125 năm ngày sinh (1881 - 2006) và 70 năm ngày mất (1936 - 2006) đại văn hào Lỗ Tấn

Sức sống Lỗ Tấn

Sức sống Lỗ Tấn

Danh ngôn Lỗ Tấn

* Trên mặt đất vốn không có đường, người đi nhiều thì thành đường. (Truyện Cố hương)

* Đường là do con người giẫm nát chỗ chông gai mà tạo ra. (Tạp văn Cảm nghĩ nhỏ)

* Người chết chỉ chết thật khi họ chết trong lòng người sống. (Tạp văn Chỗ chết)

* Những người thấy buồn chán trong ngày nghỉ, chẳng qua vì họ chưa làm hết sức trong ngày làm việc. (Tạp văn Cảm nghĩ nhỏ)

* Từ trong suối chảy ra là nước, từ trong huyết quản chảy ra là máu. (Tạp văn Cảm nghĩ nhỏ)

* Tôi cũng giống như con bò... ăn vào toàn là cỏ nhưng vắt ra là sữa. (Tạp văn Cảm nghĩ vụn vặt)

* Nhân vật của tôi thường là chắp vá, mồm miệng ở Sơn Tây, áo quần ở Bắc Kinh... tôi không chuyên chú lấy một người mẫu cố định nào. (Tôi viết tiểu thuyết như thế nào?)

* Bi kịch trình bày sự mất đi của cái nên có; hài kịch trình bày sự mất đi của cái không nên có. (Cảm nghĩ vụn vặt)

* Dùng con mắt hạt đậu để đo núi Thái Sơn thì núi Thái Sơn cũng chỉ bé bằng hạt đậu. (Tạp văn Về vấn đề làm tuyển tập)

LƯƠNG DUY THỨ sưu tầm

Sức sống Lỗ Tấn ảnh 1
Lỗ Tấn (1881 - 1936) - tên thật là Chu Chương Thọ (Chu Thụ Nhân), tên chữ Dự Tài - quê Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang. Lỗ Tấn là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và dịch thuật vĩ đại trên văn đàn hiện đại Trung Quốc.

Năm 2006 là năm việc nghiên cứu, giới thiệu Lỗ Tấn đạt được những thành tựu to lớn.
Nghiên cứu về Lỗ Tấn, các nhà “Lỗ Tấn học” ở Trung Quốc không chỉ dừng lại ở các vấn đề cũ như: truyện ngắn, tạp văn, thơ, lý luận, phê bình, nghiên cứu và dịch thuật của ông mà đi vào các hướng khác nhằm khám phá, phát hiện những đóng góp to lớn của đại văn hào đối với các mặt của đời sống, xã hội, văn hóa, văn học và triết học.
Nhiều bài viết, sách nghiên cứu về Lỗ Tấn công bố ở Trung Quốc trong năm 2006 đều giới thiệu những vấn đề rất cụ thể.

Việc nghiên cứu, giới thiệu Lỗ Tấn được mở rộng ở các khu vực như Hồng Công, Đài Loan, Macau và nhiều quốc gia ở Đông Nam Á.
Các ngành văn học, nghệ thuật và giáo dục Trung Quốc quyết định kỷ niệm trọng thể 125 năm ngày sinh của Lỗ Tấn và 70 năm ngày mất của ông. Một ủy ban tổ chức kỷ niệm Lỗ Tấn đã được thành lập từ trung ương đến các địa phương, nhất là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Triết Giang. Các trường đại học ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu nơi Lỗ Tấn từng dạy đã diễn ra nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về sự nghiệp văn hóa, giáo dục to lớn của ông. 

HỒ SĨ HIỆP

Tin cùng chuyên mục