Bước ngoặt trong sáng tác
Vẫn tôn vinh chất liệu dân gian mang tính dân tộc biểu trưng, đan xen hoài niệm về nghệ thuật truyền thống, tuy nhiên, từ đề tài, nội dung đến đặc điểm tạo hình của Không có gì ở đằng sau đều hoàn toàn đổi khác. Bùi Thanh Tâm sử dụng, phát huy tính thủ công và kết hợp của nghệ nhân vàng bạc, nghệ nhân dân gian in khắc vẽ tay..., biến những kỹ thuật vốn chỉ là dân gian cổ xưa trở thành nghệ thuật đương đại. Ý niệm trong nghệ thuật vượt ra khỏi những suy nghĩ đơn thuần của nghệ thuật hàn lâm với các chất liệu hội họa đã được định dạng. Bùi Thanh Tâm đã quyết định sử dụng thứ nguyên liệu xa xỉ là vàng để lột tả ý tưởng mình muốn. Song vàng không chỉ là làm đẹp đơn thuần trong tranh thiếu nữ trước đó, mà vàng trong bộ tác phẩm mới được nâng thêm một bậc với sự tinh xảo trong kỹ thuật, đồng thời mang tới hiệu ứng về sự huyền ảo, linh thiêng.
“Theo tôi, triển lãm của Bùi Thanh Tâm - một trong những nghệ sĩ có tác phẩm đáng xem nhất hiện nay - chính là một bước ngoặt rất lớn trong con đường nghệ thuật của anh. Đó là bởi, tất cả tác phẩm trong triển lãm này đều hoàn toàn khác các tác phẩm trước đây, không ở góc độ hình ảnh, mà còn ở góc độ bản thể học”, nhà giám tuyển, phê bình nghệ thuật Như Huy nhận xét.
Lựa chọn của Bùi Thanh Tâm đối với các chất liệu dân gian giờ đây không còn đơn giản chỉ là hoài niệm về nghệ thuật truyền thống hay niềm khích lệ cho sự giữ gìn, phát triển nghệ thuật dân gian nữa. “Những làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ Kim Hoàng (còn gọi là tranh đồ họa in khắc), hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc… đã có từ lâu đời trong dòng chảy văn hóa Việt, trở thành biểu tượng văn hóa dân gian của người Việt. Tôi, một họa sĩ Việt, thực hành việc chắp ghép những tinh túy, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào một định dạng mới trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt”, họa sĩ Bùi Thanh Tâm nói.
Cách tiếp cận mới
Nhà nghiên cứu phục chế về văn hóa dân gian Thu Hòa, người sát cánh với Bùi Thanh Tâm, khẳng định các tác phẩm trong giai đoạn này của Tâm không đơn thuần là cuộc dạo chơi với chất liệu dân gian mà là hành trình thay đổi về nhận thức. “Trước đây, tôi khai thác đề tài một cách trực diện vào yếu tố hình khối, ngôn ngữ hiện đại. Đến giai đoạn này, tôi muốn phát triển về chiều sâu nội tâm hơn và đi sâu vào yếu tố thực hành nghệ thuật. Tác phẩm khi hoàn thành vẫn phải kích thích thị giác, gây hiệu ứng cho người xem, nhưng chứa nhiều ý niệm, người xem phải đào sâu hơn”, họa sĩ trẻ chia sẻ.
Sự kết nối, đan xen tưởng chừng rất hỗn loại giữa quá khứ và đương đại, giữa truyền thống và cách tân, giữa Âu và Á được dẫn dắt bởi một cái đầu rất “sáng” đã tạo tầng tầng, lớp lớp ý nghĩa trong mỗi tác phẩm. Có lẽ vì thế mà bộ sưu tập mới này đã khiến họa sĩ trẻ vốn nổi tiếng là vẽ nhanh, bán tranh cũng nhanh, nhiễm lối sống chậm, biết lắng lại để hiểu và cảm nhận. Bùi Thanh Tâm đã dành cả chục năm để nghĩ, 3 năm tiếp đó để kết nối với các nghệ nhân tranh dân gian, các nhà phục chế…, để mỗi ngày miệt mài xây đắp nên bộ sưu tập đầy cá tính.
Không chỉ đầu tư kiếm tìm tác phẩm tranh dân gian của Việt Nam bị lưu lạc ở nước ngoài đưa về nước mà Bùi Thanh Tâm còn luôn đau đáu nuôi dưỡng ước mơ đưa tranh dân gian đến bạn bè, đặc biệt là đến người yêu nghệ thuật theo một cách tiếp cận mới, tươi trẻ mang dấu ấn của thời đại. Bởi Tâm nhận thức rõ: “Trong thế giới hiện đại, mọi thứ luôn thay đổi rất nhanh chóng và nghệ thuật cũng nằm chung với quy luật đó. Nghệ sĩ phải luôn cập nhật thông tin và hiểu rõ xu hướng nghệ thuật của thế giới, từ đó mới có thể sáng tác, hòa chung, bắt kịp với thời đại”.
Song, Bùi Thanh Tâm vẫn luôn đau đáu về một triển lãm mới ở nước ngoài. Đó là cách anh đã từng làm, từng rất thành công khi nhiều tác phẩm lọt vào mắt xanh của nhiều nhà sưu tập quốc tế khi tham dự các hội chợ nghệ thuật ở Hồng Công (Trung Quốc), Mỹ, Hà Lan… Bùi Thanh Tâm tin rằng, với cách “khoe” hội họa dân gian theo một cách rất mới, sẽ tạo nên một dấu ấn mới với quốc tế.