Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7-2018 ước tính đạt 371.500 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 6 và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 277.100 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,6% và 14%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 45.900 ngàn tỷ đồng, tăng 2,1% và 6,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 2,3% và 9,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 1% và 17,4%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.493.400 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,98%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm nay ước tính đạt 1.875.000 tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,6%; may mặc tăng 12,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,3%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,3%; phương tiện đi lại tăng 10,4%.
Một số địa phương có mức tăng khá là Thái Nguyên tăng 13,3%, TPHCM tăng 12,8%, Thanh Hóa tăng 12,8%, Lâm Đồng tăng 12,7%, Bình Định 12,4%, Bắc Giang tăng 12,3%, Hà Nội tăng 12,2%, Nam Định tăng 12,2%. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sức mua trong những tháng cuối năm 2018 sẽ còn tăng cao nhiều hơn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất chủ động đẩy mạnh kế hoạch sản xuất.