Hình ảnh Bác Hồ trong mỗi công trình, việc làm hữu ích
Để đến “Công viên 600”, chúng tôi theo đường Phạm Hùng (quận 8, TPHCM) rẽ trái vào đường Tạ Quang Bửu. Đi thêm hơn 200m, gặp người đàn ông đứng bên đường, chúng tôi hỏi: “Đường nào về Công viên Tạ Quang Bửu ạ?”. “Công viên 600 phải không, rẽ phải đến cuối đường Võ Liêm Sơn là tới”.
Khu dân cư Tạ Quang Bửu được đầu tư xây dựng trên khu đất trước kia là “Đồng Diều quận 8”. Khu dân cư khang trang, sạch đẹp với những con đường có nhà cao, rợp bóng mát. Dừng xe trước một công viên có không gian rộng thoáng, tranh tượng, bảng hiệu rực sắc màu, chúng tôi hỏi một người phụ nữ đang thong dong thả bộ: “Công viên 600 phải không chị?”. “Đúng rồi, sao anh biết? Khu này trước kia là bãi đất trống được 3 bên, gồm UBND phường 4, chủ đầu tư dự án và cư dân bàn bạc xây dựng “Công viên Văn hóa Hồ Chí Minh”, kinh phí là 600 triệu đồng. Từ đó một số người hay gọi “Công viên 600”, chứ thực ra là Công viên Tạ Quang Bửu”, người phụ nữ nói. Mỗi tấm áp phích, mỗi bức tranh, biểu tượng cổ động, câu nói của Bác được đóng treo trên những hàng cột trong công viên đều mang giá trị tinh thần và những việc làm ý nghĩa vì dân, vì nước mà Bác để lại cho thế hệ hôm nay, được cư dân trong khu dân cư chọn đặt, tự tay làm. Những tấm áp phích gắn treo ảnh Bác kèm hàng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo Việt Nam”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân”…, gây ấn tượng cho cư dân mỗi ngày đến công viên thư giãn, đọc sách, tập thể dục.
TP Thủ Đức cũng có cách làm sáng tạo trong thực hiện các công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, qua việc tạo dựng 77 khối đá mỹ thuật có khắc các câu nói, lời dạy, các bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại 19 công viên, đường sách, nơi công cộng trên địa bàn các phường. Trong đó, nổi bật là Công viên Văn hóa Hồ Chí Minh tại khu phố 8, phường Hiệp Phú, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, truyền thống, lịch sử, giới thiệu hình ảnh, tư liệu, câu chuyện về Bác đến các giới đồng bào, các em học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Để ghi nhớ lời dạy của Bác, các đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và cán bộ, công chức phường 8 (quận 10, TPHCM) chỉ nhau cách cài đặt hình nền điện thoại là lời dạy của Bác, để dù ở thời khắc nào trong ngày cũng luôn dặn mình không ngừng làm theo lời Bác dạy. Các thiết kế nội dung được thay đổi theo tuần. Rồi từ cán bộ, đảng viên có thể lan tỏa đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng làm theo. Cũng tại phường 8, trong năm qua đã ra mắt các “Tuyến hẻm Văn hóa Hồ Chí Minh” - nơi hội tụ 16 tiêu chí của các công trình, phần việc theo các chủ đề như: văn minh, hiện đại, hệ thống chính trị vững mạnh, camera - an ninh trật tự, mảng xanh thân thiện... Trong đó, có các chỉ tiêu theo các tiêu chí như: 100% hộ dân có giá treo cờ đồng bộ, 100% hộ dân thực hiện phân loại rác, 100% hộ dân đạt chuẩn gia đình văn hóa; 100% người dân có chữ ký số và tham gia dịch vụ công trực tuyến...
Một câu chuyện khác làm chúng tôi rất xúc động. Cầm trên tay tấm ảnh Bác Hồ, ông Trịnh Phi Long (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM, cựu tù Côn Đảo) nghẹn lời nhắc lại với chúng tôi giây phút sáng mùng 1-5-1975, khi nghe tin miền Nam đã giải phóng, hơn chục người trong phòng giam số 7 cùng hô to: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”. “Lúc ở trong tù không có ảnh Bác, nhưng hình ảnh Bác luôn ở trong tim chúng tôi. Cho đến những năm sau này, dù ở trong hoàn cảnh nào, hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn là sức mạnh, động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách…”, ông Trịnh Phi Long bày tỏ.
Trong số 4.580 công trình, mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng, khối doanh nghiệp có 286 mô hình, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian có 242 mô hình, trụ sở các cơ quan, đơn vị, tổ chức có hơn 1.500 mô hình; tại các chung cư, khu nhà trọ, khu dân cư, các trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, trường học, nhà văn hóa, công viên trên khắp địa bàn các quận, huyện và TP Thủ Đức có hơn 2.000 công trình, mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
Truyền giữ giá trị di sản trong từng cộng đồng
Trong chương trình hành động thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện và TP Thủ Đức đều hướng đến mục tiêu biến các giá trị di sản Văn hóa Hồ Chí Minh thành sản phẩm tinh thần vững bền, truyền giữ trong từng cộng đồng và mỗi người dân. Từ đó, tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, ghi nhắc thành dấu ấn, tôn tạo, phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào đời sống, trở thành sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước.
Trong đó, huyện Nhà Bè xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia đầu tư, xây dựng các thiết chế, hoạt động văn hóa - nghệ thuật cho các loại hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên từng địa bàn dân cư. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị cho thiết chế văn hóa đặc biệt này ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn trong đông đảo nhân dân, cũng như du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến TPHCM.
Cũng với hướng triển khai này, Thành ủy TP Thủ Đức dành hẳn tuyến đường đẹp nhất mang tên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Tư xây dựng Đường sách Thủ Đức, với các cụm tranh tượng được khắc trên các phiến đá hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ xen lẫn với hàng chục gian hàng sách của các nhà xuất bản lớn có nhiều bộ sách quý về Bác Hồ. “Không gian văn hóa đọc được gắn với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đã nhân lên giá trị tinh thần của di sản Văn hóa Hồ Chí Minh, góp phần truyền giữ lâu dài đến các giới đồng bào và mọi người dân”, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Minh Tài chia sẻ.
Quận ủy quận 6 thì cụ thể hóa các câu chuyện và lời dạy của Bác Hồ về đạo đức cách mạng, công tác xây dựng Đảng, gần dân, tinh thần, trách nhiệm chăm lo quyền lợi của nhân dân, về cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư thành các tiêu chí chuẩn mực đối với toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị để ghi nhớ, học tập, làm theo mỗi ngày.
Ở chuyên mục Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chúng tôi ghi nhận được có rất nhiều công trình, mô hình được đánh giá là nơi cung cấp các dữ liệu về các tác phẩm văn học, nghệ thuật và âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn học… có tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc mang tính chất học tập Bác. Đây được cho là kho chất liệu quý để các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ công chúng.