơn.
“Chiến tranh đã đi qua… nhưng những lời thì thầm của tình yêu, những nụ hôn, những ân ái dưới trăng, những giấc mơ bình yên trong những cánh rừng ngập bóng tối của thần chết chiến tranh sẽ không bao giờ mất. Tất cả vang lên như những bản tình ca buồn và đẹp đẽ. Đấy là những gì tôi nghe thấy rõ nhất khi rời những trang sách của nhà văn Hữu Ước”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định.
Suối Cọp chính thức ra mắt những ngày cuối của tháng 10-2023, nhưng trước đó, tác giả đã gửi sách đến các bạn văn và được giới văn chương đánh giá cao ở sức lôi cuốn nhờ tính chân thực. Một hiện thực khắc nghiệt có sức ám ảnh.
Nhiều chi tiết mới mẻ mà trước nhà văn Hữu Ước, không thấy có trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Nếu không phải người trong cuộc thì không thể viết nổi.
Ông Erick B. Villard, nhà lịch sử quân sự thuộc Trung tâm Lịch sử quân sự Mỹ Fort McNail, chia sẻ: “Những hồi ức của ông Hữu Ước về trải nghiệm của mình với tư cách là một người lính trong cuốn Suối Cọp đã cho ta thấy khía cạnh nhân văn của chiến tranh thường bị khuất lấp trong nỗi kinh hoàng và ác liệt của bom đạn. Nhẹ nhàng và bi kịch, trữ tình và chính xác, câu chuyện về sự trưởng thành của người lính trẻ mà nhà văn Hữu Ước kể với chúng ta là một câu chuyện đáng được lắng nghe”.