Theo nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ Phước Long (quận 9); Bà Chiểu, Thanh Đa (quận Bình Thạnh); Thủ Đức (quận Thủ Đức)…, sức tiêu thụ hàng hóa trong thời gian qua đã giảm ít nhất 30%-50% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lượng bán ra sụt giảm, song mỗi tháng tiểu thương vẫn phải chi trả tiền thuê lô sạp, chi phí điện nước, thuế… nên rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Mai, một tiểu thương bán đồ tươi sống ở chợ Thanh Đa, cho biết kể từ khi dịch bệnh xảy ra tới nay, lượng hàng bán ra tại sạp của chị đã sụt giảm khoảng 50%. Lý giải nguyên nhân, chị Mai cho hay, người tiêu dùng ngại tới nơi đông người và chuyển qua đặt hàng của các siêu thị qua điện thoại, Zalo… nên ít đi chợ thường xuyên hơn.
Theo một số ban quản lý chợ trên địa bàn, hiện các chợ chủ yếu chỉ tập trung đông đúc vào buổi sáng và thưa thớt vào thời gian còn lại trong ngày. Nguyên nhân sụt giảm là do người dân có tâm lý ngại đến nơi đông người, đồng thời tuân thủ các khuyến cáo từ cơ quan chức năng nên chủ động giảm hoạt động mua sắm và hạn chế đi ra ngoài. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của ngày càng nhiều tiểu thương và những người buôn bán hàng lưu động, sẵn sàng phục vụ tận nhà người dân. Ngoài ra, tình trạng họp chợ tự phát tại một số tuyến đường xung quanh các chợ truyền thống là sức ép cạnh tranh quá lớn đối với tiểu thương buôn bán trong chợ.
Trong bối cảnh trên, tiểu thương một số chợ như An Đông (quận 5), Tân Định (quận 1)… đã gửi kiến nghị tới cơ quan thuế bày tỏ mong muốn được giảm thuế trong vòng 6 tháng, kể từ tháng 2-2020. Mức giảm thuế khoảng 50%/tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế được cơ quan thuế thành phố phản hồi là rất khó. Bởi hiện nay theo quy định, cơ quan thuế phải qua số liệu xác minh, kiểm tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu đã khoán thì mới xác định lại doanh thu cho cá nhân kinh doanh.