Thuật ngữ “Business Travel” khác với MICE (du lịch kết hợp hội nghị) ở chỗ du khách là những nhà đầu tư, doanh nhân tìm kiếm thị trường mới, thực hiện giao dịch thương mại, M&A - mua bán và sáp nhập…
Vừa qua, tại Manila (Philippines), Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards đã vinh danh TPHCM là Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á 2024 - Asia’s Leading Business Travel Destination 2024 cùng nhiều giải thưởng danh giá khác như Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á 2024 - Asia’s Leading Festival & Event Destination 2024; Cơ quan du lịch thành phố hàng đầu châu Á 2024 - Asia’s Leading City Tourist Board 2024...
Các giải thưởng trên cùng hoạt động xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ được xem như bước đệm góp phần đưa du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Qua đánh giá của các chuyên gia du lịch, nhóm khách chuyên biệt Business Travel xuất hiện ngày càng nhiều góp phần kết nối, mở ra hàng loạt cơ hội đầu tư “xuyên biên giới” cho doanh nghiệp trong nước.
Tại Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM và Hội chợ triển lãm quốc tế quà tặng, quà lưu niệm TPHCM diễn ra tại SECC, quận 7 vừa qua, đại diện các gian hàng ghi nhận lượng khách Business Travel tăng đáng kể. Nhóm khách này tìm hiểu kỹ về sản phẩm, đặt lịch hẹn tham quan doanh nghiệp, tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu qua Trung Đông, Ấn Độ, Mỹ, Nam Phi…
TPHCM “hút” được nhóm khách này nhờ vào lợi thế là trung tâm kinh tế, dịch vụ lớn của đất nước; “hub” du lịch (là định nghĩa dùng để chỉ một điểm đến tích hợp đầy đủ các yếu tố nghỉ dưỡng - du lịch - giải trí phức hợp); thuận tiện kết nối nội địa và quốc tế. Nhóm khách Business Travel đến đây có nhiều cơ hội hợp tác, làm ăn…
Ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 phòng chờ thương gia Le Saigonnais và Jasmine do SASCO vận hành, được tạp chí uy tín quốc tế về dịch vụ chuyến bay (PAX International) vinh danh phòng chờ thương gia tốt nhất châu Á năm 2021 và 2023. Jasmine là phòng chờ thương gia đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho hành khách tín đồ Hồi giáo, đánh dấu bước quan trọng trong ngành dịch vụ hàng không tại Việt Nam.
Về ẩm thực, TPHCM cũng là “trung tâm” của các món ăn ngon, đa dạng vùng miền, níu chân du khách. Điển hình, trong danh sách Michelin vinh danh 42 nhà hàng Việt Nam “ngon, giá phải chăng” năm nay có tới 24 nhà hàng tại TPHCM với những món đặc trưng như bánh xèo, bò kho, phở, bún bò Huế… Bên cạnh đó, TPHCM cũng thiết kế những tour du lịch riêng, có chính sách tiếp đón riêng cho du khách đoàn, trong đó có khách Business Travel.
Từ lợi thế “hub” du lịch, TPHCM đã và đang nỗ lực nhiều hơn trong việc thu hút dòng khách chi tiêu cao đến tham quan, hội họp, nghỉ dưỡng… Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý tình trạng hàng rong đeo bám, “chặt chém” du khách; tạo ra nhiều sản phẩm điểm nhấn như du lịch cộng đồng Thiềng Liềng tại huyện Cần Giờ, sản phẩm “Saigon River Sightseeing” với tàu 2 tầng phục vụ khách thưởng ngoạn thành phố về đêm trên sông Sài Gòn; một số lễ hội đặc sắc như Lễ hội Sông nước TPHCM, Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM…
Chính những bước đi bài bản, chuyên sâu như vậy nên ngành du lịch TPHCM năm nay đã bội thu, ước tính đón 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2023, tổng thu 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng chính là cơ sở để đặt kỳ vọng cao vào năm sau.