Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trở thành những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế; tạo ra các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học để xây dựng con người Việt Nam có đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, có tinh thần nhân văn, ý thức lao động; đề cao trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội… là câu chuyện không chỉ của một ngành, một địa phương mà đó là một quá trình lâu dài với sự chung tay, góp sức của từng cá nhân.
Vai trò làm gương của người lớn
Ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, tôn vinh những giá trị gia đình. Trong giai đoạn hiện nay, khi đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân đang có những biểu hiện sa sút nghiêm trọng, vai trò của gia đình và giáo dục gia đình đối với việc hình thành, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước lại ngày càng trở nên quan trọng hơn lúc nào hết.
Nghiên cứu của nhiều chuyên gia và thực tiễn cuộc sống đã cho thấy, trong giáo dục gia đình, vai trò làm gương của người lớn rất quan trọng. Nếu trẻ em từ nhỏ được giáo dục trong một gia đình nền nếp, hạnh phúc thì lớn lên trẻ sẽ dễ dàng trở thành một công dân có văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Vì thế, trong gia đình, người lớn phải dạy và làm gương cho trẻ ngay từ những điều giản dị nhất như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi..., từ đó hình thành nhân cách cho trẻ khi còn tấm bé.
Song, hình thức giáo dục này hiện gặp nhiều khó khăn khi kiểu gia đình truyền thống nhường chỗ lại cho các gia đình hạt nhân. Khó khăn hơn khi có đứt quãng trong giáo dục gia đình từ việc thiếu vắng vai trò của người ông, người bà, cộng thêm việc vợ, chồng đều dành quá nhiều thời gian cho công việc, không có nhiều thời gian cho con cái.
Cha mẹ giờ đây trông chờ, thậm chí phó mặc cho nhà trường, cho xã hội việc giáo dục con cái, trong khi các thiết chế này không đủ sức và cũng không sẵn sàng khiến cho nhiều trẻ em bị lạc lõng, bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà, mái trường và trong xã hội. Theo thống kê, một ngày mỗi gia đình chưa dành nổi tối đa 30 phút cho con cái. Vì ít ỏi như thế nên giáo dục trong gia đình gặp vấn đề. Cùng đó, chính sách 2 con cũng là vấn đề khác của gia đình. Nếu trước đây cách giáo dục quan trọng nhất là bố mẹ làm gương cho con cái và anh em làm gương cho nhau, thì nay câu chuyện đó trở nên bị nhạt. Bố mẹ không làm gương cho con cái bởi quá ít thời gian dành cho con; anh em thì không làm gương vì không còn anh em, hoặc có rất ít anh em.
Vì thế, đứa con trong gia đình, đặc biệt là con trai, theo quan niệm của phương Đông đã có vị trí quá quan trọng, đến mức được nuông chiều. Nhiều trẻ con được coi là “ông vua”, “bà chúa” chứ không phải là đối tượng được dạy bảo. Là trung tâm của gia đình, cha mẹ và những người lớn khác phải chạy theo để thỏa mãn những nhu cầu của trẻ. Phải xem các chương trình của con cái, phải mua, phải ăn những cái chúng thích…
Cách dạy dỗ theo cách quá nuông chiều con trẻ ở nhiều gia đình sẽ dẫn đến hậu quả là con trẻ thiếu kỹ năng sống, vô cảm, vô ơn. Khi trưởng thành, những đứa trẻ như vậy thường đặt cái tôi cá nhân lên trên hết, thiếu vị tha và chia sẻ với người khác... Một cuộc điều tra xã hội học gần đây đã đưa ra số liệu về sự suy giảm giá trị trong gia đình, trong đó nặng nề nhất là bệnh vô cảm với 67,8% số người được hỏi đồng ý.
Bất ổn nữa cũng dễ nhận thấy là gia đình bây giờ hướng tới hiện đại. Lấy giá trị của phương Tây để đo giá trị của phương Đông nhiều quá. Nếu trước kia có gia giáo, gia phong, gia pháp thì bây giờ lại đề cao giá trị của phương Tây. Những giá trị này thì tốt nhưng chưa chắc đã phù hợp với bối cảnh phương Đông và Việt Nam, vì thế nhiều câu chuyện giáo dục phương Tây ở Việt Nam trở nên có vấn đề.
Cộng thêm câu chuyện, gia đình nghĩ rằng nhà trường hay xã hội có thể giúp bớt gánh nặng cho bố mẹ. Khi có việc xảy ra, họ hay đổ lỗi cho nhà trường, cho xã hội nhưng trên thực tế, chính bản thân bố mẹ đã không chủ động trong việc giáo dục con cái. Giáo dục trong nhà trường, ngoài xã hội sẽ trở nên vô nghĩa khi giáo dục trong gia đình không đồng đẳng. Ví như thầy cô nói khi tham gia giao thông gặp đèn đỏ phải dừng lại, nhưng bố mẹ lại cứ vượt đèn đỏ… hay những vấn nạn như gian dối trong thi cử, bạo lực học đường… Việc dạy dỗ ở gia đình, trong nhà trường hay ngoài xã hội khi không cùng một hướng, thậm chí xung đột đã cản trở việc hình thành giá trị đạo đức hay văn hóa cho trẻ em.
Truyền cảm hứng từ những câu chuyện tốt đẹp
Nhiều người thường ít lạc quan khi cho rằng “xã hội ngày càng xấu đi, việc xấu nhiều hơn việc tốt và ngay cả khi làm việc tốt thì cũng bị nghi ngờ”… Trên thực tế, mọi xã hội đều phát triển theo quy luật hướng thiện. Dù rằng đây đó vẫn còn có những điều chưa làm chúng ta hài lòng, cảm thấy bất an về cái chưa đẹp trong xã hội, nhưng những việc làm tốt bao giờ cũng nhiều hơn những việc làm xấu; những câu chuyện thiện nguyện bao giờ cũng lấn át những việc làm ác. Làm điều tốt bao giờ cũng có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân, và chúng ta ai cũng mong muốn làm điều tốt, không chỉ cho bản thân, mà còn cho cộng đồng và xã hội.
Tôi tin rằng, thuyết tiến hóa của Darwin đúng trong giải thích về cơ chế tự điều chỉnh của xã hội theo quy luật hướng đến cái tốt đẹp. Chẳng phải đâu xa, những gì chúng ta chứng kiến trong sự phát triển đất nước khiến chính chúng ta cũng tự hào. Thành tựu trong lĩnh vực kinh tế là không có gì phải bàn cãi. Các lĩnh vực khác cũng được lợi từ sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng này. Tất nhiên, không cái gì không có mặt trái, nhưng mọi thứ đang được điều chỉnh theo hướng tốt dần lên.
Ngay cả ở kinh tế, trong những giai đoạn đầu gian khó, chúng ta cố gắng thu hút đầu tư bằng mọi cách, giờ đây, chúng ta đã chủ động hơn trong lựa chọn các nhà đầu tư theo hướng có lợi cho sự phát triển bền vững đất nước. Đối với văn hóa cũng vậy, sự thay đổi của văn hóa từ chú trọng vào cộng đồng, tình cảm, giờ chuyển sang coi trọng các yếu tố cá nhân, lý trí nhiều hơn. Trong văn hóa khó nói chuyện hơn kém, cũng khó mà có thể so sánh với nhau được, nhưng văn hóa giờ đây đã khác. Chắc chắn có sự khủng hoảng khi mà các giá trị đang dần định hình. Tuy vậy, đích đến sẽ là sự cân bằng, hài hòa và tiệm cận đến những giá trị chân - thiện - mỹ.
Vấn đề của chúng ta hiện nay là làm thế nào để những câu chuyện tốt đẹp, những tấm lòng tốt đẹp có thể truyền thêm cảm hứng cho xã hội. Khi chúng ta xây dựng được một bầu không khí xã hội tích cực thì những điều tiêu cực sẽ không thể tồn tại. Ngược lại, trong một bầu không khí không tin tưởng thì một việc làm tốt cũng bị nghi ngờ. Chính vì thế, mong muốn của tôi là những câu chuyện truyền cảm hứng cần phải đa dạng và hấp dẫn hơn, thực sự khiến người xem, nghe, đọc muốn khóc và muốn làm ngay những điều tốt đẹp. Những câu chuyện đó có thể đến từ bất kỳ ai, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Thực tế thì các cơ quan truyền thông của chúng ta cũng đã làm được rất nhiều việc qua những chuyên đề, chương trình như: Cặp lá yêu thương, Gương người tốt việc tốt…
Nhưng rõ ràng, do bản chất của truyền thông cũng như bản tính của con người, những thông tin giật gân, xấu độc thường hay thu hút sự quan tâm của công chúng. Như vậy, việc làm cho những tấm gương trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh xã hội hiện nay là hết sức cần thiết để tạo dựng niềm tin cho xã hội, để xây dựng bầu không khí thiện lành để phát triển nhân cách cho con người Việt Nam từ những câu chuyện truyền cảm hứng.
Khôi phục niềm tin
Hiện chúng ta đang trong giai đoạn xã hội chuyển đổi, ở đó nhiều giá trị mới chưa được định hình, trong khi các giá trị cũ chưa mất hẳn. Chính vì chưa có gì chắc chắn, chưa được định hình rõ ràng làm điểm tựa nên câu chuyện niềm tin trở thành vấn đề nóng của xã hội. Luật pháp là một ví dụ. Trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi luật pháp, rất nhiều những sự việc xảy ra ảnh hưởng đến niềm tin. Một sự việc xử lý kiểu gì cũng được; một vi phạm có thể xử hoặc không xử; luật pháp ban hành nhưng không khả thi trong cuộc sống… khiến luật pháp bị “nhờn”.
Hay hình ảnh xấu xí, việc làm không gương mẫu của một số lãnh đạo, cũng khiến xói mòn niềm tin của người dân vào những nỗ lực của Nhà nước và xã hội… Từ những ví dụ trên và vô vàn những ví dụ khác đã dẫn đến việc xã hội hiện đang thiếu niềm tin ở rất nhiều lĩnh vực. Niềm tin chính là một bộ phận của văn hóa. Chúng ta tin vào hàng ngoại hơn hàng nội, bằng cấp, chứng chỉ nước ngoài hơn bằng cấp Việt Nam, và đôi khi tin vào tin giả, tin ngoài lề hơn tin thật. Như thế, khôi phục niềm tin cho người dân là một việc làm hết sức cần thiết!
Tôi thích câu danh ngôn khuyết danh: “Thứ đắt giá nhất trên thế gian này là lòng tin. Nó có thể mất hàng năm để có được nhưng nó cũng có thể bị đánh mất chỉ trong một vài giây”. Giải pháp để khôi phục niềm tin có nhiều. Trên thực tế, hiện chúng ta đã nỗ lực thay đổi để khôi phục niềm tin. Ví dụ như phát ngôn kịp thời, nhanh chóng, chính xác với mỗi sự cố xảy ra để đối phó với tin đồn, tin giả vốn hình thành rất nhanh trên mạng xã hội; Chính phủ quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, minh bạch, hiệu quả vì dân; thực thi tốt công cuộc chống tham nhũng để củng cố niềm tin vào Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… để chúng ta có thêm những gương tốt, truyền cảm hứng cho xã hội.
Tiếp tục tạo dựng lòng tin của nhân dân, cho mọi người, trên toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, không chỉ là công việc xây dựng kinh tế, xây dựng nền tảng chính trị, mà đặc biệt lớn lao, quan trọng và sâu xa hơn nữa là xây dựng nền tảng văn hóa của một dân tộc. Một môi trường tốt về văn hóa, để trong đó con người ta luôn hạnh phúc và tin tưởng vào tương lai, không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của một quá trình kiên trì phấn đấu, sự gương mẫu về nhân cách, của từng cá nhân và của cả một cộng đồng. Hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ, giáo dục tính trung thực, sự liêm sỉ, biết xấu hổ trước tiên với chính mình, có lòng nhân ái và sự minh bạch luôn đóng vai trò hàng đầu, giúp cho đất nước phát triển bền vững, thực sự khiến cho dân tộc ta vẻ vang với các dân tộc năm châu.