BCG cho biết, đến năm 2026, phụ nữ châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ nắm giữ khối tài sản trị giá 27.000 tỷ USD, nhiều hơn 6.000 tỷ USD so với phụ nữ Tây Âu. Tổng tài sản của phụ nữ ở châu Á đã vượt qua Tây Âu vào cuối năm 2021. Kể từ năm 2019, khối tài sản của phụ nữ châu Á đã tăng thêm 2.000 tỷ USD hàng năm. Tốc độ tăng trưởng cao này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong 4 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,6%.
Nghiên cứu của BCG dựa trên sự giàu có về tài chính, bao gồm quỹ đầu tư, bảo hiểm nhân thọ và lương hưu, cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết, cũng như vốn chủ sở hữu khác, tiền tệ và tiền gửi, trái phiếu và các tài sản tài chính khác. BCG đã loại Nhật Bản khỏi bản phân tích và cho biết, phụ nữ tại nước này chỉ nắm giữ một phần nhỏ tài sản quốc gia, thấp hơn nhiều so với các thị trường tương đương. Bên cạnh đó, tốc độ tăng tài sản của phụ nữ ở Nhật Bản cũng chậm hơn nhiều và chỉ ở mức 2,6%. Nghiên cứu tập trung vào Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Philippines, Singapore, lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc và Sri Lanka.
Từ trên xuống: bà Savitri Jindal, bà Kwong Siu-hing, bà Wu Yajun |
Theo Báo cáo Bình đẳng giới toàn cầu năm 2022, ở châu Á, phụ nữ dự kiến tích lũy được 74% tài sản mà nam giới tích lũy được khi nghỉ hưu. Bà Jenny Wang, chuyên gia cấp cao tại ngân hàng đầu tư HSBC, nhận định: “Phụ nữ giàu có ở châu Á đang ngày càng hiểu biết hơn về tài chính, tự tin và tích cực hơn trong các khoản đầu tư, cũng như biết cách quản lý và gia tăng tài sản hơn bao giờ hết”. Bà Jenny Wang cho biết, số lượng phụ nữ thuộc nhóm này ở châu Á đã tăng 14% kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Đáng chú ý, số lượng nữ tỷ phú ở châu Á đã tăng từ 13 người vào năm 2010 lên 92 người vào năm 2022. Theo số liệu của tạp chí Forbes tính đến cuối năm 2022, “bà trùm” ngành kim loại và khoáng sản người Ấn Độ Savitri Jindal (72 tuổi) là nữ doanh nhân giàu có nhất châu Á, sở hữu 17,6 tỷ USD. Lần lượt sau đó là bà Kwong Siu-hing (14 tỷ USD) và bà Wu Yajun (11,7 tỷ USD), cùng là người Trung Quốc. Bà Savitri hiện giữ chức Chủ tịch Tập đoàn O.P. Jindal, nhà sản xuất thép lớn thứ ba tại Ấn Độ. Doanh thu của tập đoàn này đã tăng gấp 4 lần kể từ khi bà đảm nhiệm quyền điều hành thay người chồng quá cố từ năm 2005.
Người phụ nữ giàu có thứ hai châu Á hiện nay là bà Kwong Siu-hing, chủ sở hữu tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Hồng Công mang tên SHK Properties. Trong khi đó, doanh nhân ngành bất động sản Wu Yajun từng 2 lần giữ danh hiệu Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới. Bà từng làm báo trước khi chuyển sang lĩnh vực bất động sản vào những năm 1990, sau đó đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Uber và Evernote. Hiện bà là nhà đồng sáng lập, chủ tịch, kiêm cựu giám đốc điều hành của Tập đoàn Longfor Properties.
Nghiên cứu của BCG cũng dự báo tài sản của phụ nữ toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng nhanh hơn tài sản của nam giới trong vòng 3 năm và tăng trưởng đó rõ rệt nhất ở châu Á. Đến năm 2025, phụ nữ châu Á sẽ chiếm 34,4% tài sản của khu vực, xấp xỉ mức 35% của phụ nữ ở Mỹ và châu Âu.