Sức mạnh mềm của văn hóa

Trong thời đại mà một giai điệu có thể trở thành hiện tượng toàn cầu chỉ sau một đêm, sức mạnh quốc gia không còn được định nghĩa bằng những chỉ số GDP hay tiềm lực quân sự thuần túy. Văn hóa - với khả năng chạm đến cảm xúc, định hình bản sắc và tạo ra sự đồng cảm vượt qua mọi ranh giới - đang nổi lên như một thứ “sức mạnh mềm”, bền bỉ và sâu rộng.

Không thể phủ nhận, văn hóa Việt Nam thời gian gần đây đã có thêm nhiều tín hiệu tích cực, lan tỏa rộng và chạm đến cảm xúc của công chúng trong nước và quốc tế.

Những nghệ sĩ trẻ như Hoàng Thùy Linh, Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Hòa Minzy, Mỹ Anh… đang nỗ lực làm mới văn hóa truyền thống bằng ngôn ngữ của thế hệ họ: hiện đại, đa tầng nghĩa, sáng tạo và mang hơi thở toàn cầu. Những sản phẩm như Gieo quẻ, Bắc Bling hay các bản remix See tình... không chỉ lan tỏa mạnh mẽ trên nền tảng số mà còn góp phần tạo dựng hình ảnh một Việt Nam trẻ trung, thích ứng, hội nhập.

Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào một thực tế đáng buồn: phần lớn những thành công đó vẫn mang đậm dấu ấn của nỗ lực cá nhân, những “con én đơn lẻ” chưa thể làm nên mùa xuân “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam. Việc thiếu một hệ thống hỗ trợ đủ mạnh từ chính sách nhà nước, sự đầu tư bài bản từ các định chế văn hóa chuyên nghiệp khiến những thành công đó còn mang tính tự phát. Điều này khiến “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam giống như một nguồn năng lượng tiềm tàng - chảy ngầm nhưng chưa đủ áp lực để bứt phá thành một dòng chảy văn hóa có sức lan tỏa rộng khắp.

Văn hóa được xác định là một trụ cột phát triển ngang hàng kinh tế cũng như nhiều lĩnh vực khác, đòi hỏi một chiến lược riêng, một nguồn lực tài chính xứng tầm và một sự hoạch định bài bản như bất kỳ ngành chiến lược nào khác. Thực tế cách làm ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc đã cho thấy: nếu được đầu tư một cách thông minh và có tầm nhìn, văn hóa hoàn toàn có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn. Sự bùng nổ của Hallyu - làn sóng văn hóa Hàn Quốc - không phải là một phép màu mà là kết quả của một tầm nhìn chiến lược dài hạn và sự phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa nhà nước, giới nghệ sĩ và các tập đoàn công nghệ.

Dù công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp hơn 4% GDP, con số khiêm tốn này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tiềm năng văn hóa mà đất nước đang sở hữu. Trong một số lĩnh vực, thị trường nội địa vẫn đang bị lấn lướt bởi các sản phẩm văn hóa ngoại nhập không phải vì chúng ta thiếu tài năng hay sự sáng tạo mà bởi chúng ta thiếu một “hành lang pháp lý” vững chắc để bảo vệ bản quyền, thiếu một hệ thống phân phối hiệu quả để đưa sản phẩm văn hóa Việt ra thế giới. Và trên hết, thiếu một chiến lược tổng thể, một “bàn tay kiến trúc sư” để kết nối các mắt xích rời rạc trong chuỗi giá trị văn hóa. Một bộ phim đầy tâm huyết như Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối hay những “bom tấn” phòng vé dịp tết của Trấn Thành, Lý Hải không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực đơn lẻ của một vài cá nhân. Đằng sau một nền điện ảnh hùng mạnh phải là một hệ thống chính sách minh bạch, một cơ chế tài chính ổn định và một mạng lưới phân phối chuyên nghiệp vươn ra toàn cầu. Tiến sĩ văn hóa Pháp Frédéric Martel đã không ngần ngại cảnh báo: “Văn hóa cần được bảo hộ để chống lại tác động nghiệt ngã của quy luật thị trường”. Điều đó không đồng nghĩa với việc quay lưng lại với toàn cầu hóa mà là một hành động tự vệ thông minh, chủ động thích nghi, tái tạo và làm mới bản sắc văn hóa bằng những phương thức tiếp cận gần gũi và hấp dẫn hơn với đời sống hiện đại.

Văn hóa là phần “hồn cốt” định vị Việt Nam một cách sâu sắc và khác biệt trong mắt bạn bè quốc tế. Đã đến lúc cần một chiến lược phát triển văn hóa quốc gia dài hạn, đồng bộ và đủ táo bạo để “cất cánh” sức mạnh mềm Việt Nam. Chỉ khi đó, “sức mạnh mềm” văn hóa Việt mới thực sự trở thành niềm tự hào nội tại, một nguồn năng lượng kết nối và truyền cảm hứng cho cả thế giới.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục