Tập trung mua hàng thiết yếu
Cuối tuần, một số trung tâm thương mại như SC Vivo City (quận 7), Vạn Hạnh Mall (quận 10), AEon Mall Tân Phú (quận Tân Phú)… có lượng khách mua sắm ổn định, dù là cao điểm diễn ra sự kiện “Black Friday” với nhiều chương trình giảm giá. Trong đó, quần áo thời trang, giày dép các loại thuộc nhiều thương hiệu giảm từ 20%-70%, một số nơi giảm tới 80%… Chị Ngọc Anh (ngụ quận Tân Phú) chọn mua hàng ở AEon Mall Tân Phú cho hay: “Nhiều loại hàng hóa giảm giá đậm từ 50%-70%; còn các thương hiệu như Uniqlo, Gumac, Marc, Nike… giảm từ 15%-30%, tùy loại”.
Đoàn khách Trung Quốc tham quan, mua sắm tại chợ An Đông (TPHCM), chiều 25-11-2023 |
Phân tích của một số doanh nghiệp cho thấy, người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn mua sắm hơn, cả trực tiếp lẫn trực tuyến, với mức ưu đãi hấp dẫn. Chưa kể, các chương trình giảm giá thường kéo dài, nối tiếp nhau chứ không tập trung vào một dịp nhất định nên khách hàng có tâm lý chờ giảm giá sâu hơn để mua. Anh Nguyễn Minh Anh (ngụ quận 3) chia sẻ, thay vì dồn tiền “săn” hàng giảm giá một lần thì anh sẽ mua rải rác quanh năm. Thấy thương hiệu nào giá tốt, giảm sâu, anh sẽ trích tiền lương mua vài món.
“Thói quen này được tôi áp dụng từ đầu năm 2022, còn trước dịch Covid-19, tôi chi tiêu mạnh tay từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/đơn hàng. Giờ bớt rồi, thu nhập ít hơn, buộc phải chi tiêu gói ghém lại”, anh Minh Anh nói. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hóa mỹ phẩm cao cấp nhập khẩu tiết lộ, mặc dù giảm giá “hết nấc”, nhưng đợt khuyến mãi “Black Friday” vừa qua doanh thu không được như kỳ vọng; sức mua tăng khoảng 50% so với bình thường, nhưng trị giá đơn hàng cũng chỉ tăng chưa tới 10%.
Trong khi đó, đối với nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, sức mua tăng đáng kể. Một số siêu thị như MM Mega Market, Emart (quận Gò Vấp); GO!, BigC (quận 10, quận Bình Tân) xác nhận, lượng khách mua sắm tập trung vào các mặt hàng chế biến sẵn, rau quả, hàng tươi sống… Tại một số siêu thị, nhóm thực phẩm chế biến sẵn giảm giá từ 40%-60%. Chị N., nhân viên bán hàng tại hệ thống Emart Gò Vấp, thông tin, hàng tiêu dùng thiết yếu (trứng, sữa, hàng tươi sống các loại) luôn được khách quan tâm và mua sắm nhiều vào dịp cuối tuần.
Nỗ lực giữ giá ổn định
Góp phần thúc đẩy sức mua cuối năm, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các hệ thống bán lẻ, phối hợp cùng các địa phương trên cả nước cung ứng nguồn hàng chất lượng, giá ổn định cho người tiêu dùng TPHCM. Năm nay, lượng hàng hóa bình ổn giá tiếp tục chiếm từ 25%-43% nhu cầu thị trường, nhằm phục vụ cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, cung ứng ra thị trường mỗi tháng khoảng 70 triệu trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn hải sản, 2.000 tấn dầu ăn…
Khách mua hàng khuyến mãi dịp “Black Friday” tại AEon Bình Tân, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Bà Phạm Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SATRA), cho hay, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp và ký cam kết không tăng giá, đảm bảo nguồn hàng chất lượng, ổn định trước, trong và sau tết. Dự kiến, tổng giá trị hàng hóa dự trữ cho 2 tháng trước và sau tết của hệ thống bán lẻ này là trên 550 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp bán lẻ thừa nhận, xu hướng tiêu dùng hiện tại có nhiều thay đổi, nên cách tiếp cận và cung ứng đến “tận tay” khách hàng sản phẩm vừa túi tiền, ưu đãi kèm kiểu “mẹ bồng con” rất quan trọng.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market Việt Nam, nhìn nhận, sức mua cuối năm còn là ẩn số, nhưng doanh nghiệp này vẫn kỳ vọng mãi lực Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sẽ tăng đáng kể, từ 20%-30% so với cùng kỳ. Để cải thiện sức mua, MM Mega Market đang triển khai bình ổn giá, tung ra thị trường các giỏ quà tết có mức giá phù hợp phục vụ khách công ty, xí nghiệp cũng như khách lẻ... Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam, cũng đánh giá, người tiêu dùng quan tâm chọn mua sản phẩm có giá thấp, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.
Chính vì thế, Central Retail Việt Nam mở rộng nhiều sản phẩm, ngành hàng với khuyến mãi đa dạng. Từ đầu năm, hệ thống đã triển khai “1.000 sản phẩm giá luôn luôn rẻ hơn”, áp dụng “Mua nhiều tiết kiệm nhiều”… Theo các chuyên gia, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu là xu hướng chung hiện nay và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua. Về lâu dài, các doanh nghiệp bán lẻ, nhà sản xuất… cần bắt tay nhau chặt chẽ hơn thông qua các chương trình ưu đãi, giảm giá thực chất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường tiêu dùng hơn 10 triệu dân ở TPHCM nói riêng và khoảng 100 triệu dân nước ta nói chung phải được xem là thị trường tiêu dùng nội địa mà doanh nghiệp cần chiến lược khai thác hiệu quả và bền vững.
Tổng mức bán lẻ 11 tháng hơn 634.636 tỷ đồng
Sở Công thương TPHCM đang cùng Sở Du lịch thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi lớn, kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm kết hợp các sự kiện lễ hội, vui chơi, giải trí…., mục tiêu thu hút lượng khách nội địa đầy tiềm năng cũng như dòng khách quốc tế đến TPHCM vào dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024. Thống kê của Sở Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ 11 tháng năm 2023 trên địa bàn TPHCM đạt trên 634.636 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.