Vấn đề vở tuồng đặt ra khiến người xem không thôi day dứt: nội loạn còn nguy hại hơn ngoại xâm; công lý trong tay kẻ mạnh, những người có quyền lực, ngự trên ngôi cao, vậy thì các quan thanh liêm, kẻ sĩ yêu nước có chịu khuất phục, cúi đầu trước cường quyền? Nếu làm ngơ trước nỗi đau bá tánh, thì dân chúng biết phải trông cậy vào ai? Ở bất cứ thời đại nào, đời sống xã hội luôn cần sự minh bạch, công lý.
Vở hát bội đưa người xem đến với một thời khắc lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân hóa xã hội ở kinh thành Thăng Long, giai đoạn cuối đời của chúa Trịnh Sâm. Chúa Trịnh Sâm về già si mê tuyên phi Đặng Thị Huệ nên đã giao hết quyền hành cho người đàn bà đầy tham vọng quyền lực này.
Lợi dụng quyền hành và thế lực trong tay, Đặng Thị Huệ đã ép chúa Trịnh gả công chúa Ngọc Lan cho em trai bà là Đặng Mậu Lân (nổi tiếng là người càn rỡ và dâm dật trong lịch sử phong kiến Việt Nam).
Trong cuộc sống, Đặng Mậu Lân cậy oai chị gái nên hay dở thói lộng hành, hung bạo, chuyên cướp nhà, cướp đất của dân lành, hãm hiếp, giết người vô tội... Hành động gian ác, hung hãn của Đặng Mậu Lân gây bao đau thương cho bá tánh khắp nơi, cả kinh thành Thăng Long rơi vào tình thế loạn lạc.
Trong thời thế hỗn loạn ấy, nhân vật Ngô Thì Nhậm xuất hiện, hình tượng của ông được khắc họa ấn tượng với khí phách hiên ngang, chính nghĩa, không ngại đụng chạm quan quyền. Ông đã lắng nghe những nỗi oan khuất của dân lành, suy tính kỹ càng về những hành động đầy tội ác của “cậu Trời” Đặng Mậu Lân, nhanh chóng tìm kiếm các bằng chứng, nhân chứng thuyết phục, bất chấp mọi hiểm nguy, những áp lực từ người của vương triều, để mở phiên xử án nghiêm minh, góp phần giữ gìn kỷ cương phép nước.
Vở diễn được dàn dựng hấp dẫn, có nhiều tình tiết gay cấn, kịch tính, được xử lý khéo léo, cuốn hút sự dõi theo của khán giả. Đây cũng là một vở diễn có giá trị thực tiễn về mặt tư tưởng, xử lý những sai trái, bất công trong sự phát triển của một xã hội. Thế nên, dẫu là câu chuyện về một giai đoạn lịch sử đầy biến động, nhưng vở diễn lại dễ chạm vào tâm tư người xem vì tính thời cuộc, hiện đại.
Không chỉ vậy, vở tuồng còn thể hiện rõ ràng một quan điểm: niềm tin vào sự chiến thắng của công lý cũng như sự nghiêm minh trong kỷ cương, phép nước. Vở diễn có sự tham gia của NSƯT Linh Hiền, Thanh Trang, Linh Phước; nghệ sĩ Đông Hồ, Bảo Châu, Kiều My, Anh Thi, Minh Khương, Hoàng Hà, Hoàng Tuấn, Hà Trí Nhơn...
Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM Nguyễn Hoàn chia sẻ: “Thời gian qua, khi thực hiện các vở mới, chúng tôi chú trọng dàn dựng tập trung để các tác phẩm gọn gàng, súc tích, dễ hiểu, chuyển tải tốt về nội dung, tính nghệ thuật, những giá trị tư tưởng của vở tuồng đến khán giả. Không chỉ vậy, về nhân sự, nhà hát cũng đặt ra tiêu chí gọn ghẽ và hiệu quả, một nghệ sĩ, diễn viên sẽ đảm nhận từ 2-3 vai trong một vở tuồng. Nhân sự biểu diễn hiện nay của nhà hát chỉ có 21 người, dàn nhạc 7 người. Lực lượng trình diễn cứ ngày càng mỏng dần, lớp trẻ theo nghề quá hiếm hoi, đang là nỗi lo rất lớn của nhà hát. Ngoài ra, khi dàn dựng vở mới, nhà hát cũng chú ý đến tính hợp lý của bài toán kinh phí, trưng dụng các cảnh trí cũ để không phí phạm, dựng tác phẩm gọn nhẹ để đáp ứng tốt yêu cầu đem vở lưu diễn phục vụ người dân ở các quận huyện”.
Ngay thời điểm này, nhà hát đang nỗ lực thực hiện chương trình biểu diễn phục vụ du lịch. Trước tiên, diễn 3 suất tại Nhà hát Trần Hữu Trang vào các tối 20-9, 29-9 và 4-10. Nếu các đêm diễn đạt được hiệu quả thì sẽ duy trì tổ chức về lâu dài dự án sân khấu du lịch này.
Đến tối 23-9, nhà hát kết hợp với các đơn vị nghệ thuật tại TPHCM cùng biểu diễn trong chương trình nghệ thuật tạp kỹ tổ chức tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn. Từ nay đến cuối năm, nhà hát tiếp tục dựng thêm các trích đoạn theo kế hoạch để đáp ứng công tác biểu diễn phục vụ.