Không gián đoạn
Đầu năm 2025, TPHCM hoàn thành sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã (80 phường thuộc 10 quận) thành 41 phường mới, giảm 39 phường, giảm hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách. Ngay sau khi sắp xếp, công việc ở các phường mới diễn ra bình thường, người dân không gặp khó khăn lớn liên quan đến giấy tờ do thay đổi đơn vị hành chính.
Đến UBND phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM (thành lập sau khi nhập toàn bộ phường 4, phường 7 vào phường 1) làm thủ tục trích lục khai sinh, bà Nguyễn Thị Thanh Dung (ngụ phường 4 cũ) chỉ mất khoảng 10 phút ngồi đợi và được nhận kết quả ngay.
Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp Dương Văn Kim cho biết, sau khi sáp nhập 3 phường, phường 1 có dân số trên 91.000 người. Phường ưu tiên tổ chức bộ phận một cửa tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân. Ông Dương Văn Kim khẳng định, người dân có thể thực hiện tất cả TTHC mà không gặp khó khăn nào.
Chủ tịch UBND phường 2, quận 6, TPHCM (thành lập sau khi nhập phường 5, phường 6 vào phường 2) Nguyễn Ngọc Thành cho hay, việc giải quyết TTHC cho người dân được thông suốt, không gián đoạn. UBND phường cũng thành lập tổ công tác chỉ đạo giải quyết TTHC trong thời gian đầu sáp nhập; đồng thời kiện toàn nhân sự bộ phận một cửa, cập nhật quy chế làm việc của bộ phận một cửa.
![Công chức Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức, TPHCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: THU HƯỜNG L4a.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rfnan/2025_02_12/l4a-5064-1894.jpg.webp)
Tại TP Hà Nội, sau khi hoàn thành sắp xếp 56 đơn vị hành chính cấp xã, mọi công việc của cán bộ, công chức diễn ra suôn sẻ; người dân được tạo điều kiện trong giải quyết các TTHC một cách gọn nhẹ.
Ông Nguyễn Khắc Chiều, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Xuyên (đơn vị mới của huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, được hợp nhất từ xã Mỹ Thành và xã Bột Xuyên), thông tin, sau khi hợp nhất, cán bộ, công chức của xã đều chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật và bắt tay ngay vào công việc được giao. Tại bộ phận một cửa, xã đã lắp đặt thiết bị, bố trí đầy đủ công chức phụ trách, bảo đảm giải quyết nhanh chóng các TTHC cho người dân...
Phường Trúc Bạch mới được sáp nhập từ phường Nguyễn Trung Trực và Trúc Bạch cũ. Ông Nguyễn Dân Duy, Bí thư Đảng ủy phường Trúc Bạch, cho biết, sau khi sáp nhập phường, khối lượng công việc gấp đôi so với thời gian trước. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn lực, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội; chăm lo chu đáo hơn đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, thông tin, sau khi có chủ trương sắp xếp, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành quán triệt sâu sắc, đầy đủ tinh thần sắp xếp bộ máy; tuyên truyền chủ trương đến cán bộ, công chức, viên chức; quán triệt cán bộ tích cực làm việc, không làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc, nhất là công việc liên quan đến người dân.
Gần 8.000 văn bản cần xử lý
Bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, cho biết, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy các cấp, các ngành, địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Các bộ, cơ quan ngang bộ đã rà soát 5.026 văn bản; địa phương rà soát 2.828 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Để đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước thông suốt, nhiệm vụ cấp bách là phải xử lý hệ thống văn bản pháp luật nêu trên.
Kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian
TP Thủ Đức (TPHCM) được thành lập từ năm 2021, hình thành từ việc sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp huyện của TPHCM (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức). Đây là thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước, được xem là một trong những điển hình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết 18).
Khi thực hiện sắp xếp, TP Thủ Đức đã giảm mạnh các đầu mối của 3 quận từ 36 phòng còn 12 phòng, giảm 205 biên chế (tỷ lệ khoảng 22%). Sau khi thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, TP Thủ Đức được thí điểm tổ chức bộ máy riêng, hình thành 15 phòng chuyên môn và 1 trung tâm hành chính công có chức năng hành chính.
Như vậy, TP Thủ Đức có 16 phòng chuyên môn. Dự kiến địa phương này tiếp tục giảm thêm 20% cơ quan Đảng và 15% cơ quan chính quyền theo dự thảo phương án sắp xếp chung của TPHCM.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp khẳng định, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tại TP Thủ Đức được thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18: một cơ quan thực hiện nhiều việc; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thực hiện chủ trương kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian, các địa phương đã cơ bản hoàn thành xong việc xây dựng phương án hợp nhất và đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.
Đơn cử tại tỉnh Quảng Ninh, cấp ủy, tổ chức Đảng cấp tỉnh thực hiện phương án sắp xếp theo hướng giảm 2 cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, 3 Ban cán sự, 7 Đảng đoàn; tăng 1 Đảng ủy trực thuộc tỉnh. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh thực hiện phương án theo hướng giảm 6 đầu mối cơ quan chuyên môn cấp sở và dự kiến giảm khoảng 25% số phòng sau hợp nhất. Quảng Ninh chỉ đề xuất giữ nguyên mô hình hoạt động của Đảng bộ Than Quảng Ninh (đặc thù riêng của địa phương) trực thuộc Đảng bộ tỉnh, còn lại thì thực hiện theo phương án chung của cả nước.
Hiện nay, Bộ Công an cũng thực hiện theo hướng giảm cấp trung gian ở địa phương, tăng cường cơ sở, sắp xếp lại lực lượng. Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện đề án, phương án về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Bộ Công an và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an các cấp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sớm có kế hoạch triển khai thực hiện theo hướng giảm cấp trung gian ở địa phương, tăng cường cơ sở, sắp xếp lại lực lượng.
PGS-TS LÊ MINH THÔNG - nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội:
Bộ máy Nhà nước phải được tổ chức tinh gọn, chuyên nghiệp hóa, nhằm thực hiện tốt chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mặt khác, phải tạo ra những chuyển biến thật sự tích cực trong mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước theo đúng phương châm Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước.
Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ; Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín đối với nhân dân.
PGS-TS TRẦN QUỐC TOẢN - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương:
Một trong những đặc trưng cơ bản của thể chế phát triển nhanh, bền vững là hệ thống tổ chức, bộ máy của Nhà nước (hệ thống chính trị) tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trách nhiệm giải trình cao; đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo. Để một đất nước phát triển nhanh, bền vững, lên một trình độ cao, phải dựa trên một thể chế phát triển đồng bộ giữa kinh tế - chính trị - xã hội - môi trường sinh thái. Trong đó có xây dựng thể chế nhà nước, bộ máy công quyền tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.