Có thể thấy, văn chương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ sau năm 1975 được bồi đắp với ba thế hệ cầm bút. Thứ nhất là những nhà văn từ kháng chiến tiếp tục cống hiến như Nguyễn Bá, Anh Động, Lê Chí… Thứ hai là những tác giả trưởng thành sau năm 1975 như Vũ Hồng, Lê Thanh My, Thai Sắc, Hữu Nhân… Thế hệ thứ ba là những cây bút sinh ra trong hòa bình như Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt, Vũ Thiên Kiều... Đội ngũ hùng hậu ấy, đương nhiên cũng bị rơi rụng dần, và cũng không ngừng được bổ sung, nhưng tinh thần sáng tạo của những người viết ở mảnh đất phù sa nồng nàn là không thể không ghi nhận.
Nói đến văn chương ĐBSCL mà chỉ nhắc những nhà văn, nhà thơ đang mỗi ngày hít thở cùng 9 nhánh sông Cửu Long thì quả là thiếu sót. Bởi, từ nơi đây còn có những tài năng chuyển dịch, nhập cư vào các đô thị lớn và đóng góp những tác phẩm chinh phục độc giả cả nước như: Trang Thế Hy, Trần Kim Trắc, Trần Thanh Phương, Lê Giang, Bích Ngân, Trúc Phương, Võ Đắc Danh, Nguyễn Trọng Tín… Họ tuy không còn sinh sống ở ĐBSCL, nhưng cốt cách người miền Tây Nam bộ và cái hồn bao năm của vùng đất nồng nàn phù sa sông Cửu Long đã ngấm sâu tạo nên phẩm chất văn chương của họ.
Nhìn trên bình diện văn chương toàn quốc, tác phẩm của các tác giả miền Tây Nam bộ luôn có vẻ hiền hòa và dào dạt như những dòng chảy sông Cửu Long, nhưng nói cho sòng phẳng thì có 3 lần gợn sóng đáng chú ý, đó là những dư luận xôn xao quanh tác phẩm của 3 nhà văn nữ: “Con chó và vụ ly hôn” của Dạ Ngân, “Thị trấn không đèn” của Trầm Hương và “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Ba mảnh hiện thực cồn cào chảy vào trang viết, khiến độc giả nghĩ thêm về những chuyển động đáng phản ánh ở ĐBSCL những năm qua.
Trước đây, văn chương miền Tây Nam bộ từng hào hứng mở đầu văn học mạng bằng trang web Sông Cửu Long. Nhưng thật đáng tiếc, dù được sự ủng hộ của bạn đọc, trang web Sông Cửu Long cũng nhạt dần và... mất tích. Không có diễn đàn để tập hợp, để hội tụ, để tương tác…, những cây viết ở ĐBSCL có vẻ co cụm lại theo từng địa phương và công việc sáng tác của họ cũng phải co lại trước thử thách khắc nghiệt của kinh tế thị trường!
Về thơ, miền Tây Nam bộ có những tên tuổi như: Trịnh Bửu Hoài, Đinh Thị Thu Vân, Kim Ba, Song Hảo, Thai Sắc, Lê Tân, Hồ Thanh Điền… Về văn, ngoài sự tỏa sáng của Nguyễn Ngọc Tư, còn có các tác giả quen thuộc Ngô Khắc Tài, Phan Trung Nghĩa, Phạm Trung Khâu, Mai Bửu Minh, Hồ Tĩnh Tâm, Trần Dũng…, cùng nhiều gương mặt mới nữa, đang đầy nhiệt thành tiếp cận bạn đọc cả nước, như: Văn Triều, Trương Thị Thanh Hiền, Đông Triều, Nguyễn Thanh Hải, Phạm Thị Toán…
Có thể thấy, TP Cần Thơ, được mệnh danh là thủ phủ miền Tây - Tây Đô, nhưng chưa giữ được vai trò trung tâm cho sinh hoạt văn chương ĐBSCL, mà tỉnh An Giang lại thu hút được sự chú ý của công chúng hơn, bởi ngoài địa chỉ Long Xuyên còn có mảnh đất Châu Đốc trầm tích văn hóa lâu đời. Nếu tính theo hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thì tỉnh An Giang cũng có nhiều hội viên nhất: 11 người! Hiện nay, tỉnh An Giang đang có những cây bút trẻ đầy triển vọng như Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Huỳnh Ngọc Phước, Huỳnh Trọng Khang…
Miền Tây Nam bộ có nhiều lãnh đạo tâm huyết cổ vũ văn học nghệ thuật, tuy nhiên một băn khoăn phải đặt ra: văn chương miền Tây Nam bộ đang cần gì để phát triển mạnh mẽ hơn? Ngay cái tên hội thảo “Thơ và văn xuôi ĐBSCL 45 năm” sẽ diễn ra ngày 26-8 cũng phần nào nói lên thực tế thiếu vắng… phê bình văn học. Bất kỳ một giai đoạn văn chương nào, hoặc bất kỳ vùng đất nào, cũng đều phải có nhà phê bình đồng hành mới có thể phô diễn đầy đủ thành tựu và bản sắc vùng đất, con người. Và vì vậy, chúng ta không thể khám phá hay phê bình văn chương ĐBSCL thấu đáo bằng một nhà phê bình được lặn ngụp trong văn hóa miệt vườn.