Sức hút Festival Huế

Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 dù mới đi được nửa chặng đường, song với số lượng người dân và du khách đến với các chương trình, hoạt động diễn ra đã minh chứng cho sự hấp dẫn, chuyên nghiệp của sự kiện.

Đội mưa thưởng thức nhạc Trịnh

Đêm nhạc chủ đề “Đối thoại Trịnh Công Sơn – Tình yêu tìm thấy” diễn ra tối 9-6 ở sân khấu điện Kiến Trung, bên trong Hoàng cung Huế là một trong những chương trình được chờ đợi trong khuôn khổ Tuần lễ Festival quốc tế 2024.

Trước giờ diễn, cơn mưa nặng hạt trút xuống và kéo dài không dứt, khiến kịch bản phải thay đổi vào giờ chót để thích nghi. Theo dự kiến, 20 giờ chương trình bắt đầu nhưng mưa ngày càng nặng hạt khiến ban tổ chức đành đưa ra lời xin lỗi, nấn ná đợi tạnh mưa.

z5523396567447_9dda081be7efdab2d2a4e3afd2e307de.jpg
Ấn tượng đêm nhạc chủ đề “Đối thoại Trịnh Công Sơn – Tình yêu tìm thấy” diễn ra dưới mưa tại điện Kiến Trung- Đại nội Huế

Đến gần 21 giờ 30, dù vẫn còn mưa nhưng không để khán giả phải chờ đợi thêm nữa, ban tổ chức quyết định cho đêm nhạc bắt đầu sau khi sàn sân khấu được lau khô, lên các phương án "dã chiến" cũng như kiểm tra lại toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng. Bên dưới sân khấu, rất đông khán giả vẫn mặc áo mưa, che dù ngồi chờ đợi. Và cuối cùng những nghệ sĩ đã xuất hiện, cùng với những ca khúc bất hủ đã đem đến một đêm nhạc nhiều cảm xúc.

z5523396571080_d6f8c3308c331d30f3ac346aef3e14ef.jpg
z5523396571085_582cdfa3d174ff2c143d89cbff8719fb.jpg
Ấn tượng đêm nhạc chủ đề “Đối thoại Trịnh Công Sơn – Tình yêu tìm thấy” diễn ra dưới mưa tại điện Kiến Trung- Đại nội Huế

Cũng trong đêm nhạc này, em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu góp mặt với bộ sưu tập thời trang áo dài “Em đến từ nghìn xưa” được trình diễn bởi những người mẫu là các bạn trẻ xứ Huế.

Như chủ đề đêm nhạc, còn là cuộc đối thoại của âm nhạc Trịnh với những nhạc sĩ tên tuổi khác. Đó là những tên tuổi tạo nên một mảng tranh âm nhạc lớn của người Việt biết yêu thương, lãng mạn, nồng nàn và đầy bao dung. Đó là cuộc đối thoại của Trịnh Công Sơn với ca khúc Xin cho tôi và Phạm Duy với Tình ca được thể hiện bởi ca sĩ Viết Thu. Hay như cuộc đối thoại giữa Trịnh Công Sơn với dân ca Quan họ Bắc Ninh qua phần trình bày của Viết Thu với ca khúc Đường xa vạn dặm và Ngọc Khuê với giai điệu Người ở đừng về.

Phật giáo đồng hành cùng Festival Huế

Lễ hội hoa đăng là một trong những điểm nhấn mà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ban Tổ chức Festival Huế 2024 tổ chức ở bến Nghinh Lương Đình.

Lễ hội diễn ra trang nghiêm với các hoạt động chính, như: Chương trình văn nghệ đặc sắc, Khởi chinh cổ, Nhạc tam luân cửu chuyển và thực hiện nghi lễ cầu nguyện thành kính, trang trọng với cử 3 hồi chuông trống bát nhã.

Sau các nghi lễ, những ngọn hoa đăng được thắp sáng lung linh trong đêm mang theo những nguyện cầu của người dân xứ Huế cho đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa, an lành và hạnh phúc đến với mọi nhà.

Ánh sáng lung linh của hoa đăng đã in mình dưới dòng sông Hương. Lễ hội Hoa đăng là một hoạt động ý nghĩa góp thêm sắc màu cho Festival Huế, cho tinh hoa văn hóa Huế thêm sức sống; cũng như tiếng gọi mời thân thiện chan chứa tình cảm của người dân Cố đô đến với mảnh đất giàu lòng hiếu khách.

z5522610858644_362f3ea88aa0fb163de758962579ebb7.jpg
z5522611122143_0c32ba77cdff9ff1357e0affb5fa7ae0.jpg
Lễ hội hoa đăng tại bến Nghinh Lương Đình

Nằm trong chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao TP Huế tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động Ngày giao lưu văn hóa - nghệ thuật Huế - Cergy "Từ truyền thống đến hiện đại".

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được trong những năm gần đây, lãnh đạo hai thành phố đã thống nhất đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong thời gian tới, trong đó tập trung khai thác những nét tương đồng và thế mạnh của mỗi bên và hoạt động Giao lưu văn hóa - nghệ thuật Huế - Cergy với chủ đề "Từ truyền thống đến hiện đại" được xem là khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác mới giữa hai thành phố nhằm giúp cho người dân Huế nói riêng và Việt Nam nói chung có những hiểu biết ban đầu về TP Cergy xinh đẹp và năng động, nhiều tiềm năng phát triển nằm ở khu vực trung tâm của nước Pháp.

Thông qua Cergy và tới đây có thể là cộng đồng đô thị Cergy Pontoise, Huế sẽ tăng cường xúc tiến các hoạt động quảng bá văn hóa và du lịch tương tự để giúp du khách khu vực thủ đô của Paris và các vùng lân cận có những hiểu biết đầy đủ hơn về một điểm đến văn hóa và di sản lý tưởng cho các hoạt động tham quan, du lịch của mình tại Việt Nam, thông qua các hoạt động văn hóa và nghệ thuật mang đậm dấu ấn của vùng đất cố đô.

Theo ông Moussa Diarra, Phó Thị trưởng Phụ trách Quan hệ Quốc tế TP Cergy, để mối quan hệ hợp tác giữa 2 thành phố phát huy hiệu quả, phải kể đến sự tham gia tích cực từ phía người dân, các hội đoàn và sự ủng hộ của 2 thành phố, từ các cơ quan tài trợ như Đại sứ quán Pháp đến các tổ chức quốc tế. Nếu như Cergy là thành phố trẻ thì Huế là thành phố có tuổi đời hàng trăm năm hình thành và phát triển nên sự hợp tác giữa 2 thành phố được xem là sự bổ sung hiệu quả cho nhau. Sự hợp tác này nhằm vinh danh những giá trị cốt lõi của các quan hệ hợp tác trên thế giới dựa trên nền tảng cơ bản của bình đẳng, bác ái, hòa bình. Bởi, giữa 2 thành phố có sự bổ sung cần thiết cho nhau khi Cergy học hỏi rất nhiều điều ở Huế và ngược lại, Cergy cũng có những chia sẻ cho Huế trên các lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật...

Dịp này, TP Huế và TP Cergy tổ chức giao lưu với nghệ nhân phục chế đồ gốm với chủ đề “Bảo tồn và phục chế di sản” do Chủ tịch Hiệp hội nghề thủ công Vauréal và nghề gốm sứ TP Cergy, bà Saenko Manon trình bày.

Trong khuôn khổ chương trình Festival Huế 2024, Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Huế tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Hướng tới Thế vận hội Paris 2024.​ 13 bức ảnh khổ lớn của triển lãm được treo dọc tường bao của Trường đại học Sư phạm ở đường Lê Lợi giúp công chúng khám phá 13 địa điểm thi đấu trên khắp đất nước Pháp của Thế vận hội Olympic và Paralympic, được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 9-2024.

Linh vật chính thức của Paris 2024, những chiếc mũ Phryges sẽ chỉ cho bạn biết các môn thể thao được thi đấu tại mỗi địa điểm. Từ Paris hoa lệ đến Tahiti vùng đất hải ngoại, lần lượt đi qua tất cả các thành phố, các vùng đất của nước Pháp xinh đẹp. Từ bức ảnh khung cảnh tháp Effel tráng lệ, nơi sẽ diễn ra các môn thi đấu bóng chuyền bãi biển, đến hình ảnh cung điện Grand Palais, nơi diễn ra môn đấu kiếm và taekwondo, mỗi địa điểm đều được lựa chọn vì vẻ đẹp, truyền thống lịch sử và khả năng mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách.

Trình diễn dù lượn trên bầu trời phá Tam Giang

Trong 2 ngày 8 và 9-6, trên bầu trời đầm phá Tam Giang và biển Quảng Công, Quảng Ngạn của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra những màn trình diễn dù lượn đầy ấn tượng, độc đáo, tạo cảm giác lạ lẫm, thích thú cho người dân và du khách.

Đây là lần đầu tiên tại phá Tam Giang diễn ra màn trình diễn dù lượn do Câu lạc bộ Dù lượn Đà Nẵng phối hợp với đơn vị đồng hành cùng lễ hội “Sóng nước Tam Giang”.

Những chiếc dù được lắp thêm động cơ bay từ phía Trung tâm Văn hóa huyện rồi từ từ tiến ra phía phá Tam Giang. Khi đến nơi, các phi công điều khiển cho dù bay lượn qua lại. Từ trên bầu trời, những chiếc dù lượn đầy màu sắc bay lượn, trông oai phong như những cánh chim diều hâu chao mình giữa không trung.

Tin cùng chuyên mục