Từ trăn trở đến hành động
“Mấy nay buôn bán đỡ không chị Đỏ? Cho 2 ly cà phê nha chị”, vừa kéo chiếc ghế ngồi, ông Nguyễn Văn Sướng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường 9 (quận 4) nói lời hỏi thăm. Mỗi khi có khách hay gặp bạn bè, ông Sướng thường ghé quán nước nhỏ của bà Lê Thị Đỏ để ủng hộ. Chẳng phải vì cà phê quán bà ngon hơn các quán khác, mà vì ông muốn ủng hộ người đồng đội cũ.
Thường xuyên thăm hỏi nên ông Sướng biết bà Đỏ có ý định tìm đến “tín dụng đen” để trả một số khoản nợ vay. Vậy là ông bàn với ban chấp hành hội trích quỹ giúp nhau làm kinh tế của hội cho bà Đỏ vay không lãi suất. Nhờ đó, bà Đỏ xoay trở được nhiều việc mà không phải tìm đến “tín dụng đen”.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là người nghèo, người buôn bán nhỏ. Lo lắng bà con vướng vào “tín dụng đen”, ông Sướng cùng các CCB phường tìm hiểu các trường hợp khó khăn và tìm cách hỗ trợ. Từ số tiền ít ỏi của nguồn quỹ hội, các CCB phường cho những trường hợp cần kíp vay không lãi suất. Ngoài ra, ông Sướng cùng các CCB phường 9 giới thiệu, tạo điều kiện để hội viên, đồng đội cũ, người khó khăn tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, từ đó có vốn làm ăn, ổn định cuộc sống. Từ sự sâu sát, gương mẫu của người lính Cụ Hồ, ông Sướng cùng các CCB phường trở thành lực lượng nòng cốt trong vận động chăm lo, kêu gọi người dân chung tay phòng chống dịch cũng như cảm hóa nhiều mảnh đời lạc lối.
Hiểu khó khăn của người dân do dịch Covid-19 gây ra, nhất là trẻ mồ côi, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) Huỳnh Tấn Khương tổ chức chương trình “Đồng hành cùng em tới trường”, trao 83 máy tính bảng, 257 phần quà dụng cụ học tập để các em mồ côi do dịch bệnh có phương tiện học tập, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Đó là một trong rất nhiều chương trình ý nghĩa mà anh Khương cùng đoàn viên EVNHCMC chung tay thực hiện trong cao điểm dịch Covid-19. Phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên, với phương châm “lấy chuyên môn làm tình nguyện, lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng”, anh Khương đã xây dựng và Đoàn TNCS EVNHCMC thực hiện nhiều chương trình thiết thực. Nổi bật là công trình “Chung tay sử dụng năng lượng xanh” đã lắp đặt 43 hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà cho nhiều trường học, trường dạy trẻ em chuyên biệt, mái ấm, nhà thiếu nhi tại thành phố, với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng.
Qua các chiến dịch tình nguyện, tuổi trẻ của Đoàn EVNHCMC còn mang chuyên môn đến những miền xa để phục vụ người dân tại một số tỉnh khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và nước bạn Lào. Là thủ lĩnh thanh niên của đơn vị, anh Huỳnh Tấn Khương chia sẻ: “Từ những chuyến đi, chứng kiến những khó khăn của người dân nên tuổi trẻ đơn vị có sự trăn trở, từ đó biến ý tưởng thành hành động”.
Động lực vượt khó
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 “quét” qua TPHCM vô cùng tàn khốc. Những ngày đầu tháng 7, dịch bệnh dần ngấm sâu vào cộng đồng, ca nhập viện rồi chuyển nặng liên tục tăng. Tình hình đó đòi hỏi Sở Y tế TPHCM phải khẩn trương có các giải pháp vừa phòng chống dịch trong cộng đồng, vừa điều trị bệnh nhân sắp và đang chuyển nặng.
Là Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - phòng trụ cột tham mưu về phòng chống dịch và khám chữa bệnh, BS Nguyễn Thị Thoa đã cùng cán bộ, nhân viên y tế của phòng nắm thực tế, trách nhiệm trong từng phần việc để tham mưu sát sườn, phục vụ tốt nhất người bệnh. Nhờ đó, nhiều ý tưởng của BS Thoa và Phòng Nghiệp vụ Y đã được cụ thể hóa, triển khai trong phòng chống dịch. Chẳng hạn việc tham mưu thành lập, đưa vào hoạt động Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ; tham mưu xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TPHCM”, cùng nhiều phần việc khác trong công cuộc phòng chống dịch và các hoạt động khám chữa bệnh.
Ở “mặt trận” khác, ông Võ Tấn Khoa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh, miệt mài tìm các giải pháp hỗ trợ học trò khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Trung tâm hiện có hơn 200 cháu, trong đó nhiều trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những lúc rảnh, ông Khoa thường xuyên đi kiểm tra các lớp học, quan sát sự tiến bộ của từng cháu. Nhờ đó, ông kịp thời phát hiện những cháu chậm hòa nhập hơn các bạn để tìm cách hỗ trợ. Trong số những học trò của trường, có một số cháu khiếm thính, mất khả năng nghe nên các động tác bình thường bị chậm, nếu để lâu dài sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của các cháu. Giải pháp trước mắt là đeo máy trợ thính, nhưng gia đình các cháu khó khăn, không có khả năng mua thiết bị. Hiểu điều đó, ông Khoa vận động mạnh thường quân tặng máy trợ thính cho 10 cháu và hỗ trợ 9 tháng tiền ăn tại trường cho 15 cháu.
Trong từng câu chuyện ông Khoa chia sẻ, chúng tôi thấy rõ sự nhiệt tâm và tình thương dành cho những trẻ kém may mắn đang học tập tại ngôi trường này. Không chỉ làm tròn nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo các giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, ông còn có những giải pháp giúp các cháu phát triển tốt nhất.
Dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy một trẻ khuyết tật càng khó khăn trăm bề. Nhưng ông Khoa cũng như các thầy, cô giáo ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh luôn học Bác ở tình thương, tinh thần trách nhiệm, hết mình vì công việc. Nhìn các cháu tiến bộ mỗi cử chỉ mới thấy rõ sự nỗ lực của cả tập thể nhà trường, trong đó có giáo viên đứng lớp và cả người quản lý như ông Khoa. “Chỉ cần đi ngang qua, thấy các con vụng về vòng tay, miệng ngọng nghịu “con chào thầy”, cảm giác vui lắm. Chúng tôi lấy sự tiến bộ của các con, ánh mắt hạnh phúc của phụ huynh để làm động lực vượt qua mọi khó khăn trên con đường dìu trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống”, ông Khoa bày tỏ.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, sát đối tượng, gắn với thực hiện các nghị quyết của Trung ương, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đó giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm được người dân quan tâm. Nổi bật là tính tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở. Với vai trò Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Lệ luôn nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; lãnh đạo công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có chuyển biến tích cực, hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Sáng kiến “Kỳ họp ít giấy” được UBND TPHCM công nhận, đến nay đã qua 3 kỳ họp, tiết kiệm chi phí giấy, điện, máy, mực… gần 500 triệu đồng. Riêng đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND TPHCM khóa IX, giai đoạn 2019-2021” (được công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố năm 2019) đã mang lại hiệu quả thiết thực, đẩy lùi tính hình thức trong hoạt động giám sát của HĐND. Học Bác cách gần dân, lắng nghe dân, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp cùng cấp ủy đề ra nhiều giải pháp, tham mưu Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM lãnh đạo công tác dân vận. Nổi bật đã xây dựng chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp thành phố thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”; lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cuộc vận động thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU; chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc, nhiệm vụ phát sinh trong công tác dân tộc, tôn giáo, hỗ trợ các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật... |