Cách nay tròn 15 năm, TP Cần Thơ chính thức được công nhận trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 15 năm là khoảng thời gian không dài đối với sự phát triển của một vùng đất, nhưng đến nay, bằng nhiều nỗ lực, TP Cần Thơ đã có những đổi thay rõ nét, hạ tầng dần hoàn thiện, không gian đô thị có diện mạo mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.
Diện mạo hiện đại
Xác định Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, có những lợi thế quan trọng về địa chính trị, kinh tế, năm 2003, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính hiện hữu và quyết định thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Tiếp theo đó, năm 2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một điểm nhấn quan trọng nữa là năm 2009, Chính phủ quyết định công nhận Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Những “bản lề” cơ bản và chắc chắn này đã giúp mở toang cánh cửa để Cần Thơ vươn vai đi lên.
Nhìn lại 15 năm qua, kể từ khi Cần Thơ được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Địa phương đã nỗ lực không ngừng bằng cách thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng chất hoạt động chính quyền và nâng tầm cán bộ lãnh đạo. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức chỉ 8,3 triệu đồng/năm, nay lên đến gần 81 triệu đồng/năm và là địa phương duy nhất ở ĐBSCL có “của ăn, của để”. Diện mạo Cần Thơ nay đã thay đổi rất nhiều nhờ vào sự phát triển nhanh của cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng đã mang tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực mới cho Cần Thơ phát triển như cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, sân bay quốc tế Cần Thơ, tuyến đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Nam Sông Hậu, quốc lộ 61B, quốc lộ 80...và sắp tới là hoàn thành cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các cầu trên quốc lộ 80...
Bên cạnh đó, hàng loạt công trình ở lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được đầu tư mới, xứng tầm khu vực là Bệnh viện Nhi đồng cấp khu vực; đầu tư trụ sở mới, trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa thành phố; nâng cấp, xây dựng hàng trăm trường học; hình thành Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc... Các khu đô thị được cải tạo, chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng khung, góp phần tạo động lực thu hút đầu tư một số khu chức năng đặc thù, như khu phức hợp cao tầng và nhà phố thương mại Vincom shophouse, khách sạn 5 sao Mường Thanh, khách sạn Ninh Kiều... Các dự án này đều hướng tới mục tiêu giúp thành phố tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính năng động và kết nối trong đô thị, phát triển đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng của vùng sông nước.
Tăng tốc về đích
Hàng năm, TP Cần Thơ đóng góp cho vùng ĐBSCL khoảng 12% - 12,5% GRDP và là địa phương duy nhất của vùng có điều tiết ngân sách về Trung ương; tăng trưởng kinh tế luôn dẫn đầu toàn vùng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời giảm tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động.
Tuy nhiên, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Dù tốc độ phát triển kinh tế tăng nhưng chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa còn nhiều khó khăn, chưa gắn kết được chuỗi giá trị cho nông sản. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn các tập đoàn, tổng công ty lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, dừng lại ở khâu thăm dò, tìm hiểu thị trường. Các công trình mang tầm quốc gia và quốc tế còn hạn chế, chưa có dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tính liên kết hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ, sản xuất... giữa các địa phương, các nhà sản xuất, cung ứng chưa đồng bộ, gắn chặt, còn lỏng lẻo, từ đó chưa phát huy hết “công lực” để tạo ra những cú “huých” mạnh cho sự phát triển.
Để phát huy lợi thế, xứng tầm là thành phố trung tâm, động lực của cả vùng, ông Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho rằng: Cần Thơ phải xác định rõ mục tiêu, định hướng và có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua xây dựng thành phố thông minh, đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững; khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng, quản lý đô thị và giám sát khu vực hành chính công; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; phát triển Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cần mở rộng các liên kết “song phương” hiện hữu sang các liên kết “đa phương”, để huy động được sức mạnh của toàn vùng trong việc thực hiện các quan hệ kinh tế. Cụ thể, đó là giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác trong nước giữa Cần Thơ với TPHCM và các tỉnh, thành phố cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Sau chuyến khảo sát các dự án mà chính quyền TP Cần Thơ quyết tâm thực hiện để tạo diện mạo đô thị mới, bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định: “Cần Thơ có thể trở thành thành phố điển hình và là mô hình mẫu về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu cho các địa phương trong khu vực và cả nước tham khảo. WB cam kết sẽ tiếp tục dành nguồn vốn ODA để đầu tư các dự án mới tại TP Cần Thơ trong thời gian tới”.
Trong chuyến thăm và làm việc với TP Cần Thơ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Khi đến Cần Thơ tôi rất muốn nhắc lại câu này: Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về. Chúng ta, ai cũng biết ở nước ta có những thành phố biển đáng sống như Đà Nẵng, Hội An thì Cần Thơ có tiềm năng là thành phố sông nước. Thủ tướng yêu cầu địa phương cần tiếp tục tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, quản lý tốt hơn các quy hoạch, vươn lên trở thành thành phố sinh thái đáng sống! |