Theo quy luật của tự nhiên, không có sự can thiệp của con người, thì bình quân cứ 100 bé gái được sinh ra thì có từ 104-106 bé trai cũng được sinh ra. Do khả năng sống sót sau sinh của các bé trai thấp hơn các bé gái nên đến tuổi trưởng thành, 15-18 tuổi, tỷ lệ nam và nữ xấp xỉ 100/100, tức là cứ có 1 nam thanh niên thì có 1 nữ thanh niên. Số con mà các cặp vợ chồng có ở các giai đoạn khác nhau và ở các nước khác nhau là khác nhau. Ví dụ ở các năm 1950-1960, một cặp vợ chồng ở châu Âu thường có 2-3 con, trong khi ở Mỹ là 3-4 con, còn ở Trung Quốc là 6-7 con, ở Việt Nam là 5-6 con.
Xu hướng chung trên thế giới là số con mà một phụ nữ sinh ra trong một đời người từ 1950 đến nay là giảm dần. Nếu ở một đất nước mà số con một phụ nữ sinh ra bình quân là 2,1 thì khi các trẻ đến tuổi trưởng thành có thể lao động và lập gia đình, thì do một số trẻ bị chết, số con còn sống và đi làm là 2. Tức là khi cha mẹ hết tuổi lao động, 2 người con này sẽ thay được cha mẹ đi làm tiếp tục. Khi 2 vợ chồng chết đi sẽ có 2 người con thay thế. Vì vậy, người ta gọi mức sinh bình quân 2,1 con/1 phụ nữ là tỷ suất sinh thay thế (TSSTT).
Một đất nước mà tỷ suất sinh (TSS) lớn hơn TSSTT thì số lao động và dân số sẽ không ngừng tăng. Nếu tỷ suất sinh nhỏ hơn tỷ suất sinh thay thế, ví dụ 1,8 thay vì 2,1, thì số trẻ sinh ra sẽ giảm, số người bước vào tuổi lao động sẽ giảm (sau 15-18 năm), và dân số sẽ giảm (nếu không có người nhập cư). Còn nếu TSS bằng TSSTT, thì số lao động sẽ không thay đổi (không thay đổi tuổi lao động) và dân số sẽ tăng do tuổi thọ tăng. Một đất nước duy trì được TSS bằng TSSTT thì sẽ có cơ cấu dân số vàng: Số người trong tuổi lao động (15-64 tuổi) gấp 2 lần số người dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên cộng lại.
Sau 10 năm TSS bằng TSSTT, Nhật Bản không tái tạo được con người Nhật Bản.
Diễn biến TSS ở Nhật Bản từ năm 1930 đến năm 2020 và dự báo đến năm 2100 được thể hiện ở hình 1.
Từ hình 1 ta thấy:
- Năm 1950, TSS ở Nhật Bản là 3,5, đến năm 1960 giảm còn 2,1, bằng TSSTT. Sau đó, TSS giảm nhẹ, đến năm 1970 là 2,08. Như vậy, trong khoảng 10 năm, từ 1960-1970, Nhật Bản đã duy trì được TSSTT, có cơ cấu dân số vàng. Giai đoạn 1950-1970, dân số Nhật Bản tăng từ 84 triệu người lên 105 triệu người.
- Năm 1975, TSS là 1,95, năm 1980 là 1,8 và sau đó giảm liên tục, giai đoạn 20 năm 2000-2020 ở mức 1,34-1,36 (hình 1). Dự báo đến năm 2100 TSS là khoảng 1,67. Tức là khi TSS đã xuống dưới mức 1,8 (1980), thì sau 120 năm (2100) cũng không thể tăng trở lại mức 1,8, càng không thể trở lại mức TSSTT (2,1). Nói cách khác, sau 10 năm giữ được TSSTT (1960-1970), thì 130 năm sau (1970-2100) nước Nhật không thể tái tạo được con người Nhật Bản.
- Do việc giảm số lao động mới vì TSS dưới TSSTT chỉ nhận thấy sau 15-20 năm khi các em bé sinh ra đến tuổi lao động và tuổi thọ người Nhật cao và tăng mạnh, làm cho dân số tăng đạt đỉnh dân số 128 triệu vào 2010 bất chấp TSS thấp và số lao động giảm, nên Chính phủ Nhật Bản đã không kịp thời nhận ra nguy cơ thiếu lao động lâu dài và suy giảm dân số, nên trong suốt 35 năm (1975-2010), dù TSS dưới TSSTT, Chính phủ Nhật Bản đã không có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đảo ngược xu thế TSS giảm liên tục và duy trì ở mức rất thấp (1,36), hình 1.
- Các tổ chức quốc tế và nghiên cứu của Đại học Tohuku (Nhật Bản), của Viện Quốc gia nghiên cứu dân số và an ninh xã hội Nhật Bản đã dự báo: năm 2050 dân số Nhật Bản giảm còn 100 triệu, năm 2100 còn 50 triệu, năm 2200 còn 10 triệu, năm 2350 còn 1 triệu, năm 2450 còn 0,5 triệu và năm 3000 còn khoảng 100 đến 500 người. Đến năm 3011 không có trẻ em nào được sinh ra ở Nhật Bản. Năm 1000 dân số Nhật Bản là 4,5 triệu người. 1010 năm sau, năm 2010 là 128 triệu. 1.000 năm sau tiếp theo, năm 3011 nước Nhật tuyệt chủng (hình 1)
Vì sao phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản lại đi kèm với mất khả năng duy trì nòi giống?
Mặc dù bị thiệt hại nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ 2, trong đó có hứng chịu hai quả bom nguyên tử của Mỹ, nhưng sự phát triển kinh tế 35 năm của Nhật Bản, từ 1961 đến 1995 là một sự thần kỳ.
Năm 1960, GDP/người của Nhật là 470 USD, thuộc nước thu nhập thấp, trong khi GDP/người của Mỹ là 3.000 USD, thuộc nước thu nhập trung bình. Từ năm 1960 đến 1985, GDP/người của Nhật Bản luôn thấp hơn của Mỹ, hình 2.
Đến năm 1985, GDP/người của Nhật Bản là 11.600 USD, song đến 1986 đã là 17.100 USD, vượt qua ngưỡng nước thu nhập cao (hơn 12.000 USD). Như vậy, Nhật Bản đã chỉ cần 26 năm để chuyển từ một nước thu nhập thấp, GDP/người gần 500 USD thành một nước thu nhập cao (GDP/người 17.100 USD). Năm 1985, GDP/người của Mỹ là 18.200 USD, cao hơn của Nhật Bản (11.600 USD). Song, sau 5 năm, đến năm 1990, GDP/người của Nhật Bản là 25.300 USD, vượt Mỹ (24.000 USD), xem hình 2. Đến năm 1995, GDP/người của Nhật là 44.200 USD, còn của Mỹ là 28.700 USD. Năm 1960, GDP/người của Nhật Bản là 470 USD, là nước nghèo, bằng 15,6% của Mỹ (3.000 USD). Sau 35 năm, GDP/người của Nhật Bản là 44.200USD, là nước giàu, thu nhập cao, gấp 1,54 lần của Mỹ (28.700 USD). Đây chính là kỳ tích kinh tế của Nhật Bản mà không nước nào đạt được.
Tuy nhiên, chính trong 40 năm mà Nhật Bản lập nên kỳ tích về phát triển kinh tế giai đoạn 1960-2000, thì TSS của Nhật Bản lại giảm mạnh nhất, nhanh nhất và không thể phục hồi sau 100 năm. Năm 1960 TSS = 2,1, đến năm 2000 giảm còn 1,34 (hình 2) và dự báo 2100 là 1,67 (hình 1). Nếu Chính phủ Nhật Bản không có các giải pháp đồng bộ, đột phá để đảo ngược xu thế càng giàu, TSS càng giảm, thì như chính các cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản đã dự báo, đến năm 3011, nước Nhật sẽ tuyệt chủng.
Câu hỏi đặt ra là: việc song hành 35-40 năm giữa kỳ tích kinh tế và việc nhanh chóng mất khả năng duy trì nòi giống của Nhật Bản là ngẫu nhiên hay có tính quy luật?
Các cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản sẽ là nơi có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Ý kiến của riêng tôi là có tính quy luật, song không phải là quan hệ nhân quả trực tiếp giữa tăng trưởng kinh tế cao, giàu nhanh và mất khả năng duy trì nòi giống mà qua một khâu trung gian khác: Chính sách xã hội. Cụ thể là thiếu chính sách phát triển gia đình bền vững trong nỗ lực làm giàu cho quốc gia và mỗi người.
Thử tìm nguyên nhân của hiện tượng Nhật Bản: Giàu lên rất nhanh, tỷ suất sinh giảm rất nhanh, không có khả năng tái tạo con người Nhật Bản.
1. Nhật Bản là quốc gia có số giờ lao động thuộc loại bình quân cao nhất thế giới giai đoạn 1960-2000. Một báo cáo cho thấy năm 1960, một lao động ở Nhật Bản làm việc bình quân khoảng 2.420 giờ/năm, trong khi ở Mỹ là 1.950 giờ và năm 1990 ở Nhật Bản là 2.050 giờ/năm, còn ở Mỹ là 1.860 giờ/năm.
Làm việc dài trong ngày cùng với các hoạt động giao lưu với đồng nghiệp sau giờ làm việc nên thời gian dành cho gia đình rất ít.
Làm việc nhiều giờ trong ngày liên tục sẽ dẫn đến tổn hại sức khỏe, thậm chí chết người và xã hội Nhật Bản có một khái niệm riêng cho việc này là Karoshi: Làm quá nhiều giờ đến chết, từ những năm 1970.
2. Chi phí cho nhà trẻ, mẫu giáo và học phổ thông cao, là một gánh nặng cho các cặp vợ chồng trẻ. Một thống kê của Nhật Bản cho thấy chi phí cho một học sinh tiểu học, học ở trường công lập là khoảng 350.000 yên/năm, còn trường tư thục là 1.666.000 yên/năm, tương đương 12.500 USD (gần 300 triệu đồng), gấp 4,7 lần chi phí ở trường công lập.
3. Theo văn hóa truyền thống ở Nhật Bản, phụ nữ là người lo chủ yếu việc nhà, nhất là chăm sóc con cái. Do đó nếu vẫn đi làm, việc chăm sóc con cái và cả gia đình là áp lực rất lớn. Nghỉ việc chăm sóc con sau sinh một thời gian sẽ có nguy cơ mất việc làm. Vì vậy, ngày càng nhiều phụ nữ ưu tiên việc làm ổn định, thu nhập khá cho bản thân hơn là lập gia đình.
4. Ba nhóm yếu tố nói trên tác động đồng thời cùng với chính sách thực tế “Tất cả vì tăng trưởng kinh tế” giai đoạn 1960-2000 đã làm cho tâm lý ngại lập gia đình, đã lập gia đình thì không muốn có con hoặc chỉ có 1 con ngày càng phổ biến, thậm chí sống độc thân trở thành một trào lưu phổ biến ở Nhật Bản. Đã xuất hiện cả hiện tượng phụ nữ trẻ không cưới chồng mà tổ chức đám cưới để cưới chính mình.
Một điều tra xã hội do Viện Quốc gia nghiên cứu về dân số và an ninh xã hội Nhật Bản thực hiện vào năm 2021 cho biết, những người đàn ông chưa lập gia đình từ 18-34 tuổi không có ý định lấy vợ, đã tăng từ 2,3% (năm 1982) lên 17,3% (năm 2021), tức tăng 7,5 lần. Còn những người phụ nữ chưa lập gia đình trong cùng nhóm tuổi không có ý định lấy chồng đã tăng từ 4,1% lên 14,6%, tăng gấp 3,5 lần. Một nghiên cứu khác ở nhóm tuổi từ 35-39 tuổi cho thấy, 10% phụ nữ ở nhóm tuổi này vào năm 1990 chưa bao cưới chồng, nhưng năm 2019, tỷ lệ này là 25%. Còn nam giới, nhóm tuổi này năm 2019 có tới 34% chưa bao giờ cưới vợ.
Một nghiên cứu ở nhóm tuổi từ 20-29 tuổi, năm 2016 (do Bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda Life Insurance thực hiện) cho thấy xu hướng không muốn kết hôn ở người trẻ tăng mạnh: Năm 2013, có 33% đàn ông độc thân ở nhóm tuổi này không có ý định lấy vợ, song đến năm 2016 tỷ lệ này tăng đến 61%. Còn đối với phụ nữ độc thân ở cùng nhóm tuổi, năm 2013 có 18% không có ý định lấy chồng, song đến năm 2016 đã tăng lên 41%.
Như vậy, việc TSS ở Nhật Bản giảm liên tục và duy trì ở mức sâu dưới TSSTT có nguyên nhân sâu xa là tỷ lệ người ở tuổi trưởng thành, chủ yếu từ 20-40 tuổi, có nguyện vọng lập gia đình ngày càng giảm và số trẻ em được sinh ra trong một gia đình cũng giảm. Xu hướng người ở tuổi đi làm sống độc thân tăng lên sẽ dẫn tới xu hướng người ở tuổi về hưu độc thân càng tăng lên.
Một nghiên cứu của NHK World-Japan năm 2018 cho thấy, năm 1974, tỷ lệ hộ gia đình có 1 người là 17,5%, năm 2017 đã tăng lên là 32,5% tổng số hộ ở Nhật Bản. Trong đó, hộ 1 người ở tuổi hưu trí tăng từ 4,4% lên 16,9%, gấp 3,8 lần. Còn hộ có 3-4 người lại giảm từ 61,2% xuống còn 33,4%, trong đó hộ 4 người giảm từ 38,4% xuống còn 18,9%, tức giảm hơn một nữa.
Như vậy, nguyên nhân sâu xa của việc TSS ở Nhật Bản giảm liên tục dưới TSSTT ngay trong thời kỳ phát triển kinh tế thần kỳ (1960-2000), khi GDP/người dưới 500 USD, chỉ bằng 15,6% của Mỹ, sau 35 năm đã tăng lên đến 44.200 USD năm 1995, bằng 154% của Mỹ chính là việc Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân đã dồn tất cả sức lực, thời gian và xây dựng các chính sách để đạt mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế đất nước và tăng thu nhập cho người dân. Trong khi đó đã không quan tâm đúng mức đến tạo các điều kiện về thời gian làm việc, về giáo dục mầm non và phổ thông, về chăm sóc y tế, về nhà ở, về cơ hội làm việc của phụ nữ và thu nhập của gia đình sau khi sinh con, nên việc lập gia đình và có con ngày càng trở thành một gánh nặng tài chính, tinh thần của phụ nữ và cả gia đình. Điều này gây cản trở sự phát triển nghề nghiệp của vợ chồng, thay vì gia đình trở thành cái nôi hạnh phúc và sinh con, nuôi dạy con cái trở thành niềm hạnh phúc không gì thay thế được.
Hậu quả tất yếu là tỷ lệ người trưởng thành muốn lập gia đình ngày càng giảm, số con mong muốn bình quân của một gia đình ngày càng giảm, số trẻ được sinh ra của một phụ nữ (tỷ suất sinh) ngày càng giảm và số hộ độc thân ngày càng tăng.
Khi tỷ lệ hộ gia đình có con ngày càng giảm, tỷ lệ hộ gia đình có 2 con trở lên ngày càng giảm thì TSS tất yếu sẽ giảm xuống dưới TSSTT và không thể phục hồi. Gia đình không thể đảm đương được vai trò là tế bào của xã hội, là nơi tái tạo con người và văn hóa của một dân tộc. Đó là sự suy thoái gia đình, suy thoái về vai trò của gia đình trong xã hội, suy thoái về quy mô gia đình và về chất lượng gia đình. Khi tế bào xã hội bị suy thoái, nếu không phục hồi được thì dân tộc sẽ tự diệt vong.
Việc một đất nước sau khi thoát nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình, càng giàu hơn, TSS càng giảm xuống dưới TSSTT, mất khả năng duy trì nòi giống, không phải chỉ xảy ra ở Nhật Bản mà là ở tất cả các nước từ thu nhập trung bình trở thành thu nhập cao, gồm các nước hầu như không có người nhập cư, đến các nước có lượng người nhập cư rất lớn để bù lại thiếu hụt lao động do TSS dưới TSSTT, thậm chí để tiếp tục tăng số lao động và dân số. Ví dụ như:
- Các nước có TSS giảm mạnh dưới TSSTT, không có hoặc có người nhập cư quy mô nhỏ, dân số giảm mạnh: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Dân số Hàn Quốc năm 1960 là 25,8 triệu người. Năm 1980 là 38,1 triệu người, năm 2000 là 46,7 triệu và đạt đỉnh 51,84 triệu người vào năm 2020. Dự báo năm 2050 giảm còn 45,7 triệu, năm 2100 còn 24,1 triệu, năm 2200 còn 3 triệu và khoảng năm 2750 không còn người nào. Dân số Trung Quốc năm 1960 là 654 triệu, năm 1980 là 982 triệu, năm 2000 là 1,26 tỷ, năm 2020 là 1,425 tỷ, đạt đỉnh 1,4259 tỷ người vào năm 2021. Dự báo đến năm 2050 giảm còn 1,3 tỷ, năm 2100 còn 767 triệu, bằng 54% dân số năm 2021. Tức là trong vòng 79 năm 2021-2100, dân số Trung Quốc giảm 659 triệu người, tương đương dân số năm 1960 và bằng 2 lần dân số Mỹ năm 2020.
- Các nước có TSS giảm mạnh dưới TSSTT có người nhập cư đáng kể, dân số ổn định: Đức, Bỉ. Dân số Đức năm 2019 là 83,019 triệu người. Dự báo, đến năm 2100, dân số tự nhiên giảm 18,043 triệu người. Giai đoạn 2019-2100 dự báo lượng người nhập cư là 18,225 triệu người, bằng 22% dân số năm 2019. Dân số năm 2100 khoảng 83,2 triệu người. Dân số Bỉ năm 2019 là 11,456 triệu người, dự báo nhập cư trong giai đoạn 2019-2100 là 1,7 triệu người, bằng 15% dân số năm 2019. Dân số năm 2100 dự báo là 11,85 triệu người.
- Các nước có TSS giảm mạnh dưới TSSTT có người nhập cư quy mô lớn, dân số tăng: Thụy Điển, Ireland, Pháp, Áo, Singapore. Thụy Điển dân số năm 2019 là 10,2 triệu người, dự báo nhập cư trong giai đoạn 2019-2100 là 3,015 triệu, bằng 30% dân số năm 2019. Dân số năm 2100 dự báo là 13,6 triệu người. Pháp dân số năm 2019 là 67 triệu người, giảm dân số tự nhiên (do TSS dưới TSSTT) là 3,69 triệu người, dự báo nhập cư là 6,32 triệu (bằng 9,4% dân số năm 2019). Dân số năm 2100 là 69,7 triệu người.
Một điểm khá đặc biệt và thống nhất giữa các nước đã chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình rồi thu nhập cao là đồng hành với quá trình trên là việc TSS giảm dần. Và khi TSS giảm dưới TSSTT thì tất cả các nước đều đang là thu nhập trung bình, chứ chưa phải thu nhập cao.
Qua bảng 1 ta thấy, tất cả các nước, dù là châu Á hay châu Âu, kể cả bình quân 27 nước EU, khi TSS giảm dưới TSSTT thì đều đang là nước thu nhập trung bình, với GDP/người khoảng 2.500 USD đến 8.000 USD. Tức là chưa giàu, TSS đã thấp hơn đáng kể TSSTT, đã mất khả năng duy trì nòi giống và đến hơn 100 năm sau (năm 2100), tất cả các nước này đều không thể phục hồi TSS bằng TSSTT (bảng 1). Riêng Trung Quốc là một ngoại lệ. Do thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ 1 con, từ năm 1979 nên đến năm 1995, TSS chỉ còn 1,83, song lúc này Trung Quốc có GDP/người mới là 610 USD, là người thu nhập thấp (bảng 1). Tức là Trung Quốc đã mất khả năng duy trì nòi giống khi còn là nước nghèo. Năm 2021, Trung Quốc trở thành nước thu nhập cao, với GDP/người là 12.500 USD.
Trung Quốc là nước không nhập cư, chính sách dân số là mỗi gia đình chỉ 1 con, nên khoảng cách từ lúc TSS dưới TSSTT (năm 1995) đến lúc dân số đạt đỉnh, sau đó giảm (năm 2021) là 26 năm. Nhật Bản là nước không nhập cư, tuổi thọ tăng mạnh, năm 1976 TSS dưới TSSTT, năm 2010 dân số đạt đỉnh, khoảng cách giữa 2 thời điểm này là 35 năm. Còn bình quân 27 nước EU, do nhập cư lớn, nên khoảng cách từ lúc TSS thấp hơn TSSTT (năm 1978) và lúc dân số đạt đỉnh (năm 2020) là 42 năm.
Từ đây ta rút ra 4 nhận định có tính chất bài học như sau:
1. Tất cả các nước sau khi chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, khi GDP/người càng tăng, thì TSS càng giảm. Trước khi các nước trở thành nước thu nhập cao thì TSS đều đã giảm xuống dưới mức TSSTT.
2. Thống kê cho thấy, TSS giảm xuống dưới TSSTT (1,96) ở tất cả các nước đều nằm trong khoảng GDP/người từ 2.500 USD đến 8.000 USD (thu nhập trung bình). Trung Quốc là một ngoại lệ (thu nhập thấp), do áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 con.
3. Do khi TSS thấp hơn TSSTT thì sớm hay muộn lao động của đất nước sẽ giảm (thường thì sau khoảng 20-30 năm sau khi TSS<TSSTT). Do đó, đến nay chỉ có 2 cách giải quyết. Một là không chấp nhận nhập cư (Nhật Bản) hoặc nhập cư quy mô nhỏ (Hàn Quốc) thì cuối cùng sẽ phải chấp nhận lao động giảm, kinh tế trì trệ và dân số giảm. Sau khi dân số đạt đỉnh, khoảng 1.000 năm, đất nước sẽ tự tiêu vong, nếu không có các giải pháp khôi phục được TSS trở lại TSSTT.
Hai là phải chấp nhận, khuyến khích tiếp nhận người nhập cư (có chọn lọc về trình độ lao động) để duy trì, thậm chí bổ sung làm tăng số lao động, thì kinh tế tiếp tục phát triển, GDP/người tăng, thậm chí dân số tăng.
4. Mặc dù đặc điểm văn hóa xã hội Nhật Bản khác châu Âu và nhiều nước châu Á khác, song nguyên nhân gốc rễ của việc TSS giảm xuống dưới TSSTT là sự suy thoái gia đình, suy thoái vai trò của gia đình trong xã hội; do Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân một thời gian dài sau khi thoát nghèo đến nay (30-40 năm) vẫn không có các giải pháp hiệu quả để thấy rằng việc lập gia đình có 2 con trở lên là mong ước, là niềm vui, hạnh phúc của đại đa số người trưởng thành, chứ không phải trở thành gánh nặng tài chính, tinh thần và cản trở phát triển nghề nghiệp của họ.
Việt Nam hiện có GDP/người khoảng 4.500 USD, nằm trong khoảng 2.500 USD-8.000 USD mà theo thống kê thế giới sẽ giảm TSS xuống dưới TSSTT. Việt Nam sẽ phải hoạch định giải quyết vấn đề lao động của đất nước sau năm 2045 như thế nào, theo con đường nào?
Việt Nam đón chào công dân thứ 100 triệu trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Trong khi các nước trên thế giới (có dân số từ 500.000 người trở lên) chỉ duy trì được TSSTT trong khoảng từ 2-10 năm thì đến nay, Việt Nam là nước duy nhất đã duy trì được TSSTT và cơ cấu dân số vàng trong 23 năm (từ năm 2000-2022). Việt Nam cũng là nước duy nhất trên thế giới có chiến lược dân số 11 năm (2019-2030) với mục tiêu đảm bảo vững chắc TSSTT. Nếu đến năm 2030, chúng ta đạt được mục tiêu này thì có nghĩa là Việt Nam đã duy trì được TSSTT và cơ cấu dân số vàng trong 31 năm. Đây chính là một thành tựu rất đáng tự hào, một niềm vui lớn khi nghĩ về tương lai phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang đối diện với 2 thách thức lớn, kéo dài đe dọa sự phát triển lao động và dân số bền vững ở giai đoạn sau 2030.
Theo điều tra dân số vào ngày 1-4-2021, tất cả 18 tỉnh, thành phố Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long có dân số 34,9 triệu người, chiếm 35,4% dân số cả nước (98,5 triệu người) đều có TSS dưới TSSTT. Tình trạng này đã xảy ra từ năm 2006, Bảng 2.
Nguồn: Tổng Cục Thống kê, năm 2021 |
Mặc dù Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 15-10-2017 về công tác dân số đã xác định một giải pháp căn bản để đảm bảo vững chắc TSSTT ở Việt Nam là các địa phương có TSS trên TSSTT thì phải giảm TSS, các địa phương có TSS dưới TSSTT thì phải tăng được TSS, còn các địa phương có TSS bằng TSSTT thì phải ổn định TSSTT, song thực tế đang diễn ra ngược lại. Đó là 3 vùng Trung du - miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ - duyên hải miền Trung có TSS trên TSSTT thì lại tiếp tục tăng TSS. Trong khi đó, 2 vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long có TSS dưới TSSTT lại tiếp tục giảm TSS (Bảng 2). Chỉ có Tây Nguyên có TSS cao nhất cả nước năm 2009 (2,65) thì giảm, song vẫn còn khá cao, trên TSSTT (2,36).
Điều này chứng tỏ mục tiêu điều chỉnh TSS ở 5/6 vùng cả nước không đạt được. Nếu không có TSS cao ở 4/6 vùng cả nước bù cho TSS thấp ở 2/6 vùng thì đất nước ta đã không giữ được TSSTT suốt 15 năm qua. Nếu từ nay, năm 2023 đến năm 2030, giảm được TSS ở 4/6 vùng theo yêu cầu của Nghị quyết 21-NQ/TW mà không nâng được TSS của 2/6 vùng thì Việt Nam chắc chắn sẽ không duy trì được TSSTT vào năm 2030 và các năm sau. Bài học của tất cả các nước có thu nhập cao hiện nay là sau khi đạt mức GDP/người từ 2.500 USD đến 8.000 USD, tuy là mức thu nhập trung bình, song thu nhập càng tăng thì TSS càng giảm “một cách bền vững” dưới TSSTT (Bảng 1); không phải vì người dân nghèo đi, đất nước nghèo đi mà vì các điều kiện để có một gia đình hạnh phúc không đảm bảo, vì có gia đình và nuôi con trở thành gánh nặng tài chính và tinh thần, cản trở phát triển nghề nghiệp nên tỷ lệ người trưởng thành muốn kết hôn ngày càng giảm, số cặp vợ chồng muốn có con càng giảm.
Thực tế cách ứng xử của hầu hết các nước hiện nay là không thay đổi các chính sách xã hội, không thay đổi các quy định về nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các vợ chồng có con và tuyên truyền về ý nghĩa quan trọng của gia đình với bảo tồn nòi giống, với phát triển bền vững của dân tộc một cách đồng bộ, đủ mạnh để thay đổi được nhận thức và ý chí của người trưởng thành trong việc lập gia đình và có con, mà là giải quyết việc thiếu lao động qua việc nhập cư từ các nước nghèo hơn. Về tổng thể thì việc này cũng đang diễn ra ở Việt Nam nên tình hình TSS thấp ở 18 tỉnh, thành phố miền Nam trong 15 năm qua không được cải thiện mà tiếp tục xấu đi (Bảng 2). Hơn thế nữa, ngoài 18 tỉnh, thành này thì gần đây thêm một tỉnh nữa có TSS dưới TSSTT nhiều năm là Khánh Hòa. Năm 2021, TSS của Khánh Hòa là 1,82. Như vậy hiện nay, cả nước có 19 tỉnh, thành phố có TSS dưới 2,0; bình quân của 19 tỉnh, thành phố là 1,72, với dân số là 36,14 triệu người, bằng 36,7% dân số cả nước.
Đáng “ngạc nhiên” là tình hình “một quốc gia, 2 khu vực TSS” của Việt Nam lại rất tương đồng với thế giới hiện nay. Việt Nam có 44 tỉnh, thành phố TSS bằng hoặc lớn hơn TSSTT, với dân số 62,36 triệu người, bằng 63,3% dân số cả nước, còn 19 tỉnh, thành phố còn lại có TSS thấp hơn TSSTT với dân số 36,14 triệu người (năm 2021) bằng 36,7% dân số cả nước. 54 nước trên thế giới có TSS dưới TSSTT hiện nay có dân số là 2.904 triệu người so với dân số thế giới là 8.030 triệu người chiếm 36,2%. Nếu chúng ta không thay đổi được nhận thức và xây dựng chính sách thúc đẩy và giám sát phát triển xã hội theo hướng coi gia đình hạnh phúc, người dân hạnh phúc là mục tiêu ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể, thì Việt Nam tất yếu đi theo con đường mà tất cả nước phát triển đã và đang đi qua: Càng giàu càng mất khả năng duy trì nòi giống.
Theo quy luật tự nhiên thì tỷ số giới tính khi là 104-106 cháu trai được sinh ra thì có 100 cháu gái được sinh ra cùng thời gian (một năm). Do khả năng sống sót của các bé trai thấp hơn các bé gái nên ở tuổi trưởng thành (18 tuổi), tỷ lệ thanh niên nam và nữ là 100/100. Mỗi chàng trai có thể tìm được một cô gái để lập gia đình. Tuy nhiên do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ở một số nước trong đó có Việt Nam, khi kỹ thuật phát hiện sớm giới tính trẻ chưa sinh ra đời thì tỷ lệ sinh bé trai đã vượt quá tỷ lệ tự nhiên nói trên.
Năm 2006 tỷ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam là 104,8/100, năm 2021, sau khi có Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2016 và Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 về công tác dân số trong tình hình mới thì tỷ lệ giới tính khi sinh lại tăng lên 112/100. Năm 2006, 3/6 vùng cả nước mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), đến năm 2021 6/6 vùng MCBGTKS. Năm 2021, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ giới tính khi sinh là 114,1; Đồng bằng sông Hồng là 110,6, trong đó ở Bắc Giang là 126,8; Hà Nam là 125,3; Hưng Yên là 123,6; Sơn La 121,8; Hòa Bình 121,8; Bà Rịa - Vũng Tàu 121,1. Tình trạng MCBGTKS của Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Việc MCBGTKS sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Dự báo năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu đàn ông so với phụ nữ ở tuổi 15-49, còn đến năm 2059 sẽ thừa 2,5 triệu. Họ không thể lấy được vợ. Tức là về tổng thể, mục tiêu đưa tỷ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam về mức cân bằng tự nhiên giai đoạn 2016-2023 là thất bại, tình hình ngày càng xấu hơn. Nếu không có các giải pháp đột phá bây giờ thì triển vọng mục tiêu đến năm 2030 là không thể thực hiện được.
Qua các phân tích sơ bộ trên chúng ta thấy, mặc dù đạt thành tích đáng tự hào là hơn 20 năm, Việt Nam đã giữ ổn định TSSTT, có chiến lược dân số giai đoạn 2019-2030 với 2 mục tiêu quan trọng nhất là: “Duy trì vững chắc tỷ suất sinh thay thế và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, song thực tế 10 năm gần đây, đang phát đi tín hiệu: nguy cơ cao là 2 mục tiêu trên đều có thể sẽ không hoàn thành vào năm 2030. Năm 2023, khi chúng ta xem xét sự lãnh đạo của Đảng giữa nhiệm kỳ, Đảng cần chỉ đạo Chính phủ, các địa phương tổng kết nghiêm túc 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, để mỗi cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người dân thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, thấy rõ hơn nguy cơ đe doạ sự phát triển bền vững đất nước, để gia đình Việt Nam là gia đình hạnh phúc, làm tròn sứ mạng là tế bào xã hội khỏe mạnh để dân tộc phát triển và không tự diệt vong. Gia đình hạnh phúc là nền tảng để phát triển kinh tế bền vững.
Thực tế 50 năm qua của nhân loại đã chứng minh: Phát triển kinh tế liên tục, GDP/người tăng liên tục, không đủ để các quốc gia phát triển bền vững, để duy trì nòi giống của đất nước mình. Trong 50 năm qua, các nước giàu đã sử dụng người nhập cư từ các nước nghèo để bù vào thiếu hụt lao động của mình. Các nước nghèo hơn có TSS cao hơn TSSTT đã bù lao động cho các nước giàu hơn.
Mặc dù hiện nay, tất cả các nước có thu nhập cao và trung bình có TSS thấp hơn TSSTT chiếm 36% dân số thế giới, song 64% dân số nghèo hơn của thế giới có TSS lớn hơn TSSTT đã bù nhân lực cho các nước giàu hơn, nên TSS của thế giới dù đang giảm, song hiện nay vẫn đang ở mức 2,42. Nhưng chỉ 40 năm nữa, năm 2065, dự báo TSS của thế giới sẽ bằng TSSTT và giảm dần liên tục sau đó. Năm 2100 dự báo sẽ là 1,94. Như vậy, nếu 80 năm cuối thế kỷ này, các nước không thiết lập lại được vai trò của gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng hàng đầu để mỗi nước và loài người phát triển thì sau năm 2100, các nước giàu nhất cũng khó tìm được lao động nhập cư vì đa số các nước khác đã ở tình trạng TSS của họ dưới TSSTT.
Hơn 20 năm qua, trong bối cảnh Việt Nam không có đột phá gì về chính chăm lo và bảo vệ gia đình hạnh phúc, song vì sao cả nước vẫn duy trì được TSSTT? Về thống kê theo Bảng 2, chúng ta thấy, TSS của Việt Nam giữ được bằng TSSTT hơn 20 năm qua, khi Đông và Tây Nam bộ luôn có TSS thấp hơn đáng kể TSSTT là nhờ 4 vùng còn lại của cả nước có TSS luôn lớn hơn TSSTT, đã bù lại phần thiếu hụt ở Đông và Tây Nam bộ. Bên cạnh tiến bộ về điều kiện nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục (ở các tỉnh Đông và Tây Nam bộ cũng có các tiến bộ này song chưa bằng đồng bằng sông Hồng) thì theo tôi, yếu tố quan trọng nhất khiến mặc dù thu nhập ngày càng tăng, song TSS không giảm, mà còn tăng là do truyền thống văn hóa của người Việt. Đó là truyền thống coi trọng cuộc sống gia đình, sự giúp đỡ nhau giữa các thế hệ để chăm sóc con cái, có con là mong muốn, là niềm vui, niềm tự hào của đa số các gia đình.
Trong hàng ngàn năm chống xâm lược phong kiến phương Bắc hay trong cuộc chiến đấu 117 năm chống Pháp và Mỹ xâm lược (1858-1975), Việt Nam luôn là nước nhỏ hơn về dân số, yếu kém hơn rất nhiều về kinh tế, kỹ thuật quân sự, song cuối cùng nước ta vẫn chiến thắng. Sức mạnh văn hóa Việt Nam chính là yếu tố quyết định. Giờ đây, trong hòa bình, phát triển kinh tế thị trường, yếu tố văn hóa Việt Nam, đặc biệt là truyền thống duy trì và bảo vệ gia đình, coi gia đình là tế bào xã hội, là hậu phương của mỗi người đã giúp 44/63 tỉnh, thành phố (70%), với 64% dân số cả nước giữ được TSS bằng hoặc lớn hơn TSSTT, dù thu nhập đầu người không ngừng tăng lên, ngược với xu thế của thế giới hơn 50 năm qua và ngược với xu thế của Đông và Tây Nam bộ 20 năm qua.
Một lần nữa, sức mạnh văn hóa Việt Nam cùng với những tiến bộ về an sinh xã hội đã làm cho 70% tỉnh, thành phố cả nước với 64% dân số có phát triển gia đình ngược với xu thế của thế giới và 30% tỉnh, thành phía Nam với 36% dân số. Song chúng ta không thể hy vọng tình hình này sẽ tự động được duy trì.
Bài học của nhân loại 50 năm qua và của 19 tỉnh, thành phố phía Nam 20 năm qua là cảnh báo rất rõ ràng: Chúng ta phải có đột phá về chính sách xã hội, đặt mục tiêu chăm lo, xây dựng, bảo vệ gia đình Việt Nam ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì đất nước Việt Nam mới phát triển bền vững, dân tộc Việt Nam mới trường tồn. Còn gia đình Việt Nam, còn văn hóa Việt Nam thì có tất cả, có tiền đề để làm tất cả. Mất gia đình Việt Nam, mất văn hoá Việt Nam thì đất nước tự tiêu vong.
100 triệu người dân Việt Nam năm 2023 với hơn 27 triệu hộ gia đình hôm nay, nếu chúng ta gìn giữ, phát huy được thực sự văn hóa Việt Nam, gia đình Việt Nam sẽ là nền tảng vững chắc, bền vững để phát triển kinh tế và đất nước Việt Nam không chỉ trong 100 năm tới mà 1.000 năm tới.