Sức mạnh từ sự đồng lòng, thông suốt - Bài 2: Chuyển động mạnh mẽ

Tinh giản bộ máy đã và đang trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị. Trong “cuộc cách mạng” này, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan phải thể hiện rõ sự gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”.

Khẩn trương và khoa học

Sau sắp xếp tinh gọn, bộ máy hệ thống chính trị TPHCM đã giảm 53 tổ chức Đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thành phố; 41 tổ chức đầu mối bên trong các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và 66 đơn vị ở cấp huyện. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM giảm từ 21 còn 15, các cơ quan hành chính giảm từ 8 còn 3, các đơn vị sự nghiệp công lập giảm từ 35 còn 32...

k3c.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM, cùng các quyết định nhân sự của ban. Ảnh: Việt Dũng

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, việc công bố các quyết định thành lập, kết thúc, giải thể tổ chức Đảng tại TPHCM là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của thành phố. Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, thành phố đã triển khai nghiêm túc, kịp thời, khẩn trương, đồng bộ bằng quyết tâm chính trị cao nhất. Trong đó, TPHCM vừa hoàn thành việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết 18), vừa triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị TPHCM đúng với yêu cầu và tiến độ đề ra, đảm bảo chặt chẽ, thận trọng, bám sát chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của thành phố.

Trong khi đó, TP Hà Nội sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương, giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 18 sẽ có những tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhưng là “quá trình bình thường của sự phát triển”.

Tiên phong từ Bộ Nội vụ

Bộ Nội vụ là 1 trong 10 bộ thực hiện hợp nhất. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu và là cơ quan thường trực của Chính phủ về tinh gọn bộ máy, vừa là bộ thực hiện hợp nhất nên ngay từ đầu, bộ xác định phải gương mẫu, tiên phong. Điều đầu tiên là phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để đội ngũ cán bộ, công chức của bộ sau khi hợp nhất yên tâm công tác, chấp hành và phát huy giá trị văn hóa cốt lõi của 2 bộ trước khi hợp nhất.

Mặt khác, Bộ Nội vụ chủ động xây dựng dự thảo tiêu chí đánh giá, phân loại, sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo nguyên tắc rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu, dễ làm trên cơ sở có thang điểm, đưa ra phương pháp, quy trình thực hiện một cách khách quan, công tâm, dân chủ, công khai và công bằng.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành nội vụ do Bộ Nội vụ tổ chức, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu công tác sắp xếp phải làm nhanh, khẩn trương nhưng phải rất khoa học. Đồng tình với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, ThS Lưu Đức Quang, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, “cuộc cách mạng” nào cũng cần sự quyết liệt, nhưng đồng thời phải duy trì sự cẩn trọng. Bởi bản thân việc tinh gọn bộ máy không phải là mục tiêu mà là phương tiện nhằm đạt được tính hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cao trong quản trị công.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Đại học Luật TPHCM, nhận định, việc tinh gọn bộ máy là điều tất yếu, là cơ hội để phát triển; đồng thời không còn việc dành quá nhiều thời gian, công sức, nguồn lực để quản lý bộ máy mà giảm sút sự đầu tư vào các quyết sách khác. TS Nguyễn Thị Thiện Trí cho rằng, việc này cần có lộ trình và đeo bám đến cùng, không dành phần lớn thời gian cho công cuộc tinh gọn bộ máy trong lúc này mà làm đình trệ các chính sách vận hành, quản lý nhà nước khác.

Thực hiện mục tiêu kép

Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất qua thực tiễn sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan của Đảng ở nhiều địa phương là các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy cần thống nhất rất cao về nhận thức, hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị; là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi có sự dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện đúng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo chủ trương chung của Trung ương, hoàn thành trong quý 1-2025, các tỉnh ủy, thành ủy và cơ sở đã tập trung triển khai rốt ráo, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong bối cảnh đó, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành một trong những địa phương tiên phong.

Theo phương án đã được thông qua, tỉnh Thái Nguyên sẽ giảm 2 cơ quan Đảng cấp tỉnh, 9 cơ quan Đảng cấp huyện; khối chính quyền sẽ giảm 6 cơ quan cấp tỉnh và 36 phòng cấp huyện. Để tạo nên sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao trong đội ngũ, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã trực tiếp tổ chức các cuộc họp, tiếp xúc cử tri và có các hình thức đối thoại với cán bộ, đảng viên để chia sẻ nhiều hơn về mục đích, ý nghĩa của công cuộc “đại phẫu” trong bộ máy.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc tinh gọn tổ chức bộ máy thực hiện mục tiêu kép là gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực. Do đó, tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả. Từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.

Việc này đòi hỏi sự đánh giá công tâm, khách quan, minh bạch của cấp có thẩm quyền và người đứng đầu của từng cơ quan, tổ chức. “Để các bộ, ngành, địa phương giải được bài toán nhân sự khi tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ đã có công văn định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính. Trong đó nêu rõ việc chọn lựa người đứng đầu cơ quan mới sau hợp nhất có thể là nhân sự ở trong hoặc ngoài cơ quan đó. Số lượng cấp phó có thể cao hơn quy định và giảm theo quy định trong thời hạn 5 năm”, bà Phạm Thị Thanh Trà thông tin.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Rút ra những bài học quý báu từ lịch sử

Thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 chứng kiến nhiều cải cách hành chính, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối và biên chế. Các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể được sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ, nhưng quá trình cải cách vẫn chưa triệt để, bộ máy vẫn còn cồng kềnh với chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, dẫn đến lãng phí và giảm hiệu suất.

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện Nghị quyết 18, việc tinh gọn đầu mối trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể được ưu tiên, với các sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã và giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập. Mặc dù đạt được một số kết quả, nhưng vẫn tồn tại tình trạng thiếu đồng bộ và tâm lý ngại thay đổi.

Để đảm bảo thành công và tính bền vững của lần sắp xếp bộ máy hiện nay, cần rút ra những bài học quý báu từ lịch sử. Đó là, cần tránh “hình thức hóa cải cách”. Các cải cách trước đây thường chỉ giảm đầu mối mà không giải quyết tận gốc vấn đề chức năng chồng chéo và cơ chế vận hành kém hiệu quả. Việc tái cấu trúc chức năng và cải thiện chất lượng hoạt động cần được nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sự minh bạch và đồng thuận là yếu tố then chốt. Việc sắp xếp bộ máy cần dựa trên cơ sở minh bạch và đạt được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và xã hội. Ngoài ra, ưu tiên con người và chất lượng. Bộ máy chỉ thực sự hiệu quả khi có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Kinh nghiệm cho thấy, cắt giảm biên chế mà không nâng cao chất lượng nhân sự sẽ dẫn đến trì trệ. Do đó, cải cách cần gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc cán bộ, cần giám sát và đánh giá liên tục.

Tin cùng chuyên mục