Những thương vụ bạc tỷ
Dù những năm gần đây, mỗi tỉnh, thành phố và trung ương có nhiều chính sách hỗ trợ để người trẻ khởi nghiệp, nhưng có lẽ, khi phong trào khởi nghiệp phát triển quá mạnh, giới trẻ mạnh dạn hơn trong việc hiện thực hóa ý tưởng của mình thì những mô hình hỗ trợ ấy dần trở thành “chiếc áo chật”. Nó cần có một mô hình khác tiếp quản một cách tiệm cận hơn, dài hơi hơn. Bởi vậy, khi Shark Tank Việt Nam ra mắt, đã đem một làn gió mới, giúp cho “cánh diều” khởi nghiệp bay cao hơn và được giới trẻ nói chung, cộng đồng startup nói riêng vô cùng thích thú.
Mùa đầu tiên có 4 shark (nhà đầu tư) chính và các shark khách mời, nhiệm vụ của các startup là phải thuyết phục được họ rót vốn cho dự án của mình. Theo đó, người gọi vốn phải trải qua 3 vòng, gồm thuyết trình, thương thuyết và ra quyết định trước các nhà đầu tư. Mở hàng cho những cuộc gọi vốn thành công của người trẻ tại Shark Tank mùa đầu là 2 sinh viên Đỗ Đức Mười và Vũ Văn Trung với dự án Transform Studio. Với nhiệt huyết và đam mê dành cho cosplay (chuyên về kỹ xảo vật lý, hóa trang với hiệu ứng đặc biệt, thiết kế, chế tạo phục trang), studio của 2 sinh viên năm 3 này đã nhận được 3,1 tỷ đồng đầu tư.
Nguyễn Xuân Bằng và Phạm Tấn Phúc là cái tên khá quen thuộc với cộng đồng startup ở TPHCM khi đem ý tưởng Gcalls đi chinh chiến ở nhiều cuộc thi. Với tính năng cung cấp phần mềm quản lý giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tạo lập hệ thống tổng đài chỉ trong vòng 5 phút, bao gồm hạ tầng call center (trung tâm cuộc gọi), phần mềm quản lý cuộc gọi và giải pháp tích hợp với các CRM (quản trị quan hệ khách hàng), Gcalls đã nhận được nhiều cái kết đẹp khi đoạt giải nhất Ý tưởng sáng tạo tại Start-up Wheel 2016 và giải nhất AngelHack tại Việt Nam, giành vé sang Thung lũng Silicon trình bày với các nhà đầu tư ở Mỹ...
Một lần nữa, Đức và Bằng khẳng định giá trị của mình đối với cộng đồng nói chung và khả năng phát triển trên thị trường nói riêng khi đem về 23 tỷ đồng từ nhà đầu tư ở Shark Tank dù dự định chỉ gọi vốn khoảng 6 tỷ đồng.
Bên cạnh những thương vụ mang yếu tố lợi nhuận là trên hết, các shark cũng có những cú quyết định rót vốn mang đậm tính nhân văn. Tiêu biểu như quyết định cùng rót vốn 1 tỷ đồng của 3 shark vào dự án chế tạo xe lăn điện dành cho người khuyết tật của chàng trai Lê Văn Hóa. Dù không đánh giá cao tiềm năng lợi nhuận ở dự án này, nhưng câu chuyện về ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ lòng hiếu thảo của người con khi cha mình bị tai nạn liệt toàn thân và mong muốn giúp cha cũng như hàng triệu người khuyết tật trong nước có phương tiện hỗ trợ cuộc sống với giá rẻ, đã khiến nhà đầu tư gật đầu.
Hay thương vụ đầu tư 3 tỷ đồng vào dự án Khu vườn của mẹ, phát triển sản phẩm chocolate được làm từ cỏ lúa mì, giúp tăng cường sức khỏe cho người bệnh của Trần Đại. Dư luận đánh giá đây là những vụ hợp tác “ngọt ngào”, là cái kết đẹp cho một cuộc gọi vốn khi “chiến binh” trên thương trường đã tạm gạt lời, lỗ sang một bên để cùng hướng về cái tình và tính nhân đạo.
Mỗi startup là một câu chuyện, dĩ nhiên không phải startup nào cũng gọi vốn thành công, nhưng tất cả đã làm nên một bức tranh nhiều màu sắc về ý tưởng, bản lĩnh dám nghĩ dám làm của người trẻ và sự tin tưởng của những doanh nhân trẻ dành cho thế hệ kế cận.
Chờ đợi sức nóng từ mùa 2
Trên thế giới, Shark Tank không mới, nó được phát sóng lần đầu tiên vào năm 2001 tại Nhật Bản và hiện có mặt ở 31 quốc gia với hàng trăm triệu USD được đầu tư trước khi đến Việt Nam. Kể từ khi phát sóng, Shark Tank Việt Nam đã nhanh chóng thu nạp được lượng khán giả hùng hậu trên truyền hình và mạng xã hội. Mùa đầu tiên, Shark Tank Việt Nam đã thu hút 500 startup nộp đơn đăng ký, trong đó 48 startup lọt vào vòng thương thuyết với shark.
Kết quả, 22 thương vụ nhận được cam kết đầu tư tại chương trình với tổng số tiền lên đến 116,6 tỷ đồng. Ở Shark Tank, không chỉ đơn thuần là sự chia sẻ kinh nghiệm, cho những lời khuyên mà là sự hợp tác trong kinh doanh để đưa những doanh nghiệp trẻ có bước đi dài hơn trên con đường phát triển. Dù được rót vốn hay không, chắc chắn các startup cũng không về tay trắng, bởi họ vẫn còn cơ hội để thu hút các nhà đầu tư ngoài chương trình.
Sau thành công ở mùa 1, từ đầu tháng 3-2018, các khâu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia mùa 2 đã khởi động, đến nay đã có hơn 1.000 hồ sơ đăng ký tham gia. Năm nay, ban tổ chức sẽ chọn ra 150 hồ sơ tham gia gọi vốn trên truyền hình.
“Mùa đầu tiên kết thúc, chắc hẳn những startup ấp ủ dự định tham gia chương trình cũng đã rút ra được bài học, kinh nghiệm cho mình. Hãy nhớ, hiểu về dự án của mình thôi chưa đủ, phải định giá được doanh nghiệp của mình.Tiền không phải là tất cả, vì nếu không được rót vốn ngay trên truyền hình, bạn cũng sẽ có những lời khuyên chân thành từ những người đi trước để định hướng lại con đường phát triển của doanh nghiệp và biết đâu cơ hội được rót vốn lại đến từ những khán giả xem truyền hình. Nên đầu tư kỹ cho bài thuyết trình thật ấn tượng và phải biết tranh thủ “quy tắc 10 giây”. Đây là thời điểm vàng để các bạn trình bày rõ ràng về doanh nghiệp của mình với số liệu cụ thể để tranh thủ thiện cảm của nhà đầu tư”, bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất Chương trình Shark Tank (Công ty TV HUB), đưa ra lời khuyên trước thềm Shark Tank mùa 2.