Sức sống bất diệt

Từ trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt cho đến giai đoạn hậu chiến hay thời bình, âm hưởng anh hùng ca vẫn chảy mạnh mẽ trong những bộ phim cách mạng của điện ảnh Việt Nam. Nhiều trong số đó đã trở thành kinh điển.

1. Chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, Nổi gió (năm 1966) được xem là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng tái hiện cuộc chiến tranh Việt Nam với bối cảnh ở miền Nam. Chị Vân (Thụy Vân đóng) là một chiến sĩ cách mạng đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong khi em trai - Trung úy Phương (Thế Anh đóng) là một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng hòa, người trở về làng để huấn luyện binh sĩ, tiêu diệt những người cộng sản. Sự lựa chọn đó khiến chị em không nhìn mặt nhau, dù họ vẫn còn giữ sự lưu luyến của tình ruột thịt. Một trong những trường đoạn gây ấn tượng mạnh nhất của bộ phim Nổi gió là hình ảnh chị Vân hiên ngang đứng giữa hai hàng lính Cộng hòa, hai tay chị vươn cao, đẩy hai hàng súng lưỡi lê ra hai bên và thuyết phục họ từ bỏ việc tập trận trên mảnh đất quê hương: “Các anh cũng biết là đồng ruộng cần nước chứ đâu cần máu của đồng bào?”. Đây là một trong những câu thoại ấn tượng và thành công nhất của Nổi gió.

dienanh.jpg
Cảnh quay nhân vật Vân bị địch tra tấn đốt mười đầu ngón tay trong phim Nổi gió

Nổi gió là bộ phim đầu tiên trong 3 bộ phim đoạt giải Bông sen vàng của đạo diễn Huy Thành (hai bộ phim sau là Về nơi gió cát, Xa và gần). Chất anh hùng ca khiến Nổi gió gây ấn tượng mạnh mẽ từ khi ra đời. Gần 60 năm trôi qua, đây vẫn được xem là một trong những tượng đài của dòng phim cách mạng…

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm dài 2 tập với thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ và được thực hiện trong những ngày tháng gian khổ, giai đoạn quân đội Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam (1972). Bộ phim có tầm vóc của một thiên sử thi đồ sộ về cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Đó là cuộc đối đầu giữa nhân dân làng cát của một xã ven biển Gio Linh, do chị Dịu (Trà Giang) đứng đầu, với quân đội của Việt Nam Cộng hòa, do viên chỉ huy Trần Sùng (Lâm Tới) cầm đầu, ở ngay giới tuyến tạm thời. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm tô đậm thêm tính anh hùng ca của cuộc chiến tranh vệ quốc bằng ngôn ngữ điện ảnh, với những đại cảnh hoành tráng lẫn số phận của những con người đặc biệt, ở cả hai phía chính diện và phản diện. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm phần nào giống bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam - Chung một dòng sông, đều chọn con sông Bến Hải và bà con nhân dân ở hai bờ giới tuyến bị ngăn cách Nam - Bắc sau Hiệp định Genève 1954 làm đề tài xuyên suốt. Nhưng nếu Chung một dòng sông (1959) vẫn còn nhiều sơ khai, non nớt của điện ảnh cách mạng buổi đầu thì Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã biến đề tài này thành một tác phẩm điện ảnh vừa khốc liệt vừa bi tráng, mang dáng dấp một thiên sử thi của nghệ thuật thứ bảy.

2. Là một trong vài bộ phim truyện hiếm hoi tính đến nay của điện ảnh Việt Nam giành giải thưởng cao nhất tại liên hoan phim (LHP) quốc tế danh giá hàng đầu thế giới (Huy chương vàng LHP Moscow 1981), sau hơn 40 năm, Cánh đồng hoang (1979) vẫn xứng đáng là một trong những bộ phim kinh điển nhất của Việt Nam. Đó cũng là một trong số hiếm phim Việt thể hiện được vẻ đẹp gần như hoàn hảo từ kịch bản đến đạo diễn, từ quay phim đến âm nhạc, đặc biệt nhất là diễn xuất của hai ngôi sao điện ảnh một thời: Lâm Tới và Thúy An.

Cánh đồng hoang là bộ phim chiến tranh thể hiện tinh thần “dựa vào sức dân mà đánh Mỹ”, một bản anh hùng ca của chiến tranh du kích, tạo nên đối lập giữa sự thô sơ và vũ khí hiện đại. Những thông điệp có phần tuyên truyền này được lồng ghép trong một câu chuyện giản dị đầy sức sống, tạo nên một tác phẩm vừa trữ tình vừa bi tráng với những chi tiết độc nhất vô nhị. Đó chính là nguyên nhân khiến Cánh đồng hoang trở thành một kiệt tác!

Bộ phim đưa người xem vào không gian rất giản dị và tự nhiên, thể hiện được tinh thần hồn hậu, hào sảng của người dân Nam bộ. Màn hò hát đối vừa chòng ghẹo vừa giao duyên giữa Ba Đô (Lâm Tới đóng) và Sáu Xoa (Thúy An) là nét duyên dáng và hài hước của người nông dân Đồng Tháp Mười sống trên sông nước. Nhưng họ không chỉ là một cặp vợ chồng nông dân bình thường, mà họ còn làm nhiệm vụ giao liên, che chở và đưa cán bộ cách mạng qua cánh đồng hoang, tránh sự bố ráp của trực thăng Mỹ.

Đạo diễn Hồng Sến là bậc thầy kể chuyện đầy tinh tế, làm bật lên được sự đối lập trong một cuộc chiến không cân sức. Sự đối lập dữ dội giữa hai thái cực sinh tử được thể hiện trong một đoạn phim xuất sắc nhất của dòng phim chiến tranh Việt Nam: trước sự nguy hiểm cho tính mạng của đứa con, Ba Đô cho đứa con vào túi ni lông và dìm xuống nước đợi cho máy bay Mỹ rời khỏi. Đây là cảnh quay thật hoàn toàn. Niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ, đời sống sinh hoạt mùa nước nổi của vùng Đồng Tháp Mười được đặc tả một cách trọn vẹn, khiến bộ phim không đơn thuần chỉ là một bộ phim chiến tranh Việt Nam, mà còn là một tác phẩm mang đậm tinh thần và vẻ đẹp của con người Việt Nam một thời.

3. Ngoài 3 tác phẩm kinh điển nói trên, điện ảnh cách mạng còn có rất nhiều tác phẩm khác tô đậm thêm chất anh hùng ca của quân và dân Việt Nam trong những năm tháng ác liệt ấy, như Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Đường về quê mẹ… Ngay cả khi chiến tranh kết thúc, nhiều tác phẩm anh hùng ca vẫn tiếp tục được điện ảnh Việt Nam khai thác trong những năm hậu chiến như Mùa gió chướng, Mùa nước nổi, loạt phim 4 tập Biệt động Sài Gòn thu hút tới hàng triệu lượt khán giả. Sức sống của những bộ phim chiến tranh, hay cách mạng này được nối dài theo năm tháng, từng là mạch cảm hứng chủ đạo của điện ảnh Việt Nam một thời.

Những năm gần đây, dòng phim điện ảnh cách mạng Việt Nam thưa dần, nhưng vẫn có một số tác phẩm gây được ít nhiều tiếng vang, như Mùi cỏ cháy, hay Những người viết huyền thoại. Và khi cả nước sôi sục dòng ký ức của những ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên một lần nữa lấy cảm xúc khán giả bằng những bối cảnh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ tại quê hương Củ Chi đất thép thành đồng… Và điều khán giả chờ đợi chắc chắn không chỉ là những con số. Trong thế giới của nghệ thuật thứ bảy, chiến công không được đo bằng những số liệu, chủ nghĩa anh hùng trên màn ảnh là những hình tượng nhỏ nhoi nhưng có sức sống mãnh liệt, là sự ước lệ trong từng chi tiết, khoảnh khắc… Từ những bộ phim cách mạng kinh điển, chúng ta học được điều đó. Rồi đây những bộ phim nối dài mạch cảm hứng chủ đạo này sẽ cho thấy, nếu biết cách tôn vinh những giá trị của dân tộc, những bộ phim lịch sử vẫn có một sức sống bền bỉ trong dòng chảy phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục