Dấu ấn nghệ sĩ trẻ thành phố
Liên hoan (dời 1 năm do dịch Covid-19) chào đón nhiều đơn vị nghệ thuật cải lương công lập và xã hội hóa của TPHCM tham gia với các vở diễn: Câu hò đất mẹ và Ngược gió (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Một phút một thời (Hội Sân khấu TPHCM), Duyên kiếp (Công ty TNHH Giải trí sân khấu Kim Ngân), Truyền thuyết chàng Sa Mộc (Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt), Chân dung người mở cõi (Công ty TNHH Sự kiện và giải trí We), Vua thánh triều Lê (Sân khấu Sen Việt), Dạ cổ hoài lang (Công ty TNHH Giải trí Gia Bảo), Người thiếu phụ Nam Xương (Công ty TNHH Nghệ thuật Việt Star).
Đặc biệt, lực lượng nghệ sĩ trẻ có vai trò quan trọng ở hầu hết các khâu từ sáng tác và chuyển thể kịch bản, đạo diễn đến nghệ sĩ biểu diễn, thiết kế sân khấu… Họ đã thể hiện rõ niềm say mê nghề, mong muốn được đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật, đồng thời cũng khẳng định thực lực và tài năng cá nhân. Là một trong những nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, NS Điền Trung tâm sự: “Liên hoan là ngày hội nghề rất quan trọng, nhất là đối với nghệ sĩ trẻ chúng tôi. Năm nay, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chú trọng tạo điều kiện để các nghệ sĩ trẻ có cơ hội tỏa sáng tại Liên hoan nên tôi quyết định tự đầu tư dàn dựng một vở riêng cho mình để thỏa sức sáng tạo với nghề. Tham gia Liên hoan, tôi cũng không quá đặt nặng về vấn đề giải thưởng mà chú trọng trên hết là sự nỗ lực của bản thân trước một sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp. Qua đó cũng để tôi nhìn lại thực lực của mình, rút tỉa kinh nghiệm; đồng thời được gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, trao đổi nhiều hơn về chuyên môn…”.
Trong vở Duyên kiếp, NS Điền Trung đảm nhận 3 vai trò: tổ chức sản xuất, đạo diễn và diễn viên. Anh nhờ thêm sự giúp sức từ đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ trau chuốt và hoàn thiện vở diễn ưng ý nhất. Cũng đảm nhận nhiều vai trò cùng một lúc, nhà đầu tư, đạo diễn, diễn viên, NS Nguyễn Minh Trường đã trình làng vở Chân dung người mở cõi được đánh giá cao. Với giới chuyên môn và nhiều khán giả mộ điệu, nam nghệ sĩ đang từng bước khẳng định bản lĩnh và tài năng trong bất cứ vai diễn nào trên sân khấu. Sức hấp dẫn của gương mặt sáng, giọng ca nội lực, lối diễn linh hoạt và có chiều sâu đang giúp NS Minh Trường ngày càng thêm vững vàng trong nghề.
Đặc biệt, đứng sau cánh màn nhung còn có tài năng của nhà thiết kế sân khấu họa sĩ Trần Hồng Vân, chị đã tạo nên những cảnh trí đẹp lung linh cho 8 vở diễn của TPHCM và một số tỉnh, thành tại liên hoan năm nay; tác giả trẻ Phạm Văn Đằng cũng sáng tác và chuyển thể kịch bản 3 vở...
Tài năng nâng chất lượng
Trong khoảng nửa tháng, 27 vở diễn tham gia Liên hoan sẽ trình diễn liên tục, mỗi ngày 2 vở. Trong đó, có 7 vở đề tài lịch sử, 4 vở đề tài dân gian và 16 vở đề tài hiện đại thể hiện được sự đa dạng, phong phú. Các gương mặt đạo diễn sân khấu trẻ nổi bật không chỉ với kiến thức và kỹ năng chuyên môn, mà còn gây ấn tượng nhờ sự phá cách và thể hiện quan điểm làm nghề mới mẻ, giúp chuyển tải phần nào tính hiện đại, sự đổi mới của sân khấu cải lương truyền thống trong đời sống hiện đại.
Các tác phẩm của các đoàn từ TPHCM chiếm 1/3 vở diễn tham gia Liên hoan lần này, phần nào thể hiện được nội lực của sân khấu cải lương thành phố. Các đơn vị nghệ thuật, ê kíp thực hiện nỗ lực trong đầu tư dàn dựng kịch bản, bất chấp khó khăn bủa vây từ công tác sắp xếp thời gian để nghệ sĩ tập dượt, ráp tuồng, chạy vở, dựng cảnh trí, ráp với âm nhạc; sự thiếu thốn trầm trọng địa điểm, sàn diễn để chạy vở... Dù tình hình sân khấu TPHCM sau thời gian dài ngừng hoạt động do dịch, đến nay vẫn chưa thực sự phục hồi, nhưng mỗi đơn vị nghệ thuật vẫn luôn cố gắng thu xếp, làm việc cật lực để đem đến Liên hoan những vở diễn ý nghĩa, chất lượng và ấn tượng.
Hy vọng, sau Liên hoan, đội ngũ nghệ sĩ sân khấu trẻ TPHCM sẽ tiếp tục có nhiều nỗ lực hơn để cùng chung tay góp sức làm sinh động, đa sắc hoạt động sân khấu truyền thống tại TPHCM.