Cùng ăn, cùng ở, cùng làm
Theo tiếng gọi từ thiên nhiên, mất hơn 3 giờ để di chuyển hơn 120km từ TP Đà Lạt vào trung tâm xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Từ đây chúng tôi di chuyển tiếp trên con đường liên thôn để đến với dòng suối nước nóng Daana (xã Đạ Tông). Bất lợi về khoảng cách địa lý lại là cái hay để giữ vẹn nguyên phong cảnh hoang sơ của núi rừng. Sức hút lớn hơn là con suối nước nóng chảy quanh năm như món quà của thiên nhiên.
Nhiều nhóm du khách khi đến đây thường chọn đi bộ băng rừng, tìm hiểu cuộc sống của người bản địa. Họ đắm mình vào các hoạt động trải nghiệm văn hóa của các dân tộc sinh sống bên dòng K’rông Nô hoặc lang thang, len lỏi qua các buôn làng, tìm hiểu đời sống dân cư, hay đơn giản là ăn thỏa thích các sản vật của Đam Rông… Văn hóa bản địa chính là loại sản vật khác biệt, tinh túy của vùng đất này.
Ngược về huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nơi có những vũ điệu Tamya Arya huyền thoại của người Chu Ru, bà con nơi đây làm du lịch cộng đồng dần tạo được sức hút. Ngôi làng truyền thống ở xã Pró được nhà nước đầu tư, xây dựng là địa điểm để bà con dân tộc Chu Ru làm du lịch một cách bài bản. Từng hồi chiêng vang lên, các cô gái Chu Ru uyển chuyển bên vũ điệu Tamya Arya có động tác duyên dáng với những bước di chuyển ngắn, khiến du khách thích thú vì bất cứ ai cũng có thể hòa nhịp. Đến ngôi làng truyền thống này, chúng tôi được giới thiệu đến các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số để lưu trú và “đổ” ngay trước cái nếp sinh hoạt độc đáo được tiếp truyền bao đời.
Lâm Đồng với 47 dân tộc anh em, có đủ sắc màu và dư địa khiến du lịch vùng đất này trở nên hấp dẫn. Nhiều nơi đang được đầu tư mạnh hoạt động du lịch cộng đồng, như: làng văn hóa truyền thống K’Ho tại thôn K’Long Trao, xã Gung Ré, huyện Di Linh hay tại thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương…
Các loại hình du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp, với làng nghề truyền thống và hoạt động thường nhật của các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa, mang lại trải nghiệm nhiều hơn về nhịp sống “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, đã dần trở thành sự lựa chọn của dân xê dịch. Người dân nơi đây tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, vừa giữ gìn và quảng bá phong tục tập quán của dân tộc mình vừa thu được lợi ích kinh tế - xã hội.
"Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng định kỳ phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn cho người dân kiến thức và kỹ năng làm dịch vụ du lịch cộng đồng có trách nhiệm, giao tiếp, ngoại ngữ; khuyến khích xây dựng cơ sở du lịch gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường. Nâng cao nhận thức về du lịch của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân về tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương và trách nhiệm với việc phát triển du lịch cộng đồng. Những hành động thiết thực như giữ gìn vệ sinh môi trường, thân thiện niềm nở với khách... đã để lại ấn tượng cho du khách" - Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng
Tiếp biến văn hóa
Nếu đến Buôn Ma Thuột lần nữa, chúng tôi vẫn sẽ ghé Arul House, nơi có những con người bám trụ, giữ gìn bản sắc văn hóa của mình để giới thiệu cho cộng đồng. Ẩn mình bên trong một ngôi nhà sàn của người Êđê tại buôn Ako Dhong (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Arul House giấu trong mình những mộc mạc, giản dị nhưng cũng đầy nghệ thuật đời thường của đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Arul là họ của người Êđê, cũng là họ của cô H’len, người tạo nên Arul House, được đặt tên như một sự gợi nhớ về tổ tiên gốc gác, là sợi dây kết nối thế hệ này đến thế hệ khác. Gia đình H’len sinh sống đã nhiều đời ở buôn Ako Dhong. Đến đây, chúng tôi được ngắm nhìn văn hóa Êđê nguyên bản.
Đó có thể là những vật dụng trong đời sống người Êđê như gùi, ché rượu cần, trống, chiêng hoặc những kỷ vật của gia đình xa xưa được cất giữ vẹn nguyên; hay được trải nghiệm lễ chúc phúc, chúc bình an theo nghi thức người đồng bào… Tất cả đều không chỉ có trong sách vở.
Thứ làm chúng tôi thích thú còn có những bữa cơm. Cô H’len chia sẻ: Đối với đồng bào Tây Nguyên, ẩm thực là một trải nghiệm đặc biệt thường được ví như một tấm gương phản chiếu giá trị đời sống. Arul House mang văn hóa ăn uống “rừng nào thức nấy” của người Êđê vào cho thực khách. Nói là sản vật nhưng kỳ thực bữa cơm của người địa phương được làm từ vật nuôi, rau rừng sẵn có…
Trên hành trình gìn giữ và phát triển những giá trị nguồn cội, không ít đồng bào dân tộc thiểu số chọn tiếp biến để lan tỏa văn hóa. Khi sức hấp dẫn nội sinh được lan tỏa, nó trở thành phương thức sinh kế hấp dẫn. Đời sống đồng bào vốn dĩ thế nào đều được bày biện thế ấy, không phô trương, không làm khác đi, chỉ là rực rỡ đậm dấu ấn l