Đến tham dự có ông Dương Quan Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến TPHCM; bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị - tù binh Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến TPHCM... cùng gần 700 sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, đoàn viên thanh niên quận 10.
Tại chương trình, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 10 Lâm Hùng Tấn chia sẻ, thời gian đã lùi xa, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Chúng ta mãi mãi khắc ghi công ơn to lớn của các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ…
Tại buổi giao, các bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên đã được giao lưu cùng hai nhân chứng lịch sử, những người con ưu tú của đất nước trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là Đại tá Trần Thịnh Tần, nguyên Trung đội trưởng thuộc Sư đoàn 312 được biệt phái sang Tổng cục Cung cấp làm công tác bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện là Trưởng ban Liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên tại TPHCM. Cùng với đó là Đại tá Hoàng Ngọc Thương, nguyên Phó Đại đội trưởng Đại đội pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hai chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã kể về những kỷ niệm bình dị trong chiến đấu, những câu chuyện trong việc bảo đảm trên trận tuyến hậu cần... Những câu chuyện đã minh chứng rằng, chính sự hội tụ ý Đảng, lòng dân cùng khát khao giải phóng dân tộc mãnh liệt là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam, giúp quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đặt nhiều câu hỏi với hai nhân chứng lịch sử, trong đó có câu hỏi về lý do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” (quyết định này được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị phê chuẩn).
Đại tá Hoàng Ngọc Thương chia sẻ, nếu vẫn theo phương châm tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh”, chúng ta sẽ phải chịu nhiều thương vong. Đồng thời, công tác chuẩn bị trên mặt trận chưa được hoàn tất, dẫn đến khó bảo đảm “chắc thắng”. Đại tá Trần Thịnh Tần tâm sự thêm: “Trong những ngày tháng luôn đối mặt với cái chết ấy, chúng tôi chưa bao giờ sợ hãi. Chúng tôi luôn nhớ đến lời Bác dạy “Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên” để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.
Hai chiến sĩ Điện Biên cũng nhắn nhủ tuổi trẻ - những người chủ tương lai của đất nước noi gương thế hệ đi trước, gìn giữ độc lập, tự do của đất nước và cố gắng học hành, dùng kiến thức của mình để xây dựng đất nước.