Hệ tiêu hóa là nơi thực hiện việc tiêu hóa, hấp thụ các chất dinh dưỡng cung cấp cho các cơ quan hoạt động, đồng thời cũng là hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ nhu cầu dinh dưỡng rất cao cho tốc độ phát triển nhanh chóng, nhưng hệ tiêu hóa lại rất non yếu, rất dễ bị ảnh hưởng nếu chế độ dinh dưỡng không phù hợp, thiếu các yếu tố bảo vệ.
Cấu trúc và quá trình hoạt đông của hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa là một ống dài đi từ miệng đến hậu môn, bên cạnh còn có gan, mật và tụy. Chức năng là nạp thức ăn vào, sau đó nhồi, trộn để tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng, loại bỏ các chất cặn bã, độc hại khỏi cơ thể. Việc tiêu hóa hấp thụ có sự tham gia của cả một hệ thống các men tiêu hóa. Trẻ trong những năm đầu đời hệ tiêu hóa chưa phát triển và trưởng thành.
Miệng trẻ sơ sinh nhỏ, niêm mạc miệng có nhiều mạch máu nhưng khô vì ít nước bọt do tuyến nước bọt chưa biệt hóa tốt, do đó ít men Amylase (men tiêu hóa tinh bột), vì vậy trẻ chưa thể ăn bột.
Dạ dày của trẻ nhỏ, lúc mới sinh chỉ chứa được 30-35ml, lúc 3 tháng tuổi có thể chứa được 100ml và đạt 250ml khi trẻ được 1 tuổi. Các lớp cơ phát triển còn yếu, co thắt bất thường nên trẻ dễ bị nôn trớ. Thành phần dịch vị của trẻ giống người lớn nhưng số lượng và chất lượng kém hơn. Độ pH trong dịch dạ dày của trẻ nhỏ cao hơn trẻ lớn, do đó chỉ thích hợp trong tiêu hóa, hấp thụ các thành phần lactose, protein trong sữa mẹ hơn là sữa bò. Dạ dày là nơi chủ yếu diễn ra quá trình tiêu hóa thức ăn nhờ các men pepsin, lipase có trong dịch vị.
Ruột trẻ so với chiều dài của cơ thể dài hơn người lớn. Ở trẻ 6 tháng, ruột của trẻ dài gấp 6 lần chiều dài cơ thể, trong khi ở người lớn chỉ dài gấp 4 lần chiều cao. Ruột trẻ phát triển rất nhanh, nhiều nếp nhăn, nhiều mạch máu. Màng treo ruột tương đối dài, manh tràng ngắn và di động nên dễ xoắn. Việc tiêu hóa tiếp tục diễn ra ở tá tràng và phần đầu ruột non nhờ tác dụng của các men trong dịch ruột, dịch tụy và dịch mật như trypsin enterokinaza giúp tiêu hóa protein, men lipase giúp tiêu hóa mỡ, các men mantase, lactase tiêu hóa glucid... để lấy các dưỡng chất hấp thụ vào máu nuôi dưỡng cơ thể.
Phần cặn bã thừa và các chất thải của quá trình tiêu hóa hấp thụ được di chuyển xuống ruột già, trực tràng, hậu môn và đào thải ra ngoài qua phân. Chức năng ruột, hoạt tính men ở trẻ kém hơn người lớn.
Tụy và gan cũng là những cơ quan của hệ tiêu hóa, về hình thể tụy phải 5-6 tuổi mới giống người lớn, nhưng chức năng tụy có tác dụng tương đối tốt sau khi sinh, chức năng gan phải đến 8 tuổi mới giống người lớn.
Đặc điểm hệ vi sinh trong đường ruột ở trẻ
Khi mới được sinh ra, trong dạ dày và ruột của trẻ hầu như không có vi khuẩn cho đến 8 giờ sau. Sau 8 giờ, vi khuẩn sẽ xâm nhập ruột qua miệng, đuờng hô hấp và trực tràng, mức độ và thành phần vi khuẩn phụ thuộc nhiều vào môi trường. Bao gồm các vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, liên cầu, cầu khuẩn ruột, trực khuẩn ruột, trực trùng bifidus, trực trùng perfringens, trực trùng acidophilus... Hệ vi khuẩn ở ruột gồm hai loại, vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, hai loại này ở trạng thái cân bằng nhau và vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế.
Vi khuẩn có lợi ở ruột có tác dụng tổng hợp các vitamin nhóm B, vitamin K và làm tăng tiêu hóa đạm, mỡ, đường, giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh hoặc chống lại những tác nhân xâm lấn bên ngoài, duy trì sự cân bằng của hệ tiêu hóa.
Vì sao trẻ sau cai sữa mẹ thường bị rối loạn tiêu hóa?
Từ ngày thứ 3 sau sinh, lượng vi khuẩn trong ruột tăng cao, lúc này thành phần hệ vi sinh trong đường ruột của trẻ phụ thuộc vào chế độ ăn:
- Trẻ bú mẹ vi khuẩn bifidus (vi khuẩn có lợi) chiếm ưu thế và ức chế E.coli.
- Trẻ ăn nhân tạo đường ruột có nhiều vi khuẩn E.coli hơn.
Nguyên nhân là do sữa mẹ chứa nhiều yếu tố bảo vệ, trong đó có các yếu tố như prebiotics như là một nguồn thức ăn phong phú cho vi khuẩn có lợi trong ruột, lactoferrin giúp ngăn ngừa sự lây lan các mầm bệnh, kích thích các bạch cầu chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật có hại...
Chính vì vậy, trẻ bú mẹ thường được bảo vệ tốt, ít bị rối loạn tiêu hóa, đặc biệt trong 6 tháng đầu trẻ còn được bảo vệ nhờ các yếu tố miễn dịch từ mẹ truyền sang. Sau 6 tháng, đặc biệt là sau cai sữa mẹ, lúc này miễn dịch từ mẹ đã giảm nhiều, yếu tố bảo vệ từ sữa mẹ không còn, trẻ đã tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh, làm quen nhiều loại thực phẩm khác nhau nên nguy cơ rối loạn tiêu hóa cao hơn, trẻ hay bị nôn ói, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón...
Để khắc phục, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú sớm ngay sau khi sinh, kéo dài 18-24 tháng. Trong chế độ ăn cần chú ý đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, những trẻ có nguy cơ như thiếu sữa mẹ nên bổ sung các thực phẩm có chứa các yếu tố bảo vệ hệ tiêu hóa giúp trẻ hấp thụ, tiêu hóa tốt để phát triển toàn diện.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
PCT HĐQT Công ty NutiFood