Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Giới đam mê thể thao cũng sẽ không bất ngờ nếu Pickleball tiếp bước các cuộc chạy marathon đang được tổ chức rầm rộ, liên tục và thu hút sự quan tâm của cộng đồng yêu thể thao Việt Nam, nhất là ở các đô thị.

Sức lan tỏa của Pickleball hay việc “nhà nhà chạy marathon” đã cho thấy sức sống mãnh liệt của thể thao quần chúng, nhất là ở cộng đồng yêu thể thao đô thị, những nơi mà nhu cầu về rèn luyện sức khỏe rất lớn trong bối cảnh diện tích đất dành cho hoạt động thể thao trên đầu người luôn có xu hướng thu hẹp dần, ít không gian cho tập luyện thể chất. Pickleball hay chạy bộ có chung ưu điểm là dễ tiếp cận về kỹ thuật, có thể rèn luyện theo hình thức cá nhân, ít tốn chi phí khi bắt đầu và quan trọng hơn, đó là có thể tận dụng được không gian tại chỗ.

Một đặc điểm nổi bật khác của các môn thể thao đô thị là khả năng bắt nhịp xu hướng phát triển của thế giới do một số đặc tính tương đồng của các thành phố như dân số trẻ, không gian công cộng ít, tính cá nhân hóa trong sinh hoạt… Điều này có nghĩa nếu Việt Nam phát triển tốt các môn thể thao đô thị thì chúng ta sẽ có cơ hội để tiếp cận đến trình độ thế giới do có xuất phát điểm không đến nỗi thấp so với các quốc gia khác trong loại hình thể thao này.

Xu hướng chung của thể thao thế giới cũng đang phát triển các môn thể thao đô thị, dành cho giới trẻ và thiên về khám phá bản thân. Trong 2 kỳ Olympic gần nhất, một số môn mới được đưa vào chương trình thi đấu như trượt ván đường phố, xe đạp BXM, Street Dance, leo tường tốc độ… đều có nguồn gốc từ thể thao đô thị. Một số quốc gia có nền thể thao kém đã “đi tắt, đón đầu” khi phát triển tốt các môn mới này để tranh đoạt thành tích quốc tế. Trong khi đó, các giải chạy marathon đều gắn liền với các thành phố nổi tiếng toàn cầu. Riêng môn Pickleball đang là trào lưu chơi thể thao của những người nổi tiếng, sống ở các đô thị sầm uất nhất thế giới.

Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa đang rất nhanh, dự kiến đến 2030 sẽ có thêm gần 10 thành phố trực thuộc trung ương. Điều này đồng nghĩa quỹ đất dành cho các môn thể thao khó tăng, trong khi nhu cầu về rèn luyện sức khỏe và kết nối cộng đồng sẽ ngày một lớn hơn. Các môn thể thao đô thị chắc chắn sẽ là những lựa chọn của người dân. Vì thế sự phát triển của một số môn thể thao mới có phong trào mạnh tại các thành phố lớn rất cần được các nhà quản lý chú ý để quy hoạch và thậm chí là xây dựng được chiến lược dành riêng để tiến tới hình thành các giải đấu đỉnh cao.

Nhìn nhận đúng được xu hướng và nhu cầu của phong trào thể thao đô thị, qua đó mới có chính sách “nâng đỡ”, xây dựng được các điều kiện tiêu chuẩn ngay từ đầu nhằm hình thành thế hệ vận động viên tương lai, nhất là mô hình thể thao học đường cho các môn thể thao đô thị - điều mà hiện nay đang được thực hiện thông qua việc khôi phục các giải bóng rổ học sinh. Hơn nữa, do một số đặc thù, các môn thể thao đô thị cần có sự quản lý chặt chẽ ngay từ đầu để tránh tình trạng chiếm dụng không gian công cộng, thi đấu tự phát khiến phong trào bị phân tán, thiếu tổ chức dễ dẫn đến việc lụi tàn sau trào lưu.

Tin cùng chuyên mục