Theo ghi nhận, nếu tính theo chỉ số target Ind4+ (rating khung phim Việt Nam 20 giờ), Duyên kiếp dẫn đầu tốp 10 bộ phim và chương trình giải trí được yêu thích nhất cả nước từ ngày 8 đến 14-8 với chỉ số rating đạt 4,1%, vượt qua bộ phim Đấu trí (3,9%) và Gara hạnh phúc (3,5%). Tính riêng khu vực ĐBSCL, bộ phim thậm chí đạt đến 9,2%. Cùng thời điểm, tại các thị trường Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, phim cũng dẫn đầu về rating với mức trung bình từ 4,5%-6%.
Nếu theo dõi bộ phim, con số này cũng không phải là điều quá bất ngờ, bởi Duyên kiếp đang hội tụ nhiều yếu tố để ăn khách. Phim được chuyển thể từ kịch bản cải lương cùng tên nổi tiếng một thời, đồng thời quy tụ dàn diễn viên có nghề: Huỳnh Đông, Thân Thúy Hà, Trương Minh Quốc Thái, Bạch Công Khanh, Oanh Kiều, Trương Mỹ Nhân… Thành công của Duyên kiếp đồng thời cũng minh chứng, các bộ phim xưa đã, đang và chắc chắn sẽ tiếp tục là “đặc sản” của phim truyền hình phía Nam.
Có nhiều lý do khiến phim xưa ăn khách. Trước hết, đa phần các phim xưa đều được chuyển thể hay lấy cảm hứng từ các vở cải lương, tác phẩm văn học, tuồng tích nổi tiếng… nên đã có sẵn câu chuyện thu hút, giàu tính nhân văn, gần gũi. Ngay từ bối cảnh các phim đã cuốn hút người xem khi đưa khán giả trở về những năm 1990 thế kỷ trước, màu sắc hoàn toàn khác so với những phim có đời sống hiện đại liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình hiện nay. Chính màu sắc hoài niệm mang trong mình cả những giá trị về văn hóa, lịch sử ấy góp phần làm nên “đặc sản” riêng có của các bộ phim xưa.
Tất nhiên, lợi thế ấy sẽ không thể tạo nên những con số rating ấn tượng nếu không có sự chăm chút tỉ mỉ, kỹ lưỡng của các ê kíp sản xuất. Sản xuất phim xưa đặt ra nhiều thử thách, đặc biệt về bối cảnh, phục trang, tạo hình cũng như diễn xuất của các nhân vật. Điều đó, đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải chấp nhận kinh phí sản xuất đội lên cao hơn so với mức trung bình của phim truyền hình hiện nay; đồng thời, thời gian sản xuất cũng kéo dài hơn.
Không phải bộ phim xưa nào cũng thành công và gây tiếng vang. Nhưng điều đáng mừng là khán giả chuộng phim xưa chính là động lực để các nhà sản xuất tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Nắm trong tay con “át chủ bài” này, phim xưa cũng tạo nên thế cân bằng so với dòng phim thời sự, chính luận vốn là thế mạnh của các nhà làm phim phía Bắc.
Quan trọng hơn, khi phim truyền hình đang chiếm ưu thế trở lại, những bộ phim chất lượng sẽ không còn bị cản trở bởi ranh giới vùng miền. Phim xưa, do đó sẽ vẫn còn bền bỉ trong nhiều năm tới.