Khát vọng phát triển quê hương
Dải cát trắng ven biển khu vực duyên hải Nam Trung bộ xuất hiện ngày càng nhiều KCN, KKT mũi nhọn của cả nước sau khi người dân đồng thuận, nhường lại cả nhà cửa, đất đai cho dự án. Mỗi lần rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn dẫu kéo theo nhiều trăn trở, băn khoăn về sinh kế, nhưng người dân vẫn đồng thuận vì khát vọng quê hương phát triển hơn.
Ông Bùi Trạng, Chủ tịch UBND xã Bình Trị (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết, nhắc đến Bình Sơn, trong tâm trí mỗi người dân Quảng Ngãi không thể nào quên vùng đất đầy cát trắng và nắng gió. Từ trong gian khó, bằng ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, nhất là sự hy sinh của người dân sẵn sàng nhường nhà cửa, đất đai, vườn tược cho hàng loạt dự án công nghiệp mang tầm vóc quốc gia, vùng đất nghèo khó đã mang diện mạo tươi mới, hiện đại và đầy sức sống. “Ngày ấy, Nhà máy lọc dầu Dung Quất triển khai hợp với lòng dân nên hàng trăm gia đình ở xã Bình Trị đồng ý di dời, giải tỏa trắng để nhường đất cho dự án. Đổi lại, dự án đi vào hoạt động mang đến cơ hội phát triển mới, mà người dân Bình Trị hưởng lợi trực tiếp. Không chỉ ưu tiên đào tạo, tuyển dụng lao động ở Bình Trị, Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn giúp xây dựng nhiều công trình dân sinh, giúp địa phương xóa nghèo và phát triển bền vững”, ông Trạng phấn khởi.
Dọc bán đảo Phương Mai trở ra ven biển các huyện Phù Mỹ, Phù Cát (tỉnh Bình Định) trước đây chỉ lốm đốm vài cụm dân cư, làng biển biệt lập, đói nghèo bủa vây. Nhưng giờ, dải cát này sáng bừng với những đô thị hiện đại, những dự án du lịch, nghỉ dưỡng hàng chục ngàn tỷ đồng, góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương. Ông Hồ Việt Ngữ, Giám đốc Ban quản lý dự án và giải phóng mặt bằng KKT tỉnh Bình Định, kể: “Nhơn Hội vốn là những đồi cát trải dài, xen lẫn rừng phi lao còi cọc với những trận bão cát hoành hành. Người dân số thì đánh cá, số đi rẫy đốn củi làm than kiếm sống qua ngày. Nhưng từ khi thành lập KKT Nhơn Hội vào năm 2006, đặc biệt từ ngày KKT này được tỉnh thống nhất điều chỉnh, chuyển đổi chiến lược thu hút đầu tư từ công nghiệp nặng sang du lịch, dịch vụ, đô thị, cảng biển… thì Nhơn Hội khởi sắc đi đúng hướng, được người dân địa phương đồng thuận rất cao”.
Đô thị mới làng biển bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) đang phát triển hiện đại, đóng góp vào phát triển chung của địa phương, đất nước. Ảnh: NGỌC OAI |
Còn ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã bán đảo Nhơn Lý, chia sẻ, từ khi tỉnh mời gọi đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng đã bắt đầu tạo ra một sinh khí phát triển mới cho toàn xã Nhơn Lý. Theo đó, kinh tế địa phương dần chuyển dịch đúng hướng, từ ngư nghiệp sang dịch vụ, thương mại. Qua đó, tạo việc cho 5.000 lao động trong vùng với thu nhập bình quân 7-20 triệu đồng/ người/tháng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững mà người dân nơi đây bao đời mơ ước.
Hợp lòng, dân ủng hộ
Xác định tầm quan trọng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) khi Nhà nước thu hồi đất, thời gian qua, tỉnh Bình Định luôn xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, hàng đầu. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác bồi thường, GPMB các dự án được lãnh đạo Chính phủ ghi nhận, đánh giá tích cực. Trong đó, chương trình phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, KCN là điểm sáng được người dân ủng hộ, đồng thuận cao. Ông Ngô Tùng Sơn, Phó Trưởng ban GPMB tỉnh Bình Định, cho biết, nhờ làm tốt công tác GPMB mà trong thời gian ngắn, Bình Định đầu tư trên 10 dự án giao thông (6 dự án đường biển) tổng vốn trên 20.000 tỷ đồng. Các dự án giao thông kết nối các KCN, KKT… tạo ra sinh khí mới cho nhiều vùng dân cư, làng quê nghèo khó và mở ra quỹ đất hàng chục ngàn hécta để tỉnh thu hút dự án mới.
Mấu chốt của sự đồng thuận trong GPMB, di dời người dân, theo ông Ngô Tùng Sơn, cần xác định ý nghĩa dự án, quyết tâm cao từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tranh thủ nguồn vốn, nguồn lực. Khi GPMB các dự án, lãnh đạo tỉnh thường chỉ đạo phân tách rõ ràng từng nhiệm vụ, đơn vị, địa phương. Vấn đề nào vướng mắc thì thành lập tổ đặc biệt để tháo gỡ. Cán bộ, lãnh đạo làm công tác GPMB phải sâu sát, có năng lực để nắm rõ được nguồn gốc đất đai, tìm đầu mối để có tài liệu chứng minh khi người dân cần. Đồng thời, cán bộ GPMB phải luôn bám sát thực tế, linh hoạt sửa đổi, điều chỉnh khi xảy ra các vướng mắc, cần táo bạo để tham mưu lãnh đạo tỉnh xem xét sửa đổi, điều chỉnh các chính sách, văn bản chưa hợp tình, hợp lý.
Tỉnh Bình Định còn có thêm chính sách đột phá khác rất nhân văn là dựa trên cơ sở xem xét thực tế, nếu hộ dân có nhiều cặp vợ chồng con cái thì sẽ được bố trí thêm các lô đất tái định cư để người dân đủ điều kiện dời đi. Chưa hết, Bình Định còn soi xét kỹ lưỡng lịch sử cư trú trên đất của dân. Kể cả đối với đất lấn chiếm do các yếu tố lịch sử để lại, địa phương vẫn căn cứ theo các mốc thời gian cho phép của Luật Đất đai để hỗ trợ bồi thường và cấp đất tái định cư cho người dân (tùy mức độ)… “Với những đột phá, sâu sát, bám thực tiễn thuận lòng dân như vậy, hầu hết dự án ở tỉnh Bình Định đều giải quyết được bài toán đi - ở cho người dân trong vùng dự án. Dân đã thuận thì làm gì cũng rất thuận lợi, suôn sẻ và bản thân cán bộ, lãnh đạo cũng yên tâm, mạnh dạn”, ông Ngô Tùng Sơn nhấn mạnh.
Sau gần 4 năm triển khai giai đoạn 1 Dự án di dời dân cư, GPMB khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, UBND TP Huế đang đẩy nhanh tiến độ GPMB các khu vực đã di dời, đồng thời chuẩn bị thực hiện việc mở rộng phạm vi đề án với 19 khu vực trên địa bàn với sự đồng thuận từ phía người dân. Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, người được xem là “nhạc trưởng” của dự án này, cho biết, cùng với những chính sách có lợi cho người dân, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thường xuyên về thăm, động viên bà con thuộc diện di dời nên việc triển khai dự án gặp nhiều thuận lợi. Một số trường hợp có đơn kiến nghị trong quá trình triển khai thì UBND TP Huế tổng hợp, phân loại, trình cấp có thẩm quyền kịp thời xem xét. Đó là sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo giúp bà con an tâm, đồng tình ủng hộ dự án.