Thành quả từ tinh thần cách mạng
Từ sau khi Tỉnh ủy Bến Tre phát động phong trào “Đồng Khởi mới”, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Từ chỗ trên 40% hộ nghèo và đói, nay hộ đói không còn, hộ nghèo chỉ còn trên dưới 10%. Điện, đường, trường, trạm… đã đến xã, ấp. Trên 90% hộ sử dụng điện, đường nhựa, đường xi măng len lỏi vào tận ngõ của hộ gia đình; trẻ em giờ học hết cấp 2 tại xã, mỗi huyện có đến 7 - 8 trường cấp 3, toàn tỉnh có 2 trường cao đẳng, nhiều lớp đại học cũng đã có trong tỉnh; bác sĩ cũng về tận xã; điện thoại phổ biến trong dân, internet về đến mỗi nhà, bộ mặt nông thôn Bến Tre thay đổi hẳn.
Kế tục tinh thần Đồng Khởi năm xưa, xuất phát từ thực tiễn trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, Tỉnh ủy Bến Tre xác định, cần thêm một cuộc Đồng Khởi mới nữa: “Đồng Khởi chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp” để làm cuộc cách mạng thay đổi nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang một nền nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, tham gia cạnh tranh và đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe của thị trường.
Ông Võ Thành Hạo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhớ lại: Nói đây là cuộc cách mạng, phải làm theo kiểu “Đồng Khởi” là vì tính khó khăn và đầy lực cản của thói quen, truyền thống, tập quán lâu đời trong nông dân; cần có sự bền bỉ, kiên trì, quyết liệt, đồng bộ, đồng loạt, bắt đầu từ một vài địa phương rồi mở rộng dần thành phong trào chung của cả tỉnh. Nếu không làm được điều đó, tất cả chúng ta - từ người lãnh đạo, quản lý đến người nông dân - đều lúng túng trong vòng lẩn quẩn của những câu hỏi mà không ai trả lời được. Vì sao giá nông sản thấp, không ổn định, nay lên mai xuống? Trồng cây gì? Nuôi con gì? Vì sao cứ để lặp đi lặp lại mãi điệp khúc nay trồng, mai chặt? Vì vậy, muốn thoát khỏi tình trạng đó, dứt khoát phải thay đổi từ nhận thức đến hành động, từ người quản lý đến người dân.
Từ nhận thức trên, kinh tế nông nghiệp Bến Tre dần chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Sức bật từ “Đồng Khởi khởi nghiệp”
Từ những thành quả trên, tinh thần “Đồng Khởi mới” tiếp tục được khơi dậy thông qua việc phát động thi đua đăng ký đầu việc và sáng tạo trong thực hiện phương châm “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, đổi mới”; chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp”, ngày hội khởi nghiệp; phương châm tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp, xã nắm tới hộ gia đình; tập trung xây dựng tư tưởng tiến công được các cấp, các ngành và nhân dân hưởng ứng.
Theo Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” với sự quyết tâm và đổi mới - sáng tạo trong thực hiện, Bến Tre đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp khá hoàn chỉnh với đầy đủ các thành tố - có sự gắn bó, liên kết chặt chẽ với nhau và phát triển không ngừng. Chương trình đã thúc đẩy cải cách, từng bước kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để mọi người dân an tâm đầu tư khởi nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khá nhanh.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có gần 4.300 doanh nghiệp; trong đó có 3.350 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký 30.450 tỷ đồng, cùng 2.298 đơn vị trực thuộc. Trong thời gian 2016-2019, hoạt động xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả khả quan, tổng vốn thu hút đầu tư tăng mạnh. Bến Tre đã tiếp và làm việc với hơn 370 đoàn đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư. Thu hút được 106 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 34.248 tỷ đồng; 14 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 727,6 tỷ đồng. Lũy kế đến quý 4-2019, toàn tỉnh có 221 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 44.591 tỷ đồng; 51 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 863 tỷ đồng.
Về Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo, tỉnh Bến Tre đã tổ chức tuyên truyền đến 100% các hộ tham gia (15.858 hộ); có 8.889 hộ được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp; 2.836 hộ sản xuất phi nông nghiệp. Qua rà soát hộ nghèo cuối năm 2019, có hơn 8.410 hộ thoát nghèo; trong đó có 5.800 hộ thoát nghèo bền vững theo 3 tiêu chí của Đề án sinh kế. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến năm 2019 giảm còn khoảng 6%.
Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bến Tre, hạ tầng công nghiệp được tập trung đầu tư, khu công nghiệp Giao Long I, II và An Hiệp đã lấp đầy 100%; hệ thống mạng lưới truyền tải điện được cải tạo, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,85%. Thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá. Xuất nhập khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.520 triệu USD, đạt bình quân 13,5%/năm.
Ngoài ra, sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bến Tre đã đạt được những kết quả nổi bật. Toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh duy trì ở mức khá cao, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 6,99%/năm; đặc biệt, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức 7,22%, là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Bến Tre có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Mô hình tăng trưởng từng bước chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng với chiều sâu. GRDP bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng. Nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã hình thành và phát triển 5 chuỗi sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. |