Đặc biệt, bên cạnh sự hội ngộ của bộ tứ lừng lẫy “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm” (tức Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm) từng thành danh trên đất Pháp, phiên đấu giá còn có nhiều gương mặt tài hoa của hội họa Việt Nam như: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em.
Từ bộ tứ lẫy lừng trên đất Pháp...
Theo Nhà đấu giá Christie’s Hong Kong, toàn phiên đấu “Nghệ thuật đương đại thế kỷ 20” có 122 tác phẩm, trong đó có đến 43 tác phẩm của các gương mặt Việt Nam. Điểm nóng của phiên đấu không chỉ nằm ở bộ tứ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm, mà đây cũng là lần hiếm hoi bộ tứ này góp mặt nhiều tác phẩm nhất. Nhiều nhất là Lê Phổ với 11 tác phẩm, Vũ Cao Đàm là 10, Mai Trung Thứ là 9 và Lê Thị Lựu với 7 tác phẩm.
Giá ước đoán cao nhất phiên đấu này thuộc về tác phẩm Cari Kutu (Bắt chấy) của danh họa người Indonesia Hendra Gunawan, với giá ước tính từ 192.471 - 320.786USD. Đây cũng chính là bức từng hy vọng có thể cạnh tranh được về giá bán công khai trên sàn quốc tế với bức Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ (tác phẩm Việt Nam có giá đấu cao nhất trên sàn quốc tế, khoảng 1,4 triệu USD hồi tháng 5 vừa qua) nhưng đã không thành công. Hendra Gunawan là bậc thầy nổi tiếng có giá tranh cao thứ hai tại Indonesia, chỉ sau danh họa Affandi, người đang giữ ngôi quán quân về giá tranh của toàn khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo thông tin từ Christie’s Hong Kong, trong tốp 10 tác phẩm có giá ước đoán cao nhất phiên đấu, thì Việt Nam có 3 tác phẩm, gồm 1 của Nguyễn Phan Chánh và 2 của Lê Phổ. Cụ thể, ở lot số 107, tác phẩm Người phụ nữ trên cánh đồng lúa của Nguyễn Phan Chánh (sáng tác năm 1936) và lot 108 bức lụa Người phụ nữ ngồi của danh họa Lê Phổ (vẽ năm 1934) có cùng giá ước đoán từ 1,2 - 1,8 triệu HKD (153.977 - 230.966USD).
Các bức tranh quý này thuộc sưu tập của Mr Tuan H. Pham, một nhà sưu tập gốc Việt hiện sống tại Mỹ. Lot 117 là một bức lụa khác cũng của Lê Phổ có tên Thợ nhuộm (vẽ khoảng năm 1945), thuộc bộ sưu tập tư nhân ở châu Á, có giá ước đoán 128.314 - 320.966USD.
Hai bức khác là Nude của Mai Trung Thứ (vẽ năm 1970) và tác phẩm Bỏ rơi của Lê Phổ (vẽ năm 1946), ước đoán có giá khoảng 64.157 - 89.820USD. Đây được xem là mức giá hấp dẫn với giới sưu tập, nhất là đối với các tín đồ của mỹ thuật Đông Dương.
Lần hiếm hoi xuất hiện ở Nhà đấu giá Christie’s Hong Kong là 2 bức lụa Tâm sự (vẽ khoảng năm 1938) và Chân dung bà Anh Trần (vẽ năm 1980) của Lê Thị Lựu cùng giá ước đoán 51.333 - 76.999USD. Một mức giá khá dễ chịu đối với nữ họa sĩ tài hoa.
...đến sức hút của các gương mặt đương đại
Không chỉ có những gương mặt tài hoa xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhiều gương mặt họa sĩ đương đại Việt Nam đang trở thành điểm thu hút, được quan tâm trên các sàn quốc tế. Đỗ Quang Em và Nguyễn Trung là hai trong các gương mặt đương đại được tìm kiếm hiện nay.
Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Ninh Thuận, có mẹ là người gốc Chăm. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn niên khóa 1961-1965. Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt đánh giá: “Đỗ Quang Em là một họa sĩ của đời sống thường nhật, tâm hồn ông thuộc về thế giới đó, một thế giới tĩnh lặng, rực sáng ở bên trong, long lanh mà không hào nhoáng...
Hội họa của ông định vị ra các nhân vật, các đồ vật, nhưng qua tài nghệ của ông, ông lại dành sự xác nhận về chúng cho người xem. Và có thể vì lẽ đó, cái tồn tại như những cái bóng của sự thật, ẩn hiện chập chờn trong sáng tối thời gian, không gian của nội tâm, và sức hút nằm ở những lời giải dường như không bao giờ chính xác”....
Tại Nhà đấu giá Christie’s Hong Kong lần này, ông góp mặt với 1 tác phẩm duy nhất. Bức tranh Người phụ nữ với cây đèn dầu (sáng tác năm 1972) và thuộc bộ sưu tập của Mr Tuan H. Pham. Theo Tạp chí Mỹ thuật, người phụ nữ trong tác phẩm không ai khác chính là vợ ông, một người mẫu xuyên suốt trong hầu hết tác phẩm của Đỗ Quang Em.
Trên thực tế, giá trị các tác phẩm của Đỗ Quang Em sáng tác những năm đầu thập niên 70 luôn được đánh giá cao và được giới sưu tập kiếm tìm. Với mức giá khởi điểm quá hấp dẫn 6.416 - 8.983USD từ Christie’s Hong Kong sẽ giúp nhiều người yêu tranh Đỗ Quang Em hy vọng được sở hữu tác phẩm.
Còn họa sĩ Nguyễn Trung (sinh năm 1940 tại Sóc Trăng), từ năm 1961, ông đã tham gia và đoạt nhiều giải thưởng tại cuộc triển lãm lớn. Về mặt nghệ thuật sáng tạo, tác phẩm của ông có nét vẽ điêu luyện, màu sắc thâm trầm đến độ chọn lọc, tinh xảo. Họa sĩ Nguyễn Trung cũng là một trong những người sáng lập ra Hội Họa sĩ trẻ của miền Nam Việt Nam vào năm 1966.
Tranh của ông trước đây thường là sơn dầu có hình thể, hay có ý niệm sự vật, màu sắc rực rỡ. Dù là hội họa hiện thực hay trừu tượng thì tranh của ông nét vẽ đều sắc sảo, bố cục hài hòa rất đẹp, được nhiều người yêu thích, nhất là tranh về phụ nữ. Những đường nét về người phụ nữ như tơ liễu, thong thả mảnh mai, mang một cốt cách rất Việt Nam. Cái đôn hậu thánh thiện, hồn nhiên trong suốt hay cái u trầm của một khóe nhìn từ người mẫu cũng không sao che được sự quan sát tinh tế, thể hiện trên nét vẽ của ông. Tác phẩm của Nguyễn Trung nằm trong bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Singapore và Bảo tàng Mỹ thuật Italy.
Theo nhận định của giới chuyên môn, 2 tác phẩm của ông là Người phụ nữ soi gương (vẽ năm 1991) có giá khởi điểm 8.983 - 11.549USD, Vách nâu giá ước đoán 7.699 - 10.266USD, sẽ khiến giới sưu tập càng nóng lòng sở hữu vì khá dễ thở.