Khởi sắc
Thời gian qua, sân khấu cải lương ghi điểm với hàng loạt đoàn hát, đơn vị nghệ thuật xã hội hóa liên tục mở ra, hoạt động nhộn nhịp. Nổi bật có sân khấu cải lương mới Đại Việt, sân khấu Chí Linh Vân Hà, đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Minh Tơ, Đồng ấu Bạch Long, Lê Nguyễn Trường Giang, sân khấu cải lương của NSƯT Vũ Luân, nghệ sĩ Gia Bảo…; và mới nhất là sự ra mắt Gánh hát Thiên Lý của nghệ sĩ Tú Quyên.
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng sôi động với nhiều suất diễn đa dạng về thể loại, từ lịch sử, tâm lý xã hội đến tuồng cổ. Đoàn liên tục có nhiều vở diễn mới được đầu tư dàn dựng và công diễn phục vụ khán giả.
Riêng thể loại cải lương tuồng cổ, hồ quảng thì được nhiều đoàn chọn làm lại các vở có sẵn và dựng phiên bản mới để vừa giảm bớt chi phí đặt hàng sáng tác, vừa đáp ứng thị hiếu của số đông khán giả “ruột” thích những vở quy mô, nhiều vũ đạo với những lời ca quen thuộc. Dù các đêm sáng đèn có suất cháy vé, có suất chỉ kín được hơn 2/3 rạp hát, nhưng vẫn là tín hiệu đáng mừng cho sân khấu cải lương trong giai đoạn phục hồi, nhất là sau giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19.
Thế nhưng, giữa niềm vui vì sự phát triển, sân khấu cải lương tuồng cổ còn không ít nỗi lo.
Trích đoạn cải lương Phụng Nghi Đình trình diễn trong chương trình chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam - Giỗ tổ ngành sân khấu 2023 |
Còn nhiều trăn trở
Tại tọa đàm Vai trò của cải lương tuồng cổ TPHCM từ năm 1975 đến nay, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ nêu thực trạng: Chỉ cần nhìn vào danh sách vở diễn của 10 đoàn cải lương xã hội hóa tại TPHCM thì có đến 8 đoàn là diễn các tuồng cổ có tích Trung Hoa xưa. Ngay cả Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng diễn tuồng cổ có tích Trung Hoa là Ngai vàng và tội ác. Đó là một điều rất bất thường. Nếu không được định hướng, thì sắp tới, 100% đoàn sẽ diễn tuồng cổ có tích Trung Hoa, trong khi đó các vở cải lương tuồng cổ dùng chất liệu văn hóa Việt Nam sẽ ngày càng khan hiếm, thậm chí biến mất.
Trên thực tế, vấn đề này cũng đã được các thế hệ nghệ sĩ đi trước nhận thấy và nỗ lực tìm cách thay đổi, tiêu biểu là việc chuyển từ dùng nhạc Trung Hoa qua nhạc Việt. Nhắc về sự cải tiến của âm nhạc cải lương sau năm 1975, không thể không nhắc đến tài năng của các nhạc sĩ Đức Phú, Minh Tâm… với nhiều bài bản âm nhạc Việt Nam hay, được sử dụng trong rất nhiều vở tuồng cổ. Đặc biệt, sự đóng góp của cố NSND Thanh Tòng trong việc tìm kiếm giải pháp để Việt hóa sân khấu cải lương tuồng cổ, tạo nên những vở cải lương mang phong cách và văn hóa nghệ thuật đậm chất Việt.
Nghệ sĩ Bạch Long tâm tư: “Anh Thanh Tòng đau đầu tìm cách níu khán giả đến xem các tuồng cải lương sử Việt, còn nhạc sĩ Đức Phú tư duy sáng tạo để dùng âm nhạc Việt Nam đưa vô vở cải lương tuồng cổ, gắn với hình thức vũ đạo hát bội cho hấp dẫn. Từ vở Câu thơ yên ngựa, anh Thanh Tòng đề nghị nhạc sĩ Đức Phú sử dụng hoàn toàn âm nhạc Việt Nam, đưa thêm vào những bài lý… Sau đó là hàng loạt vở như Cánh nhạn mù sương, Nguyễn Địa Lô, Tô Hiến Thành xử án… đã hoàn toàn sử dụng âm nhạc của nhạc sĩ Việt Nam sáng tác, không vay mượn nữa, mà các tác phẩm sân khấu mới ra đời vẫn hấp dẫn khán giả”.
Nhờ nỗ lực đó, một thời gian dài, sân khấu biểu diễn xuất hiện không ít vở cải lương tuồng cổ dựa trên tích xưa được dựng lại, gia giảm bớt âm nhạc hồ quảng, thay vào đó sử dụng nhiều âm nhạc cải lương Việt Nam nhưng vẫn giữ được sức cuốn hút cần có của một tác phẩm tuồng cổ...
Để phát triển cải lương tuồng cổ Việt
Tác giả, ông “bầu” trẻ Lê Nguyễn Trường Giang chia sẻ: “Thực ra, tôi đã từng viết khá nhiều kịch bản tuồng cổ, trong đó có không ít vở lấy đề tài sử Việt như: Hỏa công đầm Thị Nại, Ngược dòng Tây Sơn, Truyền tích tiểu tiên, Huyết mạch của những vị thần..., thế nhưng khó thu hút khán giả. Khán giả vẫn thích các vở cũ đã quá quen thuộc nên dần dần sân khấu cải lương lại quay về với các vở tuồng tích Trung Hoa”.
Sân khấu Chí Linh - Vân Hà biểu diễn vở cải lương Trung liệt Dương gia tướng |
Một điều khá đặc biệt là hầu hết người trong giới đều hiểu rõ lý do vì sao khán giả thích tuồng tích Trung Hoa mà quay lưng với tuồng tích sử Việt. Nghệ sĩ Bạch Long thẳng thắn chia sẻ: “Vì tuồng sử Việt Nam thường chỉ có một chiều. Kịch bản sử Việt thiếu sức hấp dẫn khán giả vì tác giả không dám hư cấu thêm”.
Tác giả Lê Nguyễn Trường Giang cụ thể hơn: “Với các tuồng cải lương sử Việt, khi viết kịch bản, tác giả không thể hư cấu, thêm thắt ý tứ để kịch bản lãng mạn, bay bổng, có nhiều tình tiết gay cấn hơn ngoài chủ đề lớn là cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Mà bản chất cải lương tuồng cổ thì thu hút khán giả ở những tình tiết kiểu như thế. Khán giả thích xem màn vụng trộm, đánh ghen của Lã Bố - Điêu Thuyền - Đổng Trác, màn chia tay bi lụy của Hạng Võ - Ngu Cơ, dù rằng chẳng ai biết những chi tiết đó có thật trong lịch sử hay không. Chính vì thế, tâm lý e ngại, viết xong cất tủ, không thể dựng và diễn đã làm chùn tay và chùn ý tưởng sáng tác kịch bản sử Việt của nhiều tác giả, soạn giả sân khấu”.
* Tiến sĩ MAI MỸ DUYÊN:
Cần phải đặt câu hỏi: Vì sao nước ta có lịch sử cực kỳ phong phú nhưng sân khấu cải lương, nhất là cải lương tuồng cổ còn quá ít vở lấy đề tài lịch sử dân tộc? Có phải kiểm duyệt quá khắt khe? Xin thưa là không, bởi như những người làm sân khấu đã nói, vấn đề vẫn nằm ở chính những người viết tuồng. Chúng ta đã có sự thay đổi về âm nhạc, bên cạnh 20 bài bản Tổ kinh điển của nhạc tài tử, còn có hàng trăm bài bản nhỏ của nhạc tài tử, cải lương cần được sử dụng trong sáng tạo tác phẩm, để không bị mai một. Về nội dung, các tác giả viết tuồng phải có ý thức cao về văn hóa Việt, cần mở rộng, nâng cao các yếu tố sân khấu… Một yếu tố quan trọng nữa là sự hỗ trợ của Nhà nước, mà ở đây là việc đầu tư các sân khấu, không gian tập luyện, trình diễn. Áp lực cơm áo gạo tiền khiến người làm sân khấu rất khó thử nghiệm cái mới, cái lạ, giữ nghề, lửa đam mê. Nếu có điều kiện hỗ trợ cơ sở vật chất, nhất là cho các nhóm, đoàn cải lương xã hội hóa sử dụng, sẽ tạo cơ hội để họ sáng tạo cái mới, đưa yếu tố dân tộc vào cải lương tuồng cổ và giới thiệu chúng đến công chúng thuận lợi hơn. Dần dần, những tuồng tích Việt sẽ thay thế các tuồng tích Trung Hoa để có chỗ đứng trong lòng khán giả.
* Đạo diễn HUỲNH ANH TUẤN:
Tôi muốn đại diện các đơn vị xã hội hóa kiến nghị HĐND TPHCM là để gìn giữ và phát triển nghệ thuật dân tộc cần có sự ưu tiên cho các đơn vị xã hội hóa khi làm tuồng sử Việt. Không cần quá nhiều, mà chỉ là những sự hỗ trợ thiết thực nhất, ví dụ như khi biểu diễn cải lương tuồng cổ sử Việt tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ được miễn hoặc giảm 50% kinh phí thuê cơ sở vật chất. Cách làm này không chỉ góp phần tôn vinh nỗ lực phát triển văn hóa dân tộc mà còn thiết thực đưa cải lương tuồng cổ Việt đến với khán giả, bởi giảm 50% thì chỉ cần giá vé 500.000 đồng/vé là đoàn hát đã có lời. Thậm chí, với những vở hay, hoành tráng, có thể được phép biểu diễn ở Nhà hát thành phố như một sự tôn vinh, anh em làm nghệ thuật sẽ càng thấy tự hào.