Sáng 26-4 - tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Thư, Nhật ký tiêu biểu viết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã được giới thiệu trong triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến”.
Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thần thánh của dân tộc Việt Nam, những lá thư, không chỉ đem đến sức mạnh nhiệm màu cho người lính ngoài mặt trận mà còn là niềm vui sống của người vợ, người mẹ nơi hậu phương.
Thư không còn là câu chuyện riêng tư, không đơn thuần chỉ là tình cảm của đôi lứa, gia đình, bè bạn mà ẩn chứa trong mỗi con chữ là tâm hồn, ý chí của cả một thế hệ. Mỗi lá thư là một minh chứng cho sức mạnh của tinh thần, của lý tưởng, niềm tin sắt son vào chiến thắng của chính nghĩa, của sự nghiệp giải phóng dân tộc…
Trong thư gửi mẹ của chị Võ Thị Tần, tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở Ngã Ba Đồng Lộc- Hà Tĩnh có đoạn: “Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.
Mỗi lá thư đều mang sức mạnh nhiệm màu không chỉ với người lính nơi chiến trường mà còn là nguồn sống vô giá với người hậu phương
5 ngày sau khi lá thư được gửi đi, trưa 24-7-1968, máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải, sau mỗi đợt bom chị Tần cùng 10 nữ thanh niên xung phong Tiểu đội 4 lại có mặt để san lấp hố bom, đánh dấu bom nổ chậm.
16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống sát miệng hầm nơi 10 cô gái của Tiểu đội 4 đang trú ẩn. Tất cả các chị đã hy sinh khi mới tuổi mười tám, đôi mươi và chưa có ai lập gia đình.
Cũng trong phần trưng bày “Thư thời chiến” người xem một lần nữa được quay trở về với quá khứ, được sống lại những phút cam go, gian khó lửa đạn, nhưng cũng đầy cảm xúc, khát vọng hòa bình. Những lá thư viết vội trên đường hành quân, dưới hầm trú ẩn, hay sau mỗi trận chiến ác liệt của người chiến sĩ ở chiến trường gửi về cho cha mẹ, người vợ, người yêu và bạn bè ở hậu phương.
Nhiều lá thư khi về tới tay người nhận không còn nguyên vẹn nhưng tựu chung đều mong đợi ngày đoàn tụ khi non sông thống nhất, nước nhà độc lập.
Cũng tại triển lãm, phần trưng bày “Nhật ký thời chiến” cũng vô cùng xúc động bởi những trang viết, vẽ được chắt chiu bằng tình yêu thương, nỗi nhớ, sự lạc quan, tin tưởng của người lính trên mỗi nẻo đường bom đạn.
Đó là những dòng tâm sự nơi chiến trường được trích trong nhật ký của đồng chí Nguyễn Văn Bào- Chính trị viên Đại đội 42, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 viết trong thời gian từ trước khi Nhật đảo chính Pháp đến ngày 24-10-1951; Sổ tay của Anh hùng Nguyễn Quốc Trị đã ghi từ năm 1949 đến năm 1955; Ký sự chiến đấu của Trắc thủ góc tà Trịnh Văn Hưng- Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236 ghi lại những tình cảm của mình về gia đình, bạn bè, tình yêu và tình đồng chí…
Ban tổ chức kỳ vọng triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến” góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.