Sức mua dần cải thiện
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 cả nước ước đạt 536,3 ngàn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giúp tổng mức bán lẻ duy trì đà tăng là do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 5.105 ngàn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Đánh giá tình hình khởi sắc của ngành bán lẻ trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, kết quả này có được do Chính phủ cùng lúc có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung, bán lẻ nói riêng.
Theo ông Đức, những chính sách nổi bật này gồm: giảm thuế VAT, nới lỏng visa du lịch, giảm lãi suất và đặc biệt là việc tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung đã tác động tích cực đến lĩnh vực bán lẻ, giúp doanh thu chung của toàn thị trường tăng trưởng. Để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phân phối hàng hóa, Bộ Công thương đã phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp, nhà sản xuất, hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, quảng bá thương hiệu sản phẩm vùng miền, đa dạng hóa kênh bán hàng. Đáng chú ý nhất là việc đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tăng tỷ trọng hàng Việt vào kênh bán lẻ cũng như các chương trình bình ổn thị trường ở khắp các địa phương trên cả nước.
Doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa cho mùa kinh doanh cuối năm |
Nắm bắt xu hướng, chuẩn bị sản phẩm giá tốt
Trong bối cảnh sức mua tăng trở lại, để đón đầu xu hướng này, các nhà kinh doanh, sản xuất hàng hóa cho biết đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho mùa kinh doanh cuối năm. Theo các doanh nghiệp, cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, phong phú thì tiêu chí giá cả ổn định, khuyến mãi sẽ được triển khai nhiều hơn. Trong đó, ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đã chuẩn bị nhiều sản phẩm mới, tiện dụng, giá cả phải chăng với tổng lượng tăng khoảng 20% so với ngày thường và sẵn sàng tung ra thị trường.
Theo doanh nghiệp này, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng các sản phẩm tại doanh nghiệp hầu như chưa tăng giá; thậm chí, còn giảm giá 5%. Tương tự, phục vụ mùa kinh doanh dịp tết sắp tới, Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, sẽ dành hơn 540 tỷ đồng để chuẩn bị gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống và 3.800 tấn thực phẩm chế biến đưa ra thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp còn thực hiện dự trữ 10-20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường.
“Tham gia vào chương trình bình ổn thị trường của thành phố, ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, công ty sẽ giảm giá tới 30% một số nhóm hàng hóa từ ngày 6 đến 9-2-2024 (từ ngày 27 đến 30 tháng Chạp), nhằm hỗ trợ cho người dân mua sắm dịp tết”, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết.
Riêng với ngành hàng điện tử, đồ gia dụng, nhiều doanh nghiệp cho biết, mặc dù sức mua chung của thị trường giảm, nhưng với ngành hàng mang tính mùa vụ, sản phẩm gia dụng thiết yếu vẫn đắt hàng. Đơn cử như sản phẩm điều hòa nhiệt độ, quạt tích điện, thiết bị làm mát, máy tính phục vụ học tập, nồi cơm điện, bếp điện... Đặc biệt, để kích thích tiêu dùng trong bối cảnh thị trường chung ảm đạm, nhiều nhà sản xuất đã phối hợp với nhà phân phối để “xả hàng” với mức giá ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn.
Nhận định chung thị trường cuối năm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, ngành bán lẻ sẽ phục hồi nhẹ và cải thiện rõ ràng hơn vào năm 2024. Những công ty dẫn đầu thị trường sẽ tiếp tục tăng thị phần sau giai đoạn giảm tốc; tăng trưởng dài hạn sẽ tập trung vào các phân khúc có độ phân mảnh và tiềm năng mở rộng cao.