Phóng điện xuống lòng biển
Sau một thời gian bám sát, theo dõi trên tuyến biển huyện Cần Giờ (TPHCM), tổ tuần tra thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng TP bắt quả tang một tàu đánh cá sử dụng thiết bị cấm trong hoạt động đánh bắt, do ông Huỳnh Phúc Vũ (ngụ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) điều khiển. Trên tàu cất giữ ống nhựa dài 40m, rỗng ruột; dây dẫn điện dài 40m có vỏ bọc cách điện; thanh kim loại dài 1m, nhọn một đầu, đầu kia gắn với dây dẫn điện, có khóa đóng - mở (hay gọi là súng kích điện); máy phát điện...
Trong quá trình đấu tranh, ông Vũ thừa nhận tàu cá của mình lợi dụng luồng điện từ máy phát điện trên tàu thông qua những công cụ trên để đánh bắt cá. Súng kích điện nhận luồng điện từ máy phát điện thông qua dây dẫn điện dài hàng chục mét. Ông Vũ ở trên điều khiển phương tiện, xử lý máy móc. Một người khác mang dụng cụ thở, cầm súng lặn xuống biển. Người bên trên mở máy phát điện, người bên dưới bật công tắc ở súng kích điện (bóp cò súng). Dòng điện truyền qua dây dẫn đến súng, phóng xa từ 3 - 4m, tỏa ra bán kính rộng dưới nước. Tôm, cá trúng luồng điện thường chết lâm sàng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ghe đánh cá cứ vậy vớt lên mà không mảy may gây tiếng động lớn.Nửa đêm, mặt biển đen ngòm, im ắng. Thế nhưng, sản lượng lớn cá, tôm vẫn... âm thầm rời khỏi lòng biển. Chưa đầy 1 tháng, tàu cá do ông Vũ làm chủ đã 6 lần dùng súng kích điện đánh bắt thủy sản.
Trước đó, tổ tuần tra cũng phát hiện một tàu cá ở khu vực Đáy Đại Khơi đang di chuyển về xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) dùng thủ đoạn trên khai thác thủy sản trái phép. Ông Trần Văn Tại (ngụ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) - người điều khiển phương tiện - khai nhận gần 30kg cá trên tàu do ông và đồng nghiệp dùng súng kích điện mà có. Đương sự đã vi phạm 2 lần.
Đây là hai tàu cá đầu tiên bị phát hiện, bắt quả tang khi sử dụng súng kích điện cùng dụng cụ hỗ trợ trong lúc đánh bắt.
Súng kích điện - “ngư cụ cải tiến”
Nhiều năm trước, khu vực biển TPHCM giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xảy ra tình trạng ngư dân sử dụng thuốc nổ đánh bắt trái phép hải sản. Cách làm này cần hai phương tiện. Một phương tiện gây nổ (đánh thuốc nổ xong liền bỏ chạy), phương tiện khác ra vớt tôm, cá. Sau một thời gian, người đánh bắt nhận thấy dùng thuốc nổ tốn nhiều phương tiện, nhân lực; lực lượng chức năng dễ phát hiện vì gây tiếng động lớn; có thể bị thiệt hại về tài sản, tính mạng. Hơn nữa, cơ quan pháp luật từng khởi tố nhiều vụ việc sử dụng thuốc nổ trong quá trình khai thác thủy sản. Đây là bài học đắt giá, khiến những người có ý định vi phạm “chùn tay”. Vì những lý do trên, 2 năm qua, thuốc nổ gần như biến mất trên mặt biển TPHCM. Thế nhưng, thời gian gần đây, một số tàu chuyển qua phương án dùng súng kích điện như trên.
Xử phạt nặng
Đại tá Nguyễn Hồng Dũng cho hay sau khi phát hiện tàu vi phạm, tổ tuần tra đã tịch thu toàn bộ tang vật, tạm giữ phương tiện phục vụ công tác xác minh, xử lý. Đồng thời, tổ điều tra lập biên bản vi phạm hành chính đối với đương sự. Với mục đích ngăn chặn, răn đe, lực lượng chức năng sẽ đưa ra mức phạt hành chính nặng nhất chiếu theo quy định pháp luật.
Đại tá Nguyễn Hồng Dũng, Đội trưởng đội Phòng chống tội phạm và ma túy (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM), cho biết hoạt động vi phạm diễn ra rầm rộ vào ban đêm. Tàu áp dụng cách đánh bắt trên thường là loại phương tiện nhỏ. Trên tàu có khoảng 2 người. Trong đó, một người nhận nhiệm vụ dưới nước, người còn lại vừa điều khiển phương tiện vừa xử lý dụng cụ bên trên. “Sản lượng đánh bắt từ cách này thường nhiều hơn, chất lượng hải sản cũng tốt hơn cách dùng thuốc nổ. Do vậy, nhiều người bất chấp quy định pháp luật, sẵn sàng đầu tư mấy chục triệu đồng để sắm phương tiện kích điện”, đại tá Nguyễn Hồng Dũng phân tích.
Theo lực lượng trinh sát của Bộ đội Biên phòng TPHCM, một số nhóm, cá nhân tự chế súng kích điện và những dụng cụ hỗ trợ rồi bán ra thị trường. Họ “học hỏi” cách sử dụng xung điện bắt cá thường thấy (dụng cụ kích điện, cào điện...) rồi cải tiến cho phù hợp với hoàn cảnh đánh bắt, nhu cầu người mua. Một ngày đi kích như vậy có thể giúp một ghe đánh cá thu về hơn 20 triệu đồng.