Cẩn trọng trong sử dụng tư liệu
Lịch sử đất nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn bi hùng, sự kiện đặc biệt, cột mốc trọng đại với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng... Tất cả trở thành nguồn tư liệu quý giá để các tác giả, soạn giả xây dựng nên những kịch bản sân khấu. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với cách dàn dựng hiện đại, nội dung cập nhật thời đại, đi sâu vào những vấn đề mà khán giả quan tâm, đã giúp các tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử tìm được sự đồng cảm.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát Idecaf, chia sẻ: “Nếu nói các tiêu chí hấp dẫn của sân khấu như màu sắc bắt mắt, mới lạ, hình thức trình diễn hấp dẫn, phục trang đẹp, phong phú, trình thức diễn đa dạng, cuốn hút thiếu nhi và cả người lớn, thì rõ ràng các tác phẩm sân khấu về lịch sử đáp ứng hết. Đó cũng là lý do kịch lịch sử dù có lúc này lúc khác nhưng luôn không thể thiếu trong đời sống sân khấu”. Tuy nhiên, kịch bản sân khấu đề tài lịch sử lại không dễ thực hiện. Từ khâu sáng tác đã phải có sự cân nhắc, cẩn trọng trong sử dụng tư liệu; việc dàn dựng, đầu tư, thiết kế phục trang, cảnh trí, đạo cụ... cũng phải chỉn chu. Ngay cả yếu tố hư cấu trong sáng tác cũng đòi hỏi người viết phải cân nhắc giữa những gì mà tài liệu lịch sử để lại với các góc khuất, truyền thuyết để những sáng tạo không gây phản cảm, sai lệch về nội dung.
“Dựng vở đề tài lịch sử rất cực, đầu tiên là làm sao để vừa đảm bảo yếu tố lịch sử chính thống nhưng cũng phải có chất hư cấu văn học để tạo nên sự hấp dẫn, mới lạ thu hút người xem. Dung hòa tốt cả hai yếu tố này thì mới có thể dàn dựng biểu diễn được. Chi phí làm kịch lịch sử cũng rất lớn, nhất là các vở cổ trang, có thể gấp 2, 3 lần vở bình thường. Làm kịch lịch sử không dễ dàng nhưng nếu không làm thì như cảm thấy có lỗi với khán giả. Cũng vì thế, nếu vở được khán giả đón nhận, khen ngợi thì hạnh phúc cũng nhiều hơn những vở bình thường khác”, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn bộc bạch.
Lan tỏa các tác phẩm lịch sử
Tại TPHCM, hàng loạt tác phẩm sân khấu kịch nói, cải lương về đề tài lịch sử liên tục ra mắt trong thời gian qua. Đa số các vở lấy cảm hứng từ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Có thể kể đến một tác phẩm tiêu biểu vừa ra mắt đầu năm 2024 là vở nhạc kịch Tình sử Thăng Long (phóng tác từ kịch thơ Công chúa Ngọc Hân của cố nhà văn, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ; biên kịch và đạo diễn Hoàng Hải). Ngoài khai thác câu chuyện tình đầy chất thơ giữa người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ và nàng công chúa tài hoa Lê Ngọc Hân, vở còn thu hút khán giả khi đặt mối tình đẹp giữa những mưu toan đen tối, những rối ren thời cuộc...
Vở kịch này được đánh giá có sự mới lạ trong cách thực hiện, như phần trang phục vở diễn do nhóm Việt phục Hoa Niên đảm nhận. Đây là nhóm chuyên nghiên cứu, sưu tầm phục dựng, phỏng dựng, thiết kế, cố vấn cho các dự án về văn hóa, lịch sử. NSND Hồng Vân, đại diện đơn vị tổ chức vở diễn, cho biết: “Vở nhạc kịch Tình sử Thăng Long được thực hiện với mong muốn giúp khán giả hôm nay, nhất là khán giả trẻ, thêm yêu thích lịch sử nước nhà. Bên cạnh đó còn có thể hiểu biết thêm về vẻ đẹp phục trang của cha ông ta”.
Đầu tháng 4 này, Nhà hát Idecaf sẽ công diễn vở mới Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn). Đây là vở diễn được nhà hát kỳ vọng sẽ thu hút khán giả là học sinh cấp 2, 3 đến xem kịch nhờ cách xây dựng nội dung phù hợp. Nhà hát Idecaf cũng đang chuẩn bị dàn dựng liên tiếp 2 vở kịch về đề tài lịch sử theo phong cách mới là vở Trần Thủ Độ - Anh hùng hay gian hùng (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt), được dàn dựng dạng sân khấu thể nghiệm, mang màu sắc tươi mới, trẻ trung; vở Nữ Đại Đế Đồng Đình - Mê Linh (tác giả Vũ Minh - Bạch Long, đạo diễn Vũ Trần) sẽ theo thể loại kịch hát Nam bộ - cải lương.