Duy trì khuyến mãi
Sáng mùng 6, chị Nguyễn Thị Yến (quận Gò Vấp) đến mua sắm lần thứ 2 tại Emart gần nhà. Sau khi chốt đơn hàng hơn 1 triệu đồng, chị nhận xét, giá cả các mặt hàng tại đây từ trước tết đến giờ vẫn ổn định, với nhiều chương trình giảm giá, tặng quà… Lượng khách không đông như các năm trước nên không có cảnh chen lấn, xếp hàng chờ tính tiền.
Đó là tình cảnh diễn ra tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op, MM Mega Mart, Satra, Aeon, BigC... Không khí mua sắm khá bình lặng so với các năm trước. Dù vậy, lượng hàng hóa rất đa dạng, phong phú, đầy ắp trên quầy kệ với giá cả bình ổn như trước tết cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu. Thống kê sơ bộ cho thấy, người dân chỉ mua sắm các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt heo… với sức mua khoảng 50% so với ngày thường.
Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ tham gia chương trình bình ổn thị trường, ngoài cam kết không tăng giá bán trước, trong và sau tết 1 tháng, còn tăng cường khuyến mãi đến hết mùng 10 Tết.
Ít đi chợ
Các chợ truyền thống như Bến Thành, Thị Nghè, Bình Triệu, Bà Chiểu... đã mở cửa trở lại nhưng lượng khách đến mua sắm chỉ lác đác. Hàng hóa đều có đủ và duy trì mức giá ổn định, thậm chí giá một số loại trái cây cúng dịp tết đã giảm. “Năm nay, khách du lịch nước ngoài không đến do dịch bệnh nên tiểu thương mở cửa bán lại chỉ đạt 30% công suất trong số 1.500 sạp. Khách chủ yếu mua thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi sống. Các gian hàng quần áo, mỹ phẩm, giày dép khá thưa thớt”, Trưởng BQL chợ Bến Thành Ngô Văn Hà cho biết.
Tương tự, Trưởng BQL chợ Bà Chiểu Huỳnh Thanh Trường thông tin, chỉ khoảng 30% trong số 1.300 sạp mở lại nhưng chủ yếu cung ứng hàng thiết yếu, rau củ quả và hàng tươi sống. Nguyên nhân khiến sức mua không sôi động như các năm trước là do tác động của dịch bệnh, người dân siết chặt chi tiêu và chuyển qua mua sắm trực tuyến.