Nhà mới trên đống hoang tàn
Bà Nguyễn Thị Liễu mân mê bức tường tươi màu gạch kể: “Sống cả cuộc đời 74 tuổi rồi chưa thấy trận lũ nào bạc ác như thế này. Nhưng sau lũ, nhờ Báo SGGP về thông tin, bạn đọc cả nước, bà con trong Nam ngoài Bắc chung tay giúp đỡ mà nhà tui nhận được hơn 150 triệu đồng, gom góp vào xây cái nhà mái ngói, tường đổ trụ kiên cố lắm. Nền nhà được xây cao hơn 1m. Tết này chắc chắn có nhà mới. Tình bà con cả nước hướng về làm chúng tôi thật ấm lòng”.
Sâu dưới thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh), bà Trần Thị Thanh Thiệu vừa giữ cháu, vừa lo nước uống cho đoàn thợ gấp rút đổ bê tông ngôi nhà, nói: “Lũ lên to, sóng từ phá Hạc Hải đánh vào như sóng thần. Nhà tui có cái nhà tránh lũ mà không trụ được, sập tanh bành. Tưởng không thể gượng dậy, nhưng bà con hảo tâm tìm về, trao từng chút tiền, tích cóp lại được hơn 300 triệu đồng. Con cái làm ăn xa vay mượn thêm, xây cái nhà kiên cố, móng nâng lên hơn 1,5m. Tết này, thợ nói làm xong bên trong, tô trát tốt để vợ chồng vào ở, bên ngoài sau tết hoàn thiện. Bà con cả nước thật tốt. Tình ấy tui ghi nhớ mãi đến cuối đời”.
Bà Nguyễn Thị Điểm năm nay đã ngoài 75 tuổi, cùng thôn Hữu Tân, bị tai biến, đang nằm nhờ nhà con. Trong lũ, sóng đánh lớn, nhà sập, vợ chồng con bà là Đỗ Quang Ngọc (39 tuổi) và Võ Thị Hương lâm cảnh màn trời trong lũ. Sau lũ, nhiều đoàn tìm đến ủng hộ gần 200 triệu đồng. Ngọc kể: “Nay em có căn nhà còn khang trang hơn trước. Trong hoạn nạn, vợ chồng em mới hiểu sâu sắc được từ nghĩa đồng bào”.
Thiết thực nhà chống lũ
Ông Nguyễn Trọng Trới, Trưởng thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), ngắm căn nhà vượt lũ của thôn đang trong quá trình hoàn thiện, nói: “Lũ lịch sử, chúng tôi phải di tản hơn 500 dân làng. Giờ để giúp dân làng an toàn trước những trận lũ trong tương lai, chúng tôi được Tập đoàn Trường Thịnh tài trợ căn nhà tránh lũ hơn 2 tỷ đồng theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Đây là căn nhà chống lũ lớn nhất mà tôi thấy. Sàn có diện tích hơn 150m2, xây 2 tầng kiên cố, tầng một cao hơn mức lũ lịch sử tháng 10-2020 cả mét. Tầng 2 có 2 phòng vệ sinh, 2 phòng bếp 2 đầu, ở giữa có sức chứa cho hàng trăm người chạy lũ. Như thế là an toàn cho dân làng tui”.
Ông Phan Văn Hoa, Trưởng thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) nói: “Tập đoàn Trường Thịnh tặng cho Quảng Bình 2 căn nhà tránh lũ lớn nhất. Họ thiết kế đẹp, tươm tất, đổ mái bằng, lợp ngói, không chỉ tránh được lũ mà còn tránh được bão lớn. Thiên tai lũ lên, bão vùi thì những nhà nghèo được di tản lên đây. Họ mới xây 2 tháng mà đã nên hình nên dạng, sau tết hoàn thiện và bàn giao địa phương. Mùa mưa lũ năm sau, dân làng ốc đảo chúng tôi hy vọng sẽ an toàn”.
Lật giở cuốn sổ ghi chép tri ân các đoàn thiện nguyện về với xã Tân Ninh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hợi nói: “Hơn 220 đoàn về xã, được xã điều phối về phát tiền và hàng tận tay bà con nhân dân vùng lũ. Thống kê danh sách này và quy đổi thành tiền thì đã có hơn 12 tỷ đồng của bà con cả nước và nước ngoài hỗ trợ người dân xã Tân Ninh. Ngoài ra, hàng trăm đoàn khác của con em các thôn đưa thẳng về với bà con ước hơn 8 tỷ đồng nữa. Thế mới thấy tình đồng bào cả nước dành cho bà con miền Trung là rất lớn”.
Năm 2020 là một năm đáng nhớ trong đời lính của Đồn trưởng Đồn biên phòng Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy): Trung tá Nguyễn Ngọc Tú. Đồn biên phòng của anh đã đưa thuyền vào vùng trũng Lệ Thủy cứu dân trong những ngày mưa lũ hoành hành. Bà Dương Thị Doát và chồng là ông Trần Văn Sàng (61 tuổi) xúc động kể: “Chừ còn sống là nhờ ca nô của bộ đội biên phòng đồn Ngư Thủy. Gia đình tui luôn tạc dạ cái ơn nghĩa cứu người đó mà kết nghĩa tri ân anh em với Tú”. Sau lũ, bà Doát và ông Sàng đã ra Đồn biên phòng Ngư Thủy xin kết nghĩa anh em. Trung tá Nguyễn Ngọc Tú nói: “3 ngày 3 đêm cao điểm trong trận đại hồng thủy hồi tháng 10-2020, ca nô của đồn Ngư Thủy đã quần quật ở các xã rốn lũ Sơn Thủy, Dương Thủy, Hoa Thủy, thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy), cứu sống hơn 500 người dân. Cứ mỗi chuyến băng lũ, anh em vượt vô vàn hiểm nguy, cả chạy trong đêm tối để cứu dân, đưa dân lên thuyền. Giờ đây, đồn biên phòng nhận rất nhiều đề nghị kết nghĩa của bà con vùng lũ. Đây là hạnh phúc đời lính”. |