Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18-11-1930 làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Năm 2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra Nghị quyết 04 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18-11 hàng năm để tổ chức ngày hội ở khu dân cư. Đây là hoạt động nhằm xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Những năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được TPHCM tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, thiết thực, góp phần to lớn trong phát huy nguồn lực của mọi người dân để xây dựng, phát triển thành phố. Từ đó, tinh thần đoàn kết chung sức chung lòng của người dân cùng với Đảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện thành công nhiều chủ trương lớn trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đặc biệt, những lúc thành phố đứng trước các khó khăn, thách thức thì tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó càng được người dân phát huy mạnh mẽ.
Thực tiễn những năm qua đã chứng minh rõ qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới… Minh chứng rõ nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, sự khốc liệt, đau thương, mất mát đã không làm người dân thành phố chùn bước. Tình yêu thương, đoàn kết, chia sẻ càng lan tỏa mạnh mẽ hơn với những sáng kiến ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM oxy, phiên chợ 0 đồng… Nhất là hàng vạn tình nguyện viên thuộc mọi tầng lớp đều tham gia chống dịch bất chấp nguy hiểm và có người đã hy sinh…
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang chung sức đồng lòng vừa phòng chống đại dịch Covid-19 với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, vừa tích cực khôi phục kinh tế để cuộc sống trở lại bình thường trong trạng thái mới. Lúc này cũng là thời điểm chúng ta cần phải nỗ lực tối đa, phát huy sự chung sức đồng lòng của toàn dân để từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của nhân dân.
Vì vậy, trước những kinh nghiệm và sự sáng tạo trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục được khơi dậy, phát huy hiệu quả. Điều đó nhằm đảm bảo tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, đồng lòng của nhân dân trong thảo luận, đề ra các giải pháp và cùng nhau thực hiện, giữ khu dân cư của mình là vùng xanh, hoặc làm chuyển màu sang vùng xanh, nếu đang là vùng vàng, vùng cam... Đặc biệt là cùng nhau nhắc nhở, xây dựng phong cách sống mới để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đó còn nhằm tạo sự chung tay đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mất mát sau đại dịch, nhất là với trẻ em mồ côi, người neo đơn, không nơi nương tựa chịu tác động trực tiếp của đại dịch, để không ai bị bỏ lại phía sau ở thành phố đầy tình nghĩa và lòng nhân ái…
Thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay, tin rằng TPHCM cũng sẽ tiếp tục góp phần phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam; truyền thống chung sức chung lòng, sáng tạo để tiếp tục xây dựng thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu - thành phố Hồ Chí Minh “văn minh - hiện đại - nghĩa tình”.
TRẦN TẤN HÙNG
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM